Củng cố niềm tin nhà đầu tư giữa khủng hoảng

Báo Hải quan|28/02/2020 08:25

(VLR) Diễn biến của dịch COVID-19 vẫn đang hết sức phức tạp và tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư cũng đang chịu nhiều tác động, vì thế, việc tăng cường củng cố niềm tin cho nhà đầu tư càng phải được chú trọng và phát huy.

Niềm tin nhà đầu tư ảnh hưởng mạnh đến diễn biến thị trường - Ảnh: ST

Niềm tin nhà đầu tư ảnh hưởng mạnh đến diễn biến thị trường - Ảnh: ST

Tác động mạnh

Nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch COVID-19 sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt là nếu tình trạng bệnh dịch kéo dài. Đặc biệt, theo các chuyên gia, đầu tư quốc tế sẽ chịu tác động mạnh, bởi cộng với các rủi ro địa chính trị, dịch bệnh sẽ khiến cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, làm suy yếu động lực đầu tư. Đặc biệt, tại Việt Nam, báo cáo đánh giá tác động từ dịch COVID-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định, các nhà đầu tư mới có thể dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí, nhiều dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Minh chứng cho nhận định trên, số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính từ đầu năm tới ngày 20/2/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, cả nước có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD (dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019) thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm (97,3% và 85,8% so với cùng kỳ).

“Ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đang diễn biến phức tạp cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài”, Cục Đầu tư nước ngoài lý giải.

Với thị trường tài chính – tiền tệ trong nước, đã có nhiều diễn biến cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn từ tâm lý nhà đầu tư. Như tại thị trường chứng khoán, hiện chỉ số VN-Index đã lùi xuống sát 900 điểm. Tâm lý thị trường dễ tổn thương trong thời điểm hiện tại, nên việc chỉ số biến động theo hướng giảm là dễ hiểu. Đặc biệt, liên quan tới thị trường tiền tệ, những ngày qua, tâm lý nhà đầu tư cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá vàng và giá USD. Trong ngày giao dịch đầu tuần (24/2), giá vàng SJC đã “phi nước đại” lên tới gần 3 triệu đồng mỗi lượng, đẩy giá bán ra tại các thương hiệu vàng lên tới gần 50 triệu đồng/lượng. Nhưng sang đến ngày hôm sau, người mua vàng hôm trước đã lỗ tới gần 3 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng tăng giảm mạnh là do những giới đầu cơ tranh thủ thổi giá, đẩy sóng kiếm lời trên thị trường vàng. Đặc biệt, trong lúc này tâm lý của người mua vàng đang rất hoang mang, tạo thành thâm lý “đám đông”, giới đầu cơ lợi dụng điều đó để đẩy giá lên.

Nắm bắt tâm lý

Một trong những kiến nghị quan trọng luôn được các nhà nghiên cứu đề xuất để ổn định kinh tế vĩ mô là phải có các biện pháp để trấn an tâm lý, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư với môi trường kinh doanh. Bởi theo các chuyên gia, tâm lý các nhà đầu tư luôn chi phối rất lớn đến mức độ ổn định của thị trường, nhất là với thị trường tài chính thì tâm lý nhà đầu tư luôn tiềm ẩn yếu tố bất ổn rất cao, là nhân tố chủ chốt gây ra các cuộc khủng hoảng thị trường.

Thực tế là hiện Việt Nam vẫn đang làm khá tốt công tác tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhờ những biện pháp quyết liệt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất đã được điều hành theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn đang liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, đưa ra những ưu đãi với nhà đầu tư… Vì thế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như số lượng và giá trị các dự án FDI đã tăng đều qua các năm, tiến tới các con số cao kỷ lục… Do đó, những tác động từ khủng hoảng địa chính trị và dịch bệnh nêu trên chỉ mang tính thời điểm, về lâu về dài, công cuộc củng cố niềm tin nhà đầu tư vẫn phải luôn tiếp diễn bằng nhiều hình thức.

Nói về vấn đề này, theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh để trở thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư FDI lựa chọn. Tuy nhiên, để tăng giá trị dòng vốn, Việt Nam cần đổi mới chiến lược thu hút vốn, giải quyết kịp thời những đòi hỏi của nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch và chỉnh sửa, bổ sung các chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần hình thành các kênh liên lạc để nắm bắt tâm lý nhà đầu tư, công khai kịp thời, minh bạch hơn về thông tin kinh tế xã hội, đặc biệt là hệ thống thông tin tài chính tiền tệ. Các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác giám sát thị trường nhằm nhận diện các xu hướng tâm lý đám đông diễn biến phức tạp có nguy cơ gây ra các diễn biến xấu trên thị trường.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Củng cố niềm tin nhà đầu tư giữa khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO