Doanh nghiệp Logistics và thị trường Logistics Việt Nam

Bảo Hân (tổng hợp) |18/04/2023 07:10

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

ms10.png
Việt Nam hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics

Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (2022), trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 30,4%, số vốn đăng ký tăng 85% và số lao động tăng 24.6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tổng số doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,9% tổng số doanh nghiệp cả nước, với số vốn chiếm khoảng 5,6% và số lao động chiếm 3,7%.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 3.425 doanh nghiệp vận tải, kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 5,5% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời có 512 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 3,7% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu vượt mốc 100.000 doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2022 cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp đà phục hồi và niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường rất lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế thế giới vẫn có nhiều yếu tố bất định, rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng, gây áp lực lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, có thể tác động đến quyết định duy trì hoạt động hay tạm thời rút lui khỏi thị trường.

Việt Nam hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Hiệp hội VLA, thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như: DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker,...

Cho dù các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài vì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.

Phát triển thị trường dịch vụ logistics

Năm 2022, ngành Logistics Việt Nam có nhiều "sự kiện". Đáng chú ý, sau 4 năm thực hiện, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 ban hành tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021.

logistics-management-61d3f8ca9835c.jpg
Thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93% (Agility, 2022).

Phát triển thị trường cho dịch vụ logistics đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam. Phát triển thị trường cho dịch vụ logistics tập trung vào phân tích việc phát triển thị trường theo các tiêu chí như mặt địa lý, khách hàng và đối tác trong năm 2022.

Thực tế, thời gian qua các doanh nghiệp logistics Việt Nam dưới sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ GTVT, và VCCI,… đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến phát triển thị trường và khách hàng trong năm 2022 như:

- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã xúc tiến và khai trương thành công tuyến vận tải biển đi Ấn Độ. Sự tiến bộ không ngừng của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trong vận chuyển container nội địa là cơ sở, bước đi vững chắc để có thể tiến đến chạy nội châu Á và các tuyến xa hơn, góp phần giúp Việt Nam chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối quốc tế, giảm giá thành vận tải quốc tế và cũng là giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

- Nhằm quảng bá các dịch vụ logistics và phát triển các thị trường logistics quốc tế của Việt Nam, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tới các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng trong và ngoài nước ngay tại Việt Nam, lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022) diễn ra từ ngày 13-16/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đồng hành cùng VLA tổ chức Khu gian hàng “Dịch vụ Logistics Việt Nam”.

- Ngày 23/4/2022, UBND TP. Cần Thơ phối hợp cùng VLA tổ chức hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long”. Ngày 28/4/2022, Báo Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics”. 

- Diễn đàn Logistics Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 năm 2022 tổ chức ngày 30/09/2022 với chủ đề “Vị thế logistics của TP. Hồ Chí Minh từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực” có nhận định phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ ngành logistics phát triển mạnh mẽ, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối đối tác, phát triển thị trường đang là vấn đề được Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương quan tâm./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Logistics và thị trường Logistics Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO