Giải pháp nào góp phần tăng nguồn cung nhà ở?

Tuấn Anh|24/06/2022 13:00

Theo quan sát thông tin thị trường bất động sản tại TP.HCM trong những năm trở lại đây, dự án chung cư mới được cấp phép rất hạn chế, kèm theo đó là sản phẩm căn hộ dưới 30 triệu VNĐ/m2 ngày càng hiếm. Vì vậy, để giải quyết bài toán nhà ở tại TP.HCM sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước áp lực gia tăng dân số và sức nén đô thị đã vượt ngưỡng.

trung-tam-tp.hcm-anh-vne.png
Khu vực trung tâm TP.HCM. - Ảnh: VnExpress

Những bất cập ảnh hưởng đến việc tiếp cận nhà ở của người có nhu cầu thực
Thời gian qua, đã có một số dấu hiệu biến động của thị trường bất động sản như tình trạng “mất cân bằng cung-cầu” (do nguồn cung quá ít), “lệch pha phân khúc thị trường” (lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch), “phân lô bán nền tràn lan”, “sốt ảo giá đất, giá nhà” (giá nhà đất tăng liên tục), “lợi dụng đấu giá đất để trục lợi”, “lợi dụng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lừa đảo”, “có hành vi thao túng thị trường chứng khoán”…
Tất cả các dấu hiệu biến động trên đây tiềm ẩn bất ổn trên thị trường bất động sản và bất ổn an sinh xã hội về nhà ở. Từ đó đặt ra yêu cầu “Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng”.
Những giải pháp góp phần tăng nguồn cung nhà ở

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn còn tồn đọng trên thị trường bất động sản, nhằm góp phần tạo ra nhiều nguồn cung nhà ở vừa túi tiền phù hợp với đại đa số người dân.

ong-le-hoang-chau-chu-tich-horea-anh-m.hiep-thanh-uy-tp.hcm.jpg
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. - Ảnh: Thanhuytphcm.vn


     Cần tháo gỡ “ách tắc” cho các dự án nhà ở thương mại “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở”.
HoREA đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 bổ sung trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở” theo đề xuất trước đây của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 để các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đã được Luật Đất đai 2013 cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông giữa Luật Nhà ở 2014 với Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2020, góp phần bổ sung thêm nguồn cung nhà ở rất lớn cho thị trường do thường là các dự án quy mô lớn.
    Cần tháo gỡ “vướng mắc” cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nhằm thu đúng, thu đủ, hoặc thu hồi triệt để giá trị tài sản nhà nước, nguồn thu ngân sách nhà nước bị thất thoát, sau đó cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án, hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng.

    Cần tháo gỡ “vướng mắc” về thực hiện quy định tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất giúp tăng cung dự án nhà ở.
Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường trình Chính phủ chỉ dạo các địa phương khẩn trương ban hành quy định tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án nhà ở để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất. Đối với phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án nhà ở nhưng không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì thực hiện giao, thuê đất cho chủ đầu tư để góp phần làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.
    Cần tháo gỡ “vướng mắc” về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mà doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xây dựng quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại “chuẩn” để các địa phương trong cả nước thống nhất thực hiện.
     Cần tháo gỡ “vướng mắc” về tính “tiền sử dụng đất” dự án nhà ở thương mại giúp làm tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai”, trong đó có quy định cơ chế thu thập thông tin trong việc xác định giá đất phù hợp với thực tiễn và hoàn thiện các phương pháp định giá đất, nhất là “phương pháp thặng dư” để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đảm bảo nguyên tắc “việc định giá đất phải bảo đảm phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” (quy định tại khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013) để giúp cho cán bộ công chức “yên tâm” khi thực thi công vụ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào góp phần tăng nguồn cung nhà ở?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO