Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số

Báo Công Thương|19/03/2022 08:38

(VLR) Hoạt động xúc tiến thương mại số không ngừng được đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, giao thương và xuất khẩu. Có thể nói, Bộ Công Thương là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nhanh chóng sáng tạo, ứng dụng thực hiện các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị qua hình thức trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị qua hình thức trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com "We choose ACCELERATION" lần thứ hai, diễn ra ngày 18/03.

Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế, tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các Bộ, ngành, kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng khi xuất khẩu năm 2021 đạt mức kỷ lục với kim ngạch hơn 336,3 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là sự góp sức lớn từ hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên môi trường số đã được Bộ Công Thương triển khai. Đây cũng là tiền đề để Bộ Công Thương nghiên cứu và tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại số phù hợp với thực tiễn hơn trong năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí.

Thông tin về sự kiện xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hội nghị năm nay diễn ra vào một thời điểm hoàn toàn khác khi ở Việt Nam đại dịch đã trở thành “bình thường mới”, và sự phục hồi của thế giới đang dần tăng tốc. Tuy nhiên, nếu có một điều kéo dài từ đại dịch trong hai năm qua, đó có lẽ là sức mạnh của xúc tiến thương mại trên môi trường số (kết nối kinh doanh, xây dựng mạng lưới, xuất khẩu trực tuyến…). Trên thực tế, Alibaba.com đã cùng với các đối tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, duy trì hoạt động sinh lợi nhuận, cơ hội kinh doanh toàn cầu tại 190 quốc gia và khu vực.

Giao diện của

Giao diện của

Tại sự kiện năm nay, Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com triển khai “Gian hàng Việt Nam - Vietnam Pavilion” trong thời gian 1 năm kể từ tháng 3/2022. Đây là không gian hàng hoá của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com, tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam chất lượng.

Thông qua gian hàng trực tuyến, Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com sẽ tiến hành các hoạt động xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực kết nối khách hàng và các hoạt động tương tác hai chiều; nâng cao kỹ năng marketing trên môi trường số; và cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng tiềm năng.

“Bộ Công Thương hoan nghênh việc Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Alibaba.com triển khai, xây dựng và vận hành ‘Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion’ - nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Để đi đến kết quả này, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com đã ký Biên bản ghi vào tháng 3/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. “Chúng tôi đã đồng tổ chức hơn 20 hội thảo, tọa đàm trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu trong nước, tại các thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang; Khu vực miền trung: Quy Nhơn; khu vực phía Nam: Long An, ĐôngTháp, Tây Ninh, Cà Mau và Kiên Giang”- ông Vũ Bá Phú nói.

Cũng theo ông Vũ Bá Phú, trong hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh trên toàn thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế. Hoạt động xúc tiến thương mại cũng gặp nhiều khó khăn khi không thể thực hiện theo cách truyền thống. Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử, trong đó hoạt động đào tạo phối hợp với Alibaba.com đã được các đối tác và doanh nghiệp vừa và nhỏ đón nhận và đánh giá cao.

Thêm cơ hội để sản phẩm Việt Nam tạo tiếng vang với thế giới

Là một trong những quốc gia sản xuất đại diện cho khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang có được uy tín mạnh mẽ đối với các khách hàng toàn cầu với năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung xuất khẩu. Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích phải kể đến thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn, làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp…

Cùng với các hiệp định thương mại tự do FTA được ký kết gần đây; và tăng trưởng thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 28 nghìn tỷ USD trong năm qua, cao hơn 11% so với mức trước COVID-19 (theo Liên hợp quốc, UNCTAD và IMF). Đây là những ưu điểm và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững thông qua các phương tiện số, từ đó, tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững, giảm bớt rào cản xuất khẩu vào các thị trường mới.

Chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và xuất khẩu Việt Nam thông qua sức mạnh kỹ thuật số và thương mại điện tử, ông Roger Lou - Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam nhận định, bất chấp những khó khăn và trở ngại lớn, một số ngành công nghiệp của Việt Nam đã đạt được những kỷ lục xuất khẩu đáng chú ý như sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đồ uống. Nhìn vào khía cạnh tích cực, ông bày tỏ tin tưởng, thương mại điện tử toàn cầu có thể làm được nhiều việc hơn nữa để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nâng tầm quy mô sản xuất, khai phá thị trường quốc tế.

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp trên Alibaba.com trong thời gian qua, bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc Điều hành DSW cho hay, phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khi đại dịch toàn cầu đã và đang ngăn cản các hoạt động kinh tế trên nhiều mặt, DSW đã tìm kiếm được cơ hội cho mình, tìm kiếm được thị trường tiềm năng dựa vào sáng kiến ‘kinh doanh xuyên biên giới’ của Alibaba. Đi lên từ con số không, DSW gặp nhiều khó khăn trong cách vận hành cũng như lựa chọn sản phẩm phù hợp, cách ‘thổi hồn’ cho từng sản phẩm, định hướng gian hàng theo một thị trường mục tiêu đã được xác định... trong những ngày đầu tham gia Alibaba.com. Nhưng nhờ sự quan tâm, chăm sóc, nắm bắt nhu cầu thị trường nên chỉ sau một năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch.

Trong thời gian tới, Alibaba.com tiếp tục dành riêng cho thị trường Việt Nam các dịch vụ riêng biệt để giúp các doanh nghiệp tăng tốc. Cụ thể, nền tảng này sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ Covid-19 với các hội thảo trực tuyến cho hơn 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có tư duy và công cụ đúng đắn để vượt qua thời kỳ khó khăn của giãn cách xã hội. Đồng thời, Alibaba.com cũng sẽ ra mắt các sản phẩm hội viên mới cho các doanhg nhiệp Việt Nam, giúp họ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến người mua hàng toàn cầu tốt hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO