“Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022” với chủ đề “Logistics xanh” vừa diễn ra hôm nay (26/11) tại Hải Phòng. Tham dự có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Từ đây đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các ngành đối với vấn đề phát triển logistics hiện nay.
Sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp
Tham dự Diễn đàn còn có khoảng 500 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp dịch vụ logistics (trong và ngoài nước), cơ sở đào tạo - nghiên cứu, cơ quan truyền thông và các đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: “Logistics là ngành dịch vụ được ví như mạch máu của nền kinh tế quốc dân có vai trò quan trọng trong kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử phát triển nhanh và Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics”.
Nhiều năm qua Chính phủ đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách để khắc phục khó khăn, thúc đẩy logistics phát triển. Với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc của các Ban, Bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 2 con số, duy trì vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
“Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ngành logistics còn nhiều tồn tại như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao, mức độ ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số… đây là điểm nghẽn lớn kìm hãm sự phát triển của ngành logistics”, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 là sự kiện thường niên, được tổ chức lần thứ 10 từ năm 2013 trở lại đây với tiêu chí đẩy mạnh phát triển ngành logistics, tạo liên kết với các ngành sản xuất thương mại trong nước và xuất nhập khẩu. Qua 9 lần tổ chức Diễn đàn đã khẳng định được uy tín và nhận được sự đánh giá cao của các địa phương, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và biểu dương các nỗ lực cố gắng của Bộ Công Thương và các bộ liên quan để tổ chức tốt các hoạt động thường niên về logistics, tạo cơ hội để doanh nghiệp và ngành logistics vươn lên có đóng góp xứng đáng vào dịch vụ, sản xuất cũng như phát triển kinh tế của đất nước.
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển mới cần nhận thức rõ vai trò của ngành logistics với sự phát triển đất nước không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà bao hàm cả đối tượng doanh nghiệp khác.
Vì sao Diễn đàn chọn chủ đề Xanh?
Với doanh nghiệp, việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng được xem như một phần trong chiến lược đầu tư xanh, giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên, thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.
Theo nghị sự Diễn đàn, chiều 25/11/2022 đã diễn ra hoạt động khảo sát thực tế cảng, trung tâm logistics tại Hải Phòng; ngày 26/11/2022 tại Khách sạn Sheraton Hải Phòng (tên cũ là Khách sạn Vinpearl Imperia Hải Phòng), đã diễn ra Phiên toàn thể với chủ đề “Logistics xanh” và Hội thảo Chuyên đề 1: “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn”; Hội thảo Chuyên đề 2: “Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh”. “Đây là những chủ đề quan trọng, thiết thực với ngành logistics Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn này các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, địa phương… đã tập trung trao đổi về giải pháp tháo gỡ khăn vướng mắc, cách làm hay hiệu quả và kiến nghị các giải pháp để phát triển ngành logistics, đặc biệt là giải pháp phát triển logistics xanh để tận dụng các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển, hỗ trợ mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Logistics là một ngành dịch vụ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics song hành với tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang cách sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu có khả năng tái chế là một nhiệm vụ lớn với ngành dịch vụ logistics.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP-26 (tháng 11 năm 2021), Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu rất quan trọng, đòi hỏi tính trách nhiệm và sự tham gia mạnh mẽ của các ngành, trong đó có ngành logistics.
"Xanh hóa" chuỗi cung ứng
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra tồn tại của ngành logistics như chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chưa đạt mức kỳ vọng, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển; Phát triển vận tải đa phương thức nhằm hạn chế tác động của hệ thống vận tải tới môi trường còn chậm; việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và chưa hiện đại... Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục gia tăng trong ngành vận tải và một số hoạt động dịch vụ logistics khác đã và đang tác động làm hạn chế tới phát triển logistics xanh tại Việt Nam.
Bối cảnh và thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Điều này đặt ra thách thức với ngành logistics Việt Nam trong việc xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng đi đôi với cải thiện môi trường và phát triển bền vững...
“Vươn lên làm chủ một số chuỗi giá trị để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả... vừa là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra nhưng cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để lĩnh vực logistics của Việt Nam có bước chuyển mình, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Các đại biểu dự Diễn đàn đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Tại Diễn đàn Logistics năm 2022, TS. Lê Văn Hỷ, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR) đã thay mặt tập thể Ban Biên tập Tạp chí VLR nhận Bằng khen của Bộ Công thương về những đóng góp vào sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.