Chính sách tài khoá đi vào cuộc sống

TS. Nguyễn Văn Khanh|22/08/2023 16:07

Những chính sách tài khóa tung ra trong thời gian qua là một trong những trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điểm tựa cho nền kinh tế

Chính sách tài khóa đã đóng vai trò quan trọng trong phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, khi mở cửa nền kinh tế hơn một năm qua, chính sách tài khóa đã giúp cho các ngành nghề, lĩnh vực hồi phục và tăng trưởng. Từ đó, vai trò của chính sách tài khóa cũng được thể hiện rõ nét hơn.

856-cang-lach-huyen-luc-hoang-hon-tuananhcanon-gmail-compressed.jpeg

Trong đó, các gói hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ thông qua theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP từ đầu năm 2022 đã và đang tiếp tục được ban hành, góp phần quan trọng giúp phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội, đầu tư công... ngân sách nhà nước đã thông qua miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí và tiền thuê đất, giúp doanh nghiệp có ngay nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngay từ thời điểm cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã có những gói tài khóa khác nhau để ứng phó với diễn biến dự báo là khó khăn của năm 2023. Theo đó, Bộ Tài chính xác định sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã lên các phương án về thuế, phí, lệ phí, giảm tiền thuê đất, duy trì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tạo dư địa trong điều hành lạm phát.

Ngoài ra, trong năm 2022 và 2023 các gói hỗ trợ tài khóa theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (tổng gói chương trình là 347 nghìn tỷ đồng), đã thực hiện giãn, giảm thuế phí và lệ phí và có hiệu quả tức thì trong năm 2022.

Thời gian qua, Chính phủ đã kiên định thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 500 nghìn tỷ đồng là số tiền rất lớn, chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ gói kích thích này, đã góp phần quan trọng giúp kinh tế phục hồi, được coi là điểm tựa, là bệ đỡ để thực hiện nhiều chính sách vĩ mô quan trọng. Dư địa chính sách tài khóa hiện nay cũng chính là khoản để Chính phủ tiếp tục đề xuất, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nhiệp.

Chính sách tài khóa cơ bản đã phát huy hiệu quả, nhưng đi vào chi tiết chính sách liên quan đến thuế có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cụ thể là việc triển khai cần kịp thời hơn, đối tượng thụ hưởng được công khai minh bạch để doanh nghiệp, người dân biết được.

Số liệu Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí là hơn 132 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn và giảm là 24 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 108,4 nghìn tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2022, Việt Nam huy động được nguồn lực lớn nhất và thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí lớn nhất, là 200,3 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 89 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 110,7 nghìn tỷ đồng...Năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc miễn, giảm thuế, Bộ Tài chính đã trình và dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74,2 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng.

Tiếp sức cho doanh nghiệp vươn lên

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 284 nghìn tỷ đồng (Doanh nhiệp bất động sản chiếm khoảng 40%), năm 2024 khoảng 363 nghìn tỷ đồng (Doanh nhiệp bất động sản chiếm khoảng 30%). Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nhiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, tình trạng nhiều doanh nhiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang 6 tháng đầu năm 2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Với thực trạng trên, về giải pháp, Chính phủ cho biết tiếp tục điều hành chính sách tài khóa trọng tâm, hỗ trợ doanh nhiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hướng dòng vốn vào sản xuất, các ngành là động lực tăng trưởng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Theo đó, chính sách tài khóa sẽ giảm về thuế, phí, lệ phí, đồng thời thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, cần một số chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Quốc hội vừa đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với phần lớn hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống 8% 

6 tháng cuối năm 2023. Chính sách này khi đi vào thực thi sẽ tác động giúp nền kinh tế tăng trưởng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp giá hàng hóa trên thị trường giảm và người dân được lợi, doanh nghiệp sản xuất giảm được giá nguyên liệu đầu vào. Như vậy, chi phí nguyên vật liệu giảm thì giá thành bán ra giảm thêm.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp giảm áp lực lạm phát khi hỗ trợ chi phí về logistics, vận tải, làm cho mặt bằng giá cả ổn định, góp phần giữ vững sự ổn định lạm phát ở mức thấp.

3.jpeg

Thực tế cho thấy, các bất ổn của thị trường tài chính, thương mại, hàng hóa trên thế giới những năm gần đây đều có tính lan truyền cao và ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong khi đó, rất nhiều nguồn nội lực của Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả. Mặt khác, thành quả sau nhiều năm hội nhập, kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc, nhưng vẫn còn chậm so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, căng thẳng thương mại có nguy cơ lan rộng, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước các cú sốc của kinh tế thế giới có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo tiền đề cho nước ta phát triển ổn định, bền vững.

Tóm lại, các giải pháp chính sách tài khóa được áp dụng trong năm 2021 và đặc biệt trong các năm 2022-2023 theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khá toàn diện, kịp thời. Qua đó, chỉ số tăng trưởng GDP năm 2022 đã đạt 8,02%. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2023.

Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao, sản xuất đình trệ, rủi ro vĩ mô lớn. Vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là phải có giải pháp đương đầu với 2 nguy cơ lạm phát và suy thoái.

Trong điều kiện vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, tỉ lệ nợ công đang ở mức khả quan, Việt Nam có thể lựa chọn chính sách tài khóa làm vai trò trụ cột để thực hiện “mục tiêu kép”. Đó là vừa thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Bài liên quan
  • Cấp thiết ban hành chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển
    (VLR) Ngày 05/12/2021, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'” chính thức được khai mạc theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tài khoá đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO