Mặc dù nền kinh tế nước ta đã có bước phục hồi, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là xung đột các nước trên thế giới có chiều hướng phức tạp. Trong nước đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ chuỗi cung ứng bị đứt gãy; giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao, tiềm ẩn rủi ro... tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp... Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp hỗ trợ tích cực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"NHỮNG CON SỐ TÍCH CỰC"
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Riêng Quý II, GDP cả nước ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011- 2021.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởngtrưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60% (đóng góp 46,60%).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thực hiện trong 6 tháng tăng 8,9%, cho thấy doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp.
Ông Trần Quốc Phương, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tăng trưởng GDP quý II và 2 quý đầu năm là "những con số tích cực", phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế trong bối cảnh phải đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh và các yếu tố bên ngoài. “Kết quả này cho thấy, Việt Nam đang thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng hòa các giải pháp đã đề ra cùng với công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp, ngành và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân”, ông Trần Quốc Phương nói.
Tại “Kết luận tham vấn Điều IV năm 2022” với Việt Nam của Ban Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa được công bố đã cho rằng, cũng như những nơi khác trên thế giới, sự tấn công của Covid-19 đã dẫn đến sự gián đoạn hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Mặc dù vậy, việc triển khai đợt tiêm chủng đầy ấn tượng đã tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển đổi từ chiến lược không khoan nhượng sang sống chung với Covid-19...
Ban Giám đốc điều hành IMF đã dành sự khen ngợi cho các nhà chức trách của Việt Nam khi đã áp dụng các chính sách để giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19, trong khi vẫn duy trì thành công sự ổn định tài khóa, đối ngoại, tài chính, cũng như triển khai tiêm chủng ấn tượng.
Cũng theo IMF, sự phục hồi đang diễn ra và các chỉ báo tần suất cao cho thấy động lực mạnh mẽ hơn vào năm 2022, với doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp tăng và sự phục hồi, gia nhập kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6% vào năm 2022 khi quá trình bình thường hóa hoạt động tiếp tục và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện. Con số tăng trưởng được dự báo sẽ tăng lên mức 7,2% trong năm 2023.
IMF cho rằng, trong khi lạm phát gần đây đã tăng lên do giá cả hàng hóa tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, vẫn nằm dưới mức trần lạm phát của ngân hàng trung ương, trong bối cảnh kinh tế trì trệ và giá cả lương thực và thực phẩm tương đối ổn định. Lạm phát năm 2022 của Việt Nam được dự báo vẫn trong mục tiêu dưới 4% của Chính phủ.
PHẢI LINH HOẠT TRONG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
Ngày 4/7/2022, phát biểu khai mạc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được, nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.
Đó là, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của Covid -19 và tình hình hiện nay, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm; Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới; Nhiều đối tác, quốc gia lớn thay đổi chính sách về kinh tế và chống dịch. An ninh lương thực, an ninh năng lượng đang là vấn đề lớn.
Trước tình hình trên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp các ngành các địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó cần tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng (mũi 3, 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; mũi 2 cho trẻ từ 5-12 tuổi).
Các cấp, các ngành cần bám sát, triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Tập trung quyết liệt hơn nữa thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp.
Qua đó, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; trong đó tập trung sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm thị trường phát triển nhanh, bền vững...
Đồng thời chú trọng thu hút và khơi thông nguồn vốn đầu tư toàn xã hội; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ....
Theo Thủ tướng, chúng ta có những thuận lợi do kế thừa thành quả của nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cần khắc phục nhiều vấn đề nội tại, hạn chế, bất cập, tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết các vấn đề phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát rất cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng... cần có những giải pháp phù hợp, thích ứng với bối cảnh mới, vừa tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt và những tồn tại, yếu kém, điểm nghẽn của nền kinh tế, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ tích cực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.