Mô hình bán lẻ cửa hàng trong cửa hàng (shop in shop)
Theo ông David Jackson - CEO của Colliers Việt Nam, mô hình bán lẻ cửa hàng trong cửa hàng (shop in shop) là một thay đổi mới tại thị trường bán lẻ Việt Nam- thể hiện qua thương vụ Masan mua 20% cổ phần của Công ty Phúc Long Heritage, cùng hợp tác phát triển mô hình ki-ốt Phúc Long tại VinMart+ mới đây là một ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng mô hình này.
Với mô hình này, phía Phúc Long sẽ sẽ tiết kiệm được các chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng được chuỗi hệ thống theo các điểm bán có sẵn của Vinmart+. Từ đó, Phúc Long có thêm thế mạnh để chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh hữu hiệu hơn với các đối thủ chính yếu.
Nói về mô hình này, ông Lâm Bội Minh - Cổ đông sáng lập của Phúc Long Heritage tin rằng sự đồng hành cùng Masan sẽ giúp thương hiệu Phúc Long đạt được sự phát triển ở tầm cao mới, tiếp tục mang đến những sản phẩm và trải nghiệm thưởng thức trà và cà phê giá trị nhất cho người tiêu dùng Việt Nam.
Còn theo Colliers Việt Nam, mô hình này giúp các doanh nghiệp dùng các lợi thế của chính mình để bổ khuyết cho điểm bất lợi của đối tác và ngược lại. Trong trường hợp các cửa hàng Phúc Long không thể đón khách tại chỗ vì giãn cách xã hội, họ vẫn có thêm kênh tiêu thụ khác nhờ sự “chắp cánh” của hệ thống VinMart+. Trong khi đó, VinMart+ lại ghi thêm điểm cộng trong mắt các bạn trẻ, những người đóng vai trò quan trọng trong tệp khách hàng của Phúc Long. Do vậy, đây là mô hình mang lại lợi ích cho các bên tham gia.
Một mô hình bán lẻ nữa đang được các doanh nghiệp triển khai là cửa hàng đa thương hiệu (multi-brand store). Cụ thể việc PNJ phân phối các sản phẩm của thương hiệu trang sức quốc tế Pandora trong hệ thống cửa hàng của mình có thể được xem là một minh họa cho mô hình này.
Theo các chuyên gia, bước đi này sẽ giúp PNJ có thể có thêm khách hàng và từng bước gia tăng tính quốc tế cho thương hiệu, phục vụ cho mục tiêu trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu châu Á. Bởi lẽ sự kết hợp này sẽ giúp PNJ tối ưu hóa mặt bằng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm được nhiều chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Trong khi đó, sản phẩm của Pandora sẽ được “địa phương hóa” tốt hơn xét về mặt tiếp cận khách hàng Việt Nam, nhờ vào kinh nghiệm lâu năm của PNJ tại thị trường bản địa.
Ngoài ra, có một số các mô hình có thể được xem là “lai” giữa hai mô hình bên trên. Chẳng hạn như việc Thế Giới Di Động thử nghiệm bán xe đạp từ các thương hiệu RoyalBaby, Giant hay Fornix tại một số cửa hàng Điện Máy Xanh.
Mô hình bán lẻ thứ ba đang được thúc đẩy phải kể tới là bán hàng đa kênh (omni-channel).Mô hình này đang trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Để tương tác với khách hàng tiềm năng mọi lúc, mọi nơi có thể, trên mọi nền tảng, doanh nghiệp tích hợp đồng bộ các kênh “cửa hàng bán lẻ - trang web e-commerce - trung tâm chăm sóc khách hàng - mạng xã hội” vào một hệ thống quản trị chung. Khi truy cập trang web bán hàng, một khách hàng đã bỏ sản phẩm vào giỏ hàng nhưng chưa quyết định mua. Vài giờ sau, khi họ “lướt” Facebook, quảng cáo sản phẩm đó sẽ xuất hiện, “nhắc nhở” người này. Vậy là khả năng vị khách quay lại website bán hàng bấm nút “Mua ngay” sẽ cao hơn nhiều.
Hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ như Saigon Co.op, Lotte Mart, Big C… đều đang áp dụng mô hình này và ghi nhận kết quả khả quan. Đơn cử Saigon Co.op trong năm 2020 vừa qua đã nhanh chóng triển khai bán hàng cả online lẫn offline khi vừa bán tại siêu thị, bán qua điện thoại và thực hiện bán qua app mua sắm.
Các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, ngành bán lẻ có khả năng thích ứng nhanh với thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, số lượng sản phẩm đa dạng của các nhà sản xuất trong nước. Đặc biệt, bằng cách thay đổi nhanh những mô hình bán lẻ mới theo xu thế, các doanh nghiệp đã tiếp tục duy trì doanh thu, thậm chí là tăng trưởng trong bối cảnh doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế khác gặp vô vàn khó khăn.