Giải mã sức hút của trung tâm thương mại quy mô lớn tại Việt Nam

Minh Ngọc|11/08/2024 19:23

Trung tâm thương mại quy mô lớn (mega mall hay đại siêu thị) đang ngày càng được phát triển phổ biến tại Việt Nam với nhiều dự án ghi nhận hoạt động thành công và hiệu quả. Thị phần được chia sẻ giữa nhiều ông lớn có kinh nghiệm cả trong và ngoài nước như Vincom, AEON, Central Retail,...

Việt Nam có triển vọng tiêu dùng cao trong khu vực. Trong bảy tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7%. Các thị trường tiêu thụ không chỉ tập trung tại Hà Nội và TP.HCM mà đã mở rộng ra các tỉnh thành vùng lân cận với mật độ dân số cao.

Sân chơi “mega mall ngày càng sôi động

Mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung đang là một phân khúc đầu tư rất là hiệu quả và có công suất hoạt động cao.

Theo Tổng cục Thông kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy đạt 3.625,7 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

ha-1-bds-10082024.png
Thống kê tỷ lệ các kênh mua sắm được ưa chuộng tại các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024. - Nguồn: PwC

Nghiên cứu mới công bố tháng 6 vừa qua của PwC về hành vi người tiêu dùng tại Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nổi bật với tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất khu vực 67% nhờ sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử bao gồm Shopee và Lazada, mặc dù mua sắm tại cửa hàng cũng vẫn mạnh (63%). Khảo sát này được thực hiện và thu thập kết quả phản hồi từ hơn 7.200 người tiêu dùng.

Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cấp cao dịch vụ Cho thuê Thương mại Savills Việt Nam cho biết tại cả 2 thị trường TP.HCM và Hà Nội, mỗi thành phố khoảng 1,5 triệu m2 diện tích bán lẻ cho thuê luôn duy trì công suất hoạt động trên 90% trong nhiều năm qua, chứng tỏ mô hình trung tâm thương mại quy mô lớn vẫn đang giữ sức hút.

Hiện nay, mảng đầu tư vào trung tâm thương mại (TTTM) quy mô lớn từ 100.000m2 sàn trở lên (mega-mall) đang thu hút sự quan tâm và nguồn lực của nhiều gương mặt cả trong và ngoài nước như Vincom, Aeon Mall, Central Retails... hay trong tương lai dự kiến có thêm Central Pattana, thành viên khác của Central Group.

“Đối với các chủ đầu tư trong nước thì thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết về người tiêu dùng cũng như quỹ đất hiện có của chủ đầu tư đó. Ngược lại, về phía chủ đầu tư nước ngoài họ cũng có những điểm mạnh và chiến lược riêng của họ như Aeon, Central Retail là đơn vị đầu tư bán lẻ lâu năm và có tiếng trong thị trường khu vực thì khi vào thị trường Việt Nam thì vẫn giữ thế mạnh đó”, bà An phân tích.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chỉ ra một số thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ. Nhóm nhà đầu tư ngoại là kinh nghiệm và danh tính của họ qua rất nhiều năm tồn tại trong khu vực. Trong bán lẻ thì uy tín và kinh nghiệm đóng vai trò lớn trong việc phát triển và vận hành. Ngược lại, đối với các nhà đầu tư Việt Nam, thế mạnh chủ yếu là quỹ đất đang có cũng như quỹ đất đó sẽ bảo đảm họ trong việc bao phủ trong lĩnh vực bán lẻ.

“Miếng bánh lớn” cần tầm nhìn bền vững

Bên cạnh những tiềm năm phát triển hấp dẫn này, có nhiều yếu tố quan trọng các nhà phát triển cần chú ý để các trung tâm thương mại vững chãi trong môi trường bán lẻ đang còn gặp nhiều biến động hiện nay.

ha-2-bds-10082024.png
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills TP.HCM

“Từ góc độ của một đơn vị tư vấn Cho thuê Bất động sản Bán lẻ, tôi nhận thấy trở ngại lớn nhất trong việc phát triển, vận hành các trung tâm thương mại quy mô lớn đó là chiến lược và tầm nhìn của hoạt động lâu dài. Điều này xuất phát không chỉ nằm từ kế hoạch phát triển ban đầu mà còn nằm ở chiến lược marketing, chiến lược cho thuê,... để có được đường đi dài hạn”, bà Từ Thị Hồng An nói.

Vị chuyên gia nhấn mạnh tính nhất quán trong chiến lược phát triển, chiến lược marketing, chiến lược cho thuê về lâu dài giữ vai trò quan trọng, chứng tỏ sự đầu tư tập trung của chủ đầu tư đó trong việc kinh doanh mặt bằng bán lẻ, thương mại bán lẻ.

“Có 1 thực tế cho thấy khi các nhà bán lẻ chuyên nghiệp, các nhà kinh doanh mặt bằng bán lẻ chuyên nghiệp có các chuỗi kinh doanh thương mại khác nhau sẽ tạo ra cách vận hành khá đặc thù và nhất quán. Điều này tạo sự tin tưởng của các nhà bán lẻ khi đưa vào kinh doanh tại các trung tâm thương mại đó. Lợi thế này thể hiện rõ khi khách thuê cân nhắc lựa chọn chuỗi trung tâm thương mại đó với những trung tâm thương mại chỉ có một dự án duy nhất, tạo được chuỗi khách hàng trung thành”, bà An phân tích.

Qua nghiên cứu với mô hình hoạt động của các TTTM, chuyên gia Savills cũng nhận thấy có sự dịch chuyển trong ngành hàng để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, đó là sự gia tăng tỉ trọng các ngành hàng về ăn uống, trong khi đó ngành hàng thời trang và bán lẻ có xu hướng giảm.

“Sự phát triển đa dạng của các kênh bán hàng khác đối với mảng thời trang, cũng có tỉ lệ tăng hơn về mảng giải trí, chăm sóc sức khỏe ở trong một số TTTM, điều này phản ảnh nhu cầu thực tế của người dùng đối với các dịch vụ được cung cấp ở các TTTM ở nhiều khu vực khác nhau”, bà An bình luận.

Bài liên quan
  • Chuỗi cung ứng liên kết từ mô hình Trung tâm thương mại thế giới
    Khi một khách hàng ở châu Âu quan tâm đến việc mua một chiếc ô tô của Mỹ, điều họ cần biết liệu nó có thể xuất khẩu được hay không. Khách hàng đó đã tìm đến Trung tâm thương mại thế giới Delaware để được giúp đỡ. Tổ chức có trụ sở tại Delaware có thể xác nhận chiếc ô tô đó là một mặt hàng hợp pháp và người bán là người đáng tin cậy. Và tổ chức này sau đó đã giúp người mua kết nối với một công ty chuyên xuất khẩu ô tô.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải mã sức hút của trung tâm thương mại quy mô lớn tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO