Tết công nhân cũng chia làm năm, bảy kiểu. Với những gã trai chưa gia đình như tôi thì xuề xòa đơn giản lắm. Nhất là những cái tết không được về quê mà phải ở lại trực thì thường tụ tập nhau làm nồi lẩu là xong cái tất niên. Ở trọ quen cảnh sống tạm bợ nên ngay cả bàn thờ cũng không có, thành ra tết nhất chẳng mua sắm gì nhiều. Ngày thường thế nào thì tết cũng vậy thôi. Trong nhà không có hoa, chỉ có chiếc bánh chưng mua ngoài chợ treo lủng lẳng chưa được hai hôm đã lại gạo cứng khô. Ít bánh kẹo rẻ tiền là quà công ty biếu, chẳng bõ gửi về nhà nên để nhấm nháp dần.
Ai có gia đình thì còn chăm dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Nghèo mấy đi nữa cũng cố gắng mua sắm quần áo mới cho con. Bánh
kẹo, thịt thà trong nhà không thiếu. Chơi sang thì mua cây
đào đẹp mà tuềnh toàng cũng chậu quất vài trăm. Đèn nháy sáng trưng, băng đĩa bật cả ngày. Cũng có nhà
cửa im ỉm khóa, cả gia đình về quê còn chú chó gửi nhờ nhà
hàng xóm. Tết công nhân chỗ ồn ã, chỗ lặng thinh. Thương nhất là nỗi nhớ nhung quê nhà còn chưa biết gói ghém vào đâu gửi về cho kịp tết...
Tôi thích những ngày xuân nắng vàng rét ngọt. Sau giờ làm nghĩ về phòng trọ cũng chẳng biết làm gì nên lang thang mấy chợ hoa trong thành phố. Đi để hưởng ké niềm vui của thiên hạ trong hình ảnh người đàn ông dắt mẹ già đi mua hoa. Anh ta che chắn cho mẹ giữa đám đông chen chúc. Kiên nhẫn chờ mẹ đến từng hàng hoa đứng chọn từng chậu một. Và họ mang về nhà một chậu mai tứ quý, trên môi người mẹ nở nụ cười hạnh phúc.
Tôi đã nghĩ thực ra tết chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Ở một góc chợ khác có thằng nhỏ co mình trong chiếc áo len cổ lọ. Nó ngồi nhấm nháp chiếc bánh rán bọc đường và nhoẻn cười với bất cứ ai dừng lại xem hoa. Bên cạnh thằng bé là người mẹ xanh xao yếu ớt cố chống chọi với cơn ho rụt cổ. Những chậu cúc vàng, hoa trạng nguyên đỏ khoe sắc vẫy gọi người ghé đến. Tôi ban đầu không định mua gì nhưng cuối cùng cũng chọn cho mình một chậu hoa trạng nguyên cằn cỗi. Có thể vì hoa, cũng có thể chỉ để nhận lại một nụ cười của thằng bé chắc cũng bằng tuổi cháu mình. Bỗng nhiên nhớ đã ba năm rồi mình không được về nhà ngày tết.
Những đêm giao thừa phải trực anh em thay nhau gọi điện cho người thân. Nghe tiếng mẹ run run trong cái rét đẫm sương tưởng như có thể ngửi thấy mùi hương nhang sắp tàn. Mùi của những ngọn mía non bố chặt vào dựng hai bên ban thờ cho có lộc. Tiếng đứa cháu ngọng nghịu đòi tiền lì xì. Tiếng của chị em dâu giục nhau dọn mâm, cắt bánh. Với tôi dù ngày hôm sau có được về nhà thì tết cũng tàn rồi.
Tết chỉ thực sự vui từ ngày 23 tháng chạp đến hết đêm giao thừa. Để cùng nhau gói bánh, muối dưa hành, mổ lợn ăn đụng, gặp gỡ tất niên. Những ngày sau tết nhạt đi nhiều, những lời chúc đôi khi không đủ ấm. Gọi xong cuộc điện thoại về nhà cho bố mẹ, vợ con, người yêu cũ... thì mấy anh em công nhân cũng bật bia vội vã nâng ly. Cỗ giao thừa của công ty là ít hạt hướng dương, bí đỏ, cái bánh chưng nóng hổi và thịt thà đã được chia thành suất. Ở góc phòng là chậu đào đã bung hoa rực rỡ như những đốm lửa hồng làm ấm cả căn phòng của những gã công nhân...