Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”.
Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt đến nay công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 3/2022, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Công cuộc chuyển đổi số đã, đang lan tỏa tới tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban (có 6 địa phương do Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo là Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Lào Cai, Bình Định).
Cũng theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai chính phủ số. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp;…
Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Giao thông vận tải và chuyển đổi số
Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc công nghệ số đã và đang là nền tảng cho sự phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng sống của con người. Từ các ngành sản xuất hàng hoá, cho đến dịch vụ thông tin, văn hoá, giải trí, giao thông, y tế đều dần dần được số hoá. Bằng chứng thực tế đã chỉ ra rằng số hóa ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của GDP các quốc gia, tạo việc làm, đổi mới, minh bạch và phân phối hiệu quả dịch vụ công.
Ngoài lĩnh vực vận tải (đường bộ, hàng không), các doanh nghiệp logistics, Công ty cổ phần tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (PORTCOAST) đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong số hóa hạ tầng cảng biển và đang nghiên cứu ứng dụng trong hạ tầng đô thị.
Ông Trần Tấn Phúc - Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, với việc đâu tư nhiều công nghệ hiện đại cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, giỏi và sáng tạo, PORTCOAST đã thực hiện khảo sát và thiết kế cho rất nhiều công trình khác nhau như công trình cảng, công trình biển, luồng tàu, kè bảo vệ bờ, bãi container, xử lý nền đất yếu trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam và các công trình ở nước ngoài như tại Cambodia, Myanmar, UAE và Pakistan… Các công trình do PORTCOAST thực hiện khảo sát, thiết kế điển hình như: quy hoạch hệ thống cảng TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son; cảng xuất sản phẩm - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo; cảng trung chuyển than ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện…
Bên cạnh đó, PORTCOAST còn khảo sát và tư vấn thiết kế công trình cảng, đường thủy, công trình biển… cho các chủ đầu tư nước ngoài như: Tập đoàn Chinfon, Vedan, Formosa (Đài Loan - Trung Quốc), Hutchison Port Holding Limited HPH, Lee & Man (Hong Kong - Trung Quốc), P&O Ports (Vương Quốc Anh), Dubai World (UAE), SSA (Mỹ), Maersk (Đan Mạch), PSA, Siam Cement (Thailand), Kyoei Steel, Mitsubishi Heavy Industries (Nhật), Holcim (Thụy Sĩ ), Lafarge (Pháp), POSCO (Hàn Quốc)… Ngoài công tác khảo sát, thiết kế, PORTCOAST còn thực hiện dịch vụ tư vấn giám sát công trình và quản lý dự án cho nhiều dự án trong và ngoài nước. Với các thiết bị khảo sát địa kỹ thuật và phòng thí nghiệm hiện đại được tự động hóa và độ chính xác cao, PORTCOAST có thể đáp ứng được các yêu cầu phức tạp của công tác khảo sát và thí nghiệm…
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.