Chính sách tài khóa và kinh nghiệm phục hồi kinh tế từ thế giới

Báo Công Thương|01/12/2021 09:34

(VLR) Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi chậm so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, có thể do chúng ta còn tồn tại cả vấn đề cấu trúc chứ không đơn thuần chỉ là "tai nạn" y tế. Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm Dẫn mạch phục hồi - Tăng trưởng kinh tế tổ chức sáng 30/11 theo hình thức trực tuyến.

Tăng trưởng GDP quý III âm 6,17%, thấp nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý

Tăng trưởng GDP quý III âm 6,17%, thấp nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý

Gói kích thích kinh tế chưa đến 1%

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, các quốc gia trên thế giới coi dịch bệnh COVID-19 là một “tai nạn” chứ không phải một cuộc khủng hoảng cấu trúc, nên kinh tế xuống rất nhanh nhưng phục hồi cũng rất nhanh theo hình chữ V, còn Việt Nam thì có vẻ như đang theo hình chữ U. Nguyên nhân có thể do nền kinh tế Việt Nam tồn tại cả vấn đề về cấu trúc, chứ không đơn giản chỉ là "tai nạn" y tế do COVID-19.

Bên cạnh vấn đề cấu trúc, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam thời gian qua cũng rất "chần chừ" trong việc đưa ra các gói kích thích kinh tế để phục hồi nhanh. Hay nói cách khác, chúng ta mới chỉ đưa ra những gói kích thích gián tiếp và “loay hoay” ở việc giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, tổng các gói kích thích kinh tế của Việt Nam theo tính toán chưa tới 1% GDP. Trong khi đó các quốc gia khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, hay các quốc gia châu Âu có các gói kích thích cao hơn rất nhiều. Cụ thể, Thái Lan và Trung Quốc gói kích thích kinh tế cũng khoảng 10% GDP.

“Qua đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vừa bị “bệnh nền” khó hồi phục, lại không có lực bổ sung do các gói kích thích, điều đó ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế trong nước. Chưa kể, chính sách tài khóa năm 2021 không có một mục nào là để phòng, chống COVID-19. Kể cả chính sách tài khóa tới đây vừa được thông qua, cũng không có mục tài chính nào dành cho COVID-19 mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Đó không phải cách giải quyết tình trạng khẩn cấp về thảm họa như các nước” – ông Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trương Minh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triền châu Á - đánh giá, các chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực, qua đó cho thấy, chúng ta hoàn toàn có dư địa để tăng lên. Nhưng quan trọng là hiệu quả của gói kích thích, nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả thì mặt số lượng cũng không có nhiều ý nghĩa.

Kinh nghiệm từ các nước

Chia sẻ về cách sử dụng gói kích thích kinh tế của các nước, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một số quốc gia họ chia làm nhiều cách để tài trợ. Trong đó, cách làm được nhiều quốc gia áp dụng là: bổ sung tài khóa, tập trung vào an sinh xã hội để giữ chân người lao động, vì giữ chân được người lao động là mục tiêu ngắn hạn nhưng lại quan trọng nhất. Theo đó, nhiều quốc gia thực hiện tuyên bố, người lao động “ai ở đâu ngồi đấy” và được hưởng từ 75%-100% lương. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng làm vậy và họ phục hồi rất nhanh sau khi dịch được kiểm soát.

Một cách làm khác cũng được các quốc gia châu Âu và Nhật Bản thực hiện là cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trụ cột trực tiếp vay từ ngân sách, vì những doanh nghiệp này nếu không hỗ trợ thì nền kinh tế sẽ mất trụ cột và không có đà để phục hồi. Cùng với đó, Chính phủ cũng trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay mà không qua một quỹ nào hết, điều này sẽ giúp doanh nghiệp đang kiệt quệ về tài chính có vốn để hoạt động.

Theo khảo sát 5 tập đoàn lớn của Việt Nam thì dòng tiền bán hàng đều âm, chưa nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nên nếu chỉ thực hiện hỗ trợ bằng giãn, hoãn thuế thì không có ý nghĩa, vì “doanh nghiệp có lợi nhuận đâu mà nộp” ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV – cho rằng: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quan ngại lớn nhất khi các gói kích thích kinh tế được thực hiện là tình trạng “zombie”, hàm ý để nói về những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại ngay cả khi được trợ cấp, nên họ chỉ kéo dài tình trạng “xác sống” trước khi rút lui khỏi thị trường.

Đã đến lúc bàn chính xác các biện pháp hỗ trợ nên áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp nào, có đúng với nhu cầu của doanh nghiệp đó không?. Vì có những doanh nghiệp chỉ cần vài trăm triệu nhưng lại có những doanh nghiệp cần một khoản vay lớn hơn.

Do đó, “không thể có khoản trợ cấp cho vay cào bằng, vì nhu cầu khác nhau thì cho vay đáp ứng khác nhau” – ông Phan Đức Hiếu thông tin.

Tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam âm 6,17%, thấp nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng, dự báo của các tổ chức kinh tế đưa ra trước đó.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tài khóa và kinh nghiệm phục hồi kinh tế từ thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO