Do ảnh hưởng của đại dịch Covid, thị trường lao động cũng gặp nhiều biến cố. Tình trạng thiếu lao động xảy ra hầu hết ở các ngành nghề, cùng với đó là tâm lý người lao động muốn tìm công việc với thời gian linh hoạt, ít thời gian làm việc tập trung. Điều này trở thành thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp khi nền kinh tế thế giới đang mở cửa trở lại và hầu hết các công ty đang tìm kiếm một lượng nhân viên, người lao động làm việc tập trung và toàn thời gian tại văn phòng.
Một lý do nữa là nữa là người lao động sau khi mắc Covid-19 bị ảnh hưởng bởi nhiều di chứng như trí nhớ suy giảm, không còn năng động. Tâm lý nhiều người muốn về lại quê để sinh sống gần gũi gia đình, không khí thoáng đãng, ổn định.
Khó khăn từ phía người lao động
Người lao động hoạt động trong ngành Logistics dường như chịu ảnh hưởng đa chiều, trong chuỗi những khó khăn, bế tắc mà đại dịch Covid-19 gây ra. Người lao động mất việc chiếm đại đa số; người lao động có việc làm thì chịu quá nhiều rủi ro về bệnh tật cũng như những hạn chế của việc đóng cửa, quản lý chặt chẽ để hạn chế lây lan dịch bệnh. Họ thường xuyên phải kiểm tra y tế, rất nhiều những thủ tục giấy tờ như phiếu xét nghiệm, giấy thông quan,... khiến việc vận chuyển chậm chạp, và chi phí tăng cao.
Sau đại dịch, khách hàng dường như quen thuộc với việc đặt hàng online và giao hàng tại nhà. Nếu như trước đại dịch, Logistics còn là từ ngữ xa lạ thì đến bây giờ, khách hàng không chỉ riêng Việt Nam và trên toàn thế giới đều quan tâm, thậm chí nắm rõ.
Đây là một lợi thế nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với việc vận chuyển. Đặc biệt là nguồn nhân lực, vì họ vừa cần có sức khoẻ tốt, lại cần nhanh chóng ứng dụng được những khoa học kỹ thuật vào chuỗi hậu cần, từ việc định vị địa chỉ, đến việc nhận đơn hàng trên các app vận chuyển, và ở một số nước châu Âu, việc giao hàng chặng cuối đã sử dụng máy bay không người lái, hoặc xe tải tự động,... thay cho người vận chuyển.
Theo Hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid -19”, những số liệu được báo cáo để thấy những thách thức phục hồi kinh tế trong đó có nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quý III/2021, chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 với 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động); tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%.
Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân/tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng/tháng (năm 2019) xuống 5,3 triệu đồng/tháng (năm 2021), giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng/tháng.
(Nguồn báo Nhân dân)
Doanh nghiệp tìm kiếm người lao động
Trước tình hình thiếu nguồn lao động nghiêm trọng như vậy, các tỉnh và thành phố khu vực phía Nam đã tham gia các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm nguồn nhân lực mới. Đây được coi là phương thức hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nhanh chóng có được nguồn lao động lại tiết kiệm thời gian và chi phí tuyển dụng.
Người lao động cũng có điều kiện để tiếp cận các phương thức tuyển dụng trực tuyến, tìm hiểu thông tin về cơ hội nghề nghiệp việc làm trong và ngoài nước. Nhiều nhà tuyển dụng cũng có thể phỏng vấn trực tiếp qua internet để tìm những ứng viên thích hợp.
Về nguồn nhân lực trẻ ngành Logistics, những năm gần đây tại các trường cao đẳng, đại học lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào những nhóm ngành Logistics- Du lịch luôn nhận được sự quan tâm, đăng ký của nhiều thí sinh và điểm chuẩn luôn ở mức cao trong mặt bằng chung.
Tuy vậy các doanh nghiệp Logistics tại Việt Nam luôn có nhu cầu cao về đội ngũ nhân sự chất lượng, năng lực đáp ứng cả cấp độ tác nghiệp và cả cấp độ hoạch định, quản lý. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với trí tuệ nhân tạo, mạng lưới internet, cùng với công cụ hiện đại đang làm thay đổi toàn cầu. Nên nhân lực Logistics ngoài năng lực chuyên ngành còn cần trình độ ngoại ngữ, tin học và cả kỹ năng mềm để thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã công bố, hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp Logistics hoạt động chuyên nghiệp và mạng lưới Logistics kết nối quốc tế trong tổng số 29.000 doanh nghiệp đăng kí mã ngành kinh doanh liên quan đến lĩnh vực Logistics, nên vấn đề thiếu hụt nhân sự luôn được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng.