Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics trong nền kinh tế hội nhập

Quang Anh|08/12/2019 01:08

(VLR) Sáng ngày 7/12, tại Trường Đại học Tài chính – Marketing TP. HCM đã diễn ra Hội thảo “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics trong nền kinh tế hội nhập”. Không thể phủ nhận Logistics là ngành có tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên để khơi dậy tiềm năng đó thì cần phải giải tốt bài toán thiếu nguồn nhân lực của ngành.

Theo Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 thì hiện nay, trên địa bàn cả nước có khoảng hơn 4.000 Doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp, 54% trong số đó là các doanh nghiệp đến từ TP. HCM. Đánh giá đến năm 2030, thị trường lao động logistics cần khoảng 200.000 lao động nhưng khả năng đáp ứng chỉ mới dừng lại ở mức 10%. Vậy để có thể giải được bài toán nan giải này thì giữa Cơ quan Quản lý nhà nước, Cơ sở đào tạo, Doanh nghiệp cần đồng tâm hiệp lực, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để sớm tìm ra được giải đáp.

Đánh giá về tiêu chí tuyển dụng và xu hướng tuyển dụng nhân lực logistics, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chia sẻ “Sinh viên mới ra trường khi được Doanh nghiệp tuyển dụng cần phải đáp ứng các nhu cầu như nắm chắc kiến thức, trình độ ngoại ngữ, một số kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử, thái độ tích cực đối với công việc, đặc biệt hơn là có kinh nghiệm thực tiễn”. Trong tương lai 5 năm tới, các vị trí được tuyển dụng nhiều: Nhân viên khai báo hải quan; Nhân viên hành chính logistics; Nhân viên giao nhận hàng hóa tổng hợp; Nhân viên vận hành kho và nhân viên quản lý kho; Nhân viên lái xe tải; Nhân viên kinh doanh thương mại điện tử; Nhân viên điều hành vận tải; Nhân viên công nghệ thông tin.

PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chia sẻ ý kiến đánh giá tại Hội thảo

PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) chia sẻ ý kiến đánh giá tại Hội thảo

Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH TP. HCM, để nguồn nhân lực logistics được cải thiện thì các Cơ quan Quản lý Nhà nước, các Cơ sở đào tạo cần có sự phân tích đánh giá cụ thể về thị trường lao động, cần đồng bộ về thể chế và cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông về ngành logistics đến học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh.

Về phía Nhà trường, TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing chia sẻ, hiện nay Nhà trường đã và đang triển khai đổi mới đào tạo theo định hướng chiến lược, bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm 2021, nhà trường sẽ chuyển hướng đào tạo từ hình thức nghiên cứu sang hình thức ứng dụng thực tế để phù hợp với tiến trình kinh tế hội nhập, tạo nhiều hơn điều kiện cho sinh viên tiếp xúc thực tế không chỉ thông qua các chương trình thực tập tại doanh nghiệp mà còn thông có các ứng dụng, chương trình học mô phỏng. Tăng cường tương tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tế giữa Doanh nghiệp và Nhà trường hơn nữa bằng cách đưa các giảng viên đến từ Doanh nghiệp giảng dạy các mô-đun, học phần thực hành, thực tiễn, để sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tế, Doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại sau khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường.

TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing

TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing

“Dưới góc độ là nhà tuyển dụng, sinh viên mới ra trường khi được nhận vào làm việc tại công ty chúng tôi đều phải mất rất nhiều thời gian đào tạo, hướng dẫn”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Quốc tế Delta chia sẻ tại hội thảo. Ví dụ như với vị trí khai báo hải quan, sinh viên hiện chưa có cơ hội tiếp xúc với khai báo một cửa quốc gia hay các phần mềm khai báo hải quan khác nên khi đi vào thực tế, Doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hướng dẫn, giám sát, vì chỉ cần một lỗi sai trong quá trình khai báo Doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu rất nhiều thiệt hại về mặt kinh tế. Chính vì vậy, Nhà trường cần thiết lập chương trình phù hợp với Doanh nghiệp, đối với từng bộ môn cần có sự thực tập, thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp để sinh viên khi ra thực tiễn không còn bị bỡ ngỡ, bà Hiền chia sẻ.

Theo ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý Xuất Nhập khẩu, Sở Công Thương TP. HCM đánh giá ngành dịch vụ logistics sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn nên sự đầu tư về chất lượng, số lượng nguồn nhân lực logistics là vô cùng cần thiết. Cũng theo ông Sơn, khi thực tế Sở Công thương khảo sát tại hơn 60 doanh nghiệp, có đến hơn 90% doanh nghiệp đều trả lời rằng khi tiếp nhận sinh viên vào làm việc, điều đầu tiên cần phải làm là trải qua một khóa đào tạo, hướng dẫn thực tế tại Doanh nghiệp. Như vậy, giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp đào tào để rút ngắn khoảng cách đào tạo, để sinh viên ra trường có thể nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, không cần phải trải qua các khóa đào tạo.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics trong nền kinh tế hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO