(Vietnam Logistics Review) Đối với các DN vừa và nhỏ, việc tận dụng điện toán đám mây (Cloud Computing - CC) là rất cần thiết nhằm tối thiểu hóa chi phí cũng như giúp hệ thống hoạt động một cách hiệu quả. Tuy vậy, những hạn chế về cơ sở hạ tầng và trình độ công nghệ đang là rào cản các DN triển khai ứng dụng CC tại VN.
CÔNG NGHỆ ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY
Điện toán đám mây là một công nghệ dựa trên Internet để cung cấp công nghệ thông tin (IT) như một dịch vụ. Việc cung cấp các giải pháp IT thông qua điện toán đám mây cũng tương tự như việc cung cấp điện thông qua lưới điện. Nếu như điện năng được sản xuất tại nhà máy phát điện và truyền tải đến người sử dụng thông qua lưới điện thì đối với CC, năng lực điện toán, không gian lưu trữ, các giải pháp phần cứng và phần mềm được nhà cung cấp dịch vụ CC phân phối thông qua Internet. Các thiết bị máy tính trong các đám mây sử dụng sức mạnh điện toán tập hợp như thể chúng đang chạy trên một hệ thống duy nhất (IBM, 2012).
Theo Hugos và Hulitzky (2011), cụm từ “đám mây” (cloud) trong CC là một từ ẩn dụ cho các nguồn tài nguyên máy tính (bao gồm cả phần cứng và phần mềm) mà người dùng không cần quan tâm đến vị trí của chúng. “Đám mây” cũng là biểu tượng đồ họa đại diện cho Internet trong sơ đồ mạng máy tính để mô tả cơ sở hạ tầng công nghệ thay đổi mà “đám mây” che giấu. Mặc dù mới chỉ được đề cập thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, CC là một thuật ngữ máy tính đã xuất hiện và phổ biến trong suốt nhiều thập kỉ qua.
Những loại hình chủ yếu của điện toán đám mây
Theo Hugos và Hulitzky (2011), điện toán đám mây gồm 3 dạng chính:
- Phần mềm là dịch vụ (Software-as-a-service - SaaS): nhà cung ứng phần mềm lưu trữ và cung cấp ứng dụng của mình; khách hàng không cần cài đặt các ứng dụng này trong hệ thống thông tin của mình để sử dụng.
- Nền tảng là dịch vụ (Platform-as-a-service - PaaS): nhà cung cấp dịch vụ tạo ra một môi trường để khách hàng có thể sáng tạo và phát triển các ứng dụng trên đó, nhờ vậy không cần phải tìm kiếm cơ sở hạ tầng do công ty sở hữu để phát triển.
- Cơ sở hạ tầng là dịch vụ (Infrastructure-as-a-service - IaaS): cho phép các DN thuê một trung tâm dữ liệu mà không cần bận tâm đến việc xây dựng và duy trì trung tâm dữ liệu thực sự trong công ty của họ.
GIẢI PHÁP CHO DN VỪA VÀ NHỎ
Giá trị chiến lược của điện toán đám mây
Theo IBM (2012), CC có những lợi ích như sau:
• Giảm chi phí: CC có thể giúp làm giảm cả chi phí vốn (Capital Expenditure) lẫn chi phí hoạt động (Operation Expenditure) vì DN chỉ phải chi trả cho các tài nguyên khi sử dụng. Nếu DN tự xây dựng hệ thống quy mô lớn thì tốn rất nhiều chi phí đầu tư (mua phần cứng, quản lý nguồn điện, hệ thống làm mát, nguồn nhân lực vận hành hệ thống…). Hơn nữa những dự án tốn kém như vậy cần rất nhiều thời gian để được phê chuẩn, chưa kể đến thời gian dài xây dựng hệ thống. Trong khi đó, với CC, mọi thứ đã được nhà cung cấp dịch vụ chuẩn bị sẵn sàng, DN chỉ cần thuê là có thể sử dụng được ngay mà không cần phải tốn chi phí đầu tư ban đầu. Ngoài ra, DN chỉ phải trả cho những gì họ thật sự dùng, còn những tài nguyên đã thuê nhưng chưa dùng đến thì khách hàng không phải trả.
• Đội ngũ nhân viên được tinh giản: Với việc sử dụng CC, DN không phải đầu tư trang bị những hệ thống IT phức tạp, do đó đội ngũ chuyên viên IT cũng có thể được giảm bớt. Thay vì tập trung duy trì phần cứng và phần mềm, DN có thể đầu tư vào nguồn nhân lực để thực hiện những công việc khác nhằm tạo ra giá trị lớn hơn.
• Khả năng mở rộng mạnh mẽ: CC cho phép khả năng điều chỉnh quy mô ngay lập tức hoặc tăng lên hoặc giảm xuống, bất cứ lúc nào mà không cần giao kết dài hạn. Điều này khó có thể đạt được nếu DN tự đầu tư trang bị và duy trì vận hành hệ thống riêng của mình.
Ngoài ra, CC còn có một số giá trị khác:
• Sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn: Công nghệ ảo hóa giúp nhà cung cấp có thể lựa chọn cung cấp một tài nguyên cho một khách hàng hay một tài nguyên điện toán cho nhiều khách hàng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
• Tính linh hoạt: Nhờ khả năng mở rộng mạnh mẽ đã đề cập ở trên, quy mô hệ thống của khách hàng có thể thay đổi linh hoạt tùy theo nhu cầu cụ thể. DN có thể khởi đầu với quy mô nhỏ, nhu cầu thấp nhưng sau đó phát triển mở rộng quy mô với nhu cầu tăng cao. Một ưu điểm khác là người dùng có thể truy xuất và sử dụng các dịch vụ CC ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào thông qua mạng Internet. Mặt khác, khách hàng có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ nào đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của mình với giá cả và chất lượng hợp lý nhất.
Lựa chọn cho DN vừa và nhỏ
Theo Bajenaru (2010), các giải pháp CNTT truyền thống mà các DN sử dụng là các gói phần mềm “on-premises” - có nghĩa là các phần mềm ERP (Phần mềm quản lý nguồn lực DN), SCM (Phần mềm quản lý chuỗi cung ứng), CRM (Phần mềm quản trị quan hệ khách hàng) cần phải cài đặt trên máy tính của DN để có thể sử dụng. Ngoài ra, giải pháp bằng các phần mềm này cũng rất rườm rà và tốn thời gian, thiếu tính linh hoạt, chi phí phần mềm đắt đỏ, chiếm một khoản lớn trong chi phí đầu tư của DN. Đặc biệt, nếu so sánh tương quan giữa DN lớn và DN vừa và nhỏ thì dễ nhận thấy phần thua thiệt thuộc về các DN vừa và nhỏ. Trong khi đó CC, đặc biệt là SaaS, giúp cho các công ty giảm thiểu các vấn đề về bản quyền, tiết kiệm chi phí trang bị và duy trì phần cứng, phần mềm, giúp các DN có thể truy cập hầu như bất kỳ nơi đâu bằng một thiết bị cố định hoặc di động.
Mặc dù, CC không phải là một xu hướng nữa mà nó đã thực sự đang diễn ra. Do vậy các DN vừa và nhỏ cần chủ động tìm hiểu và từng bước triển khai ứng dụng điện toán đám mây cho DN mình để không bị tụt lại trong thời buổi công nghệ hỗ trợ kinh doanh phát triển mạnh mẽ như hiện nay.