Cần làm gì để kéo giảm các chi phí không hợp lý trong cơ cấu giá nhà?

Hoàng Anh|16/12/2023 08:39

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy, sau khi đã cơ bản giải quyết được các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, chữa bệnh, học hành, mối quan tâm lớn nhất của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, các gia đình trẻ và người nhập cư nhu cầu là tạo lập nhà ở có mức giá vừa túi tiền (affordable housing) phù hợp với khả năng thu nhập.

Xuất phát từ nhu cầu đó, HoREA vừa đưa ra giải pháp kéo giảm các chi phí không hợp lý trong cơ cấu giá nhà.

ha-hqc-vlr-16122023.png
Dự án Nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông của Tập đoàn Hoàng Quân. - Ảnh: hoangquan.com.vn

Giảm mức thu “tiền sử dụng đất”, “tiền bảo vệ đất lúa”: HoREA đề nghị thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên “hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong Bảng giá đất, góp phần quan trọng vào việc kéo giảm giá nhà ở thương mại.

Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, Hiệp hội nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế bất động sản. Như ở Hoa Kỳ, các tiểu bang tự quyết định mức thu thuế bất động sản hàng năm, như Bang California đánh thuế bất động sản khoảng 1,21%/năm trên giá trị nhà đất, như vậy trong khoảng 81 năm thì thu thuế hết giá trị bất động sản và tiếp tục thu hàng năm.

HoREA đề nghị Chính phủ xem xét giảm mức thu “tiền bảo vệ đất lúa” tối thiểu 50% Bảng giá đất, theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 35/2015/NĐ-CP, nhất là trong trường hợp Bảng giá đất phù hợp giá thị trường. Đồng thời, đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giảm mức thu “tiền bảo vệ đất lúa” bằng 80% Bảng giá đất hiện nay.

Xây dựng “quy trình chuẩn”, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính: HoREA đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng gồm 04 bước, đối với dự án nhà ở thương mại, để xác định thời hạn thực hiện từng thủ tục hành chính, khuyến khích các Sở, ngành, quận, huyện “ký nhanh hơn một chút”, giảm tối đa việc yêu cầu bổ sung hồ sơ quá nhiều lần, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện toàn bộ các thủ tục hành chính, như sau:

Bước 1 là lập thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (Ghi chú: Từ ngày 01/01/2021, gọi là thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư”).

Bước 2 là lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Bước 3 là thực hiện song song và nối tiếp liên tục các thủ tục hành chính sau đây: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư; Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp Giấy phép xây dựng và được khởi công xây dựng công trình, theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ; Xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (Ghi chú: Từ ngày 01/01/2021, bỏ thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật, mà lồng ghép trong thủ tục cấp Giấy phép xây dựng).

Bước 4 là lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện hiệu quả “quy trình chuẩn”, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính cũng là giải pháp rất quan trọng, góp phần quan trọng kéo giảm giá nhà ở thương mại.

Giảm dần “chi phí không tên”: Hiệp hội đề nghị Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác tinh giản bộ máy hành chính, đảm bảo cho công chức, viên chức nhà nước có thu nhập khá so với thu nhập trung bình của xã hội và đấu tranh hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực để giảm dần “chi phí không tên” trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, góp phần rất quan trọng vào việc kéo giảm giá nhà ở thương mại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần làm gì để kéo giảm các chi phí không hợp lý trong cơ cấu giá nhà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO