Doanh nghiệp Hà Lan muốn hợp tác logistics với Việt Nam

29/10/2021 08:40

(VLR) Nhiều doanh nghiệp Hà Lan mong muốn tìm cơ hội hợp tác logistics bởi Việt Nam đang ưu tiên phát triển lĩnh vực này, nhiều địa phương đẩy mạnh xây mới hoặc nâng cấp các cảng, sân bay, đào tạo nhân lực.

Hội thảo trực tuyến 'Logistics Việt Nam - Hà Lan xác định cơ hội và kết nối đối tác'

Hội thảo trực tuyến 'Logistics Việt Nam - Hà Lan xác định cơ hội và kết nối đối tác'

Nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong cả hai lĩnh vực dịch vụ và đào tạo về logistics (dịch vụ hậu cần), chiều 28/10, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức Hội thảo trực tuyến “Logistics Việt Nam - Hà Lan: Xác định cơ hội và kết nối đối tác”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007, nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể và từng bước trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Năm 2019, kim ngạch thương mại hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD và liên tục tăng cho đến nay. Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt 483 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt trên 32%, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD.

Đặc biệt, Việt Nam đã phê chuẩn và đưa vào thực thi 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết cao của các bên tham gia như EVFTA, CPTPP, RCEP hứa hẹn tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp và thương mại, nhờ thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu lớn hơn.

Nhờ vào sự bùng nổ GDP của đất nước, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử đang gia tăng, ngành logistics của Việt Nam ngày càng phát triển. Ngoài ra, sự thích nghi nhanh chóng thương mại điện tử của giới trẻ đã làm tăng nhu cầu mở rộng các dịch vụ logistics. "Trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, từ 14-16%" - ông Trần Thanh Hải dẫn chứng.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay khoảng 30.000 doanh nghiệp, bao gồm dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải... Đây là kết quả của nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, ngành logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chỉ ra, chi phí không chính thức chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí vận tải, các cơ sở hạ tầng giao thông không đồng bộ, kết nối giữa biển, đường sắt và đường bộ vẫn còn bị hạn chế.

Đồng thời, hiện nay, Việt Nam không đủ các trung tâm logistics nội địa lẫn quốc tế tại các khu vực kinh tế trọng điểm để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá cũng như vận tải đa phương thức chưa được phát triển tại Việt Nam,...

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Hà Lan bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, mong muốn tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics. Thực tế, Việt Nam đang ưu tiên phát triển logistics, nhiều địa phương đẩy mạnh xây mới hoặc nâng cấp các cảng, sân bay, đào tạo nhân lực... nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, trình độ kỹ thuật.

Trong khi đó, Hà Lan là nền kinh tế hàng đầu thế giới và đóng vai trò cửa ngõ trung chuyển của châu Âu. Trong lĩnh vực logistics, Hà Lan đi đầu với kinh nghiệm hàng trăm năm vận tải giao thương quốc tế, kết hợp với tinh thần sáng tạo, tiên phong áp dụng những công nghệ đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0.

Hệ thống giao thông phát triển cũng là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực logistics. Hà Lan hiện sở hữu cảng Rotterdam - cảng tổng hợp lớn nhất châu Âu.

Rotterdam cũng là điểm kết nối với các trung tâm công nghiệp lớn của toàn châu Âu như các khu công nghiệp luyện kim, hóa dầu, chế tạo thiết bị công nghệ cao... thông qua các hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy xuyên suốt toàn khu vực châu Âu.

Lượng hàng hóa đi vào châu Âu thông qua các cảng biển ở Hà Lan hiện đã lên tới 45%. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng kiểm soát tới 90% lượng giao thông đường thủy trên sông Rhine - tuyến đường vận chuyển hàng hóa đường thủy lớn nhất châu Âu.

Ông Trần Thanh Hải đánh giá, với tiềm năng của thị trường Việt Nam và kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan, hai bên có thể thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong ngành dịch vụ logistics.

Chung quan điểm đó, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề nghị, Việt Nam và Hà Lan có thể hợp tác trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trong khu vực EVFTA, tận dụng Hà Lan như là một cửa ngõ cho các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu và ngược lại, coi Việt Nam là cửa ngõ đối với hàng xuất khẩu của Hà Lan vào ASEAN.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp logistics của Hà Lan đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt tại các trung tâm logistics của Việt Nam. Mặt khác, ông Khoa cũng cho rằng, phát triển logistics trong nông nghiệp, logistics xanh đối với các cửa biển là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hà Lan rất mạnh. Vì vậy, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi.

Trên cơ sở tận dụng thế mạnh của mỗi bên, ông Lê Quang Trung đề xuất tăng cường hợp tác phát triển các dự án cảng biển; hợp tác kỹ thuật và đào tạo; phối hợp phát triển các dự án trung tâm logistics để lưu trữ và phân phối các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tại châu Âu. Đồng thời, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin cung cấp các giải pháp chuỗi trọn gói cho khách hàng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Hà Lan muốn hợp tác logistics với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO