Một số chính sách mới ban hành về phát triển Logistics của Việt Nam (Bài 3)

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |12/04/2023 14:07

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, logistics đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics chưa thực sự hoàn thiện, còn tồn tại những bất cập làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia Logistics, nước ta đã có hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ điều chỉnh dịch vụ logistics. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế về tính đồng bộ và rõ ràng của các văn bản dưới luật, việc giải thích và áp dụng các quy định của luật về hoạt động logistics có nhiều điểm chưa thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực thi.

01.jpg
Quản trị kho bãi đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành chuỗi dịch vụ logistics

Bởi vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, Chính phủ cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn rõ ràng, thống nhất. Hiện nay, việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu còn mất thời gian và chi phí. Cải cách thủ tục hành chính trong khâu này cần được quan tâm hơn. Đồng thời, các hoạt động logistics cho thương mại điện tử (TMĐT) như khâu mua hàng, giao hàng trực tuyến, các dịch vụ logistics đầu cuối cũng phát triển mạnh.

Hiện nay, nhiều vấn đề đang đặt ra như, để theo kịp tốc độ phát triển của TMĐT, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cần tập trung vào việc chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, phục vụ khách hàng kịp thời hơn. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TMĐT, quy định về logistics cho TMĐT cũng như tạo thuận lợi trong việc quản lý, chữ ký số, an toàn, an ninh hệ thống mạng giao dịch...

Thực tế, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đang hết sức nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh và tạo điều kiện cho  dịch vụ logistics phát triển, nâng cao tính cạnh tranh. Năm 2022, Chính phủ và Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về Logistics.

Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải với mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Chương trình đề ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với từng phương thức vận tải, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2022/NĐ-CP ngày 15/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Nghị định số 64/2022/NĐ-CP ngày 15/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số diều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng: Nghị định số 68/2015/NĐ-CP ngày 18/8/2015 quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay; Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016/NĐ-CP; Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Nghị định số 64/2022/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng như: thủ tục đăng ký văn bản IDERA (văn bản được ban hành theo quy định của Công ước Cape Town, trong đó chỉ rõ người có quyền yêu cầu xóa đăng ký hoặc xuất khẩu tàu bay); thủ tục cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không và Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đào tạo và quyền đối với tàu bay; thủ tục sửa đổi thông tin về đăng ký tàu bay và các quyền đối với tàu bay.

Ngày 23/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2022/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải. Nghị định số 69/2022/NĐ-CP gồm 6 Điều, sửa đổi bổ sung một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải gồm: Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017, Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017.

Ngày 25/5/2022, Bộ trưởng GTVT đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGTVT bãi bỏ một số quy định liên quan đến cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép của các Thông tư về vận tải đường bộ quốc tế do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành.

Ngày 09/5/2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ra Quyết định số 584/QĐ-BGTVT, chính thức bổ sung cảng cạn Tân Cảng Quế Võ đóng tại xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vào danh mục 10 cảng cạn Việt Nam.

Trong đó, Hải Phòng có 3 cảng cạn, gồm: Cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng, Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình và cảng cạn Hoàng Thành. 7 cảng cạn còn lại nằm ở 7 địa phương khác nhau gồm Hà Nội (Cảng cạn Long Biên), Phú Thọ (cảng cạn ICD Hải Linh), Quảng Ninh (cảng cạn Km3+4 Móng Cái), Hà Nam (cảng cạn Tân Cảng Hà Nam), Ninh Bình (cảng cạn Phúc Lộc - Ninh Bình); Đồng Nai (cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch); Bắc Ninh (cảng cạn Tân Cảng Quế Võ)./.

Bài 1: "Bức tranh" Logistics thế giới năm 2022, những tác động và xu hướng

Bài 2: Kinh nghiệm phát triển logistics thành công ở một số quốc gia

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Một số chính sách mới ban hành về phát triển Logistics của Việt Nam (Bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO