Hồ Minh Thông "neo" vào nỗi nhớ

Nam Hà |25/07/2024 21:40

Thơ Hồ Minh Thông về tình yêu thánh thiện, trong veo, mơ khát nhưng cũng dữ dội, biến ảo. Chị viết trong vô thức, tuy nhiên, thể hiện rõ hành trình “tìm kiếm”, “giải mã”, hướng đến nữ quyền. Vì thế, thơ chị mang đến những điều mới mẻ.

124556655_772971006585183_632803431621820756_n.jpg
"Ngoài kia khung trời bỏ ngỏ", thơ Hồ Minh Thông

Thơ chỉ cất lên khi tâm hồn tràn đầy, kể cả ứ nghẹn. Thi sỹ hơn ai hết là người được sở hữu sự cô độc. Đọc thơ Hồ Minh Thông, dễ nhận ra chị giàu cảm xúc, cảm xúc ấy tinh tế và luôn muốn vươn lên tự do. “Thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”, (B. Shelly). Hồ Minh Thông là con chim sơn ca hót lên sự cô độc của chính mình.

Thơ ca luôn là nơi thi sỹ “giải bày” giấc mơ về khát vọng. Hồ Minh Thông cũng vậy, trong những “giấc mơ” ấy có giấc mơ về tình yêu. Hay nói cách khác, trong “bản đồ tâm hồn” của chị có “tôn giáo” về tình yêu, dẫu đó là thứ tôn giáo không... kỳ vọng. Từ xưa đến nay, các nhà thơ viết mãi về tình yêu, bởi những giai điệu của nó mãi mãi phải được khám phá; và bởi “không kỳ vọng”. Hồ Minh Thông là một vị “chân tu” của tôn giáo ấy. Chị viết khá nhiều về tình yêu.

***

Nỗi nhớ là một cung bậc của tình yêu, hay nói đúng hơn là một trạng thái. “Được giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu”, “Ông Hoàng thơ tình” Xuân Diệu từng xác tín như vậy. Yêu nhau là nhớ nhau. Nhớ do nhiều nguyên nhân, xa cách, giận hờn...Hồ Minh Thông có những giấc mơ về tình yêu: “Em đã mơ về anh / Rồi một mình khóc / Một giấc mơ cô đơn / Dù anh đã dắt tay em đi về phía biển”, (Giấc mơ). Tình yêu luôn kỳ lạ, dẫu “anh đã dắt tay em” nhưng vẫn cô đơn.

Hồ Minh Thông viết nhiều về tình yêu. Về trạng thái nhớ nhung, chị có hai bài thơ “Nỗi nhớ” khá đặc biệt. Tạm gọi là “Nỗi nhớ" I và “Nỗi nhớ" II cho dễ phân biệt ở bài viết này, và cũng rất mong nhà thơ chiếu cảm.

Nỗi nhớ cựa quậy trong tay em
Vì bàn tay anh từng ở đó
Ngoài kia khung trời bỏ ngỏ
Vì chiều nay chẳng có anh

Em đặt tay lên môi mình
Nơi nụ hôn còn ở lại
Giấc mơ vẫn còn đầy mãi
Sớm mai ánh sáng phục sinh

(Nỗi nhớ I)

Nỗi nhớ thật đẹp, thánh thiện, khát khao. “Anh” đã từng năm tay “em”, từng hôn em...Nhớ nhung chứ, nhất là những tình yêu đầu đời đầy cảm xúc mới lạ, sự rung cảm của hai trái tim thanh khiết. “Nỗi nhớ bóp nghẹt tim em / Yếu mềm khi anh bước tới / Xanh xao những chiều chờ đợi / Người về tan biến dịu êm”, (Nỗi nhớ I). Không chỉ “yếu mềm khi anh bước tới” nữa đâu; với những người yêu nhau họ muốn “tan loãng” vào nhau, “trộn” vào nhau (chữ của Xuân Diệu).

Ở “Nỗi nhớ" I, Hồ Minh Thông sử dụng thể loại thơ 5 chữ. Thể thơ này, cho phép thi sỹ thủ thỉ, tự sự cùng nỗi nhớ. Nỗi nhớ xâm chiếm tâm hồn thi sỹ, cứ thế chảy tràn lên trang thơ.

Em vắt kiệt mình bên nỗi nhớ về anh
Gió vẫn cứ quay quắt trên mái nhà
Trong từng đêm mất ngủ
Giá bây giờ anh có mặt
Em sẽ chạy trốn chính mình
vào ngõ cụt của đêm

(Nỗi nhớ II)

tho-ho-minh-thong.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ Hồ Minh Thông

Nỗi nhớ có thể mang đến phấn khích, nhưng phần lớn mang đến mệt mỏi. Mệt mỏi bởi khắc khoải, chờ mong. “Anh và đêm đồng lõa cùng nhau / Dồn em tới bờ vực không thấy đáy / Giá có thể một lần ngã gục / Nỗi nhớ rụng cùng một ngôi sao đổi ngôi”, (Nỗi nhớ II).

Trong hai bài thơ “Nỗi nhớ” của Hồ Minh Thông đều có biểu tượng nghệ thuật đêm. Hay nói cách khác thi ảnh đêm: “Nỗi nhớ lấp đầy bóng đêm”, (Nỗi nhớ I); “Đêm thăm thẳm sâu trong ngõ cụt trái tim”, (Nỗi nhớ II). Đêm là khoảng thời gian sau một ngày lao động, học tập, con người được nghỉ ngơi. Đêm của sáng tạo thơ ca chính là không gian để thi sỹ tự sự, vá víu tâm hồn. Vì thế, không có gì lạ, đêm trở nên “cứu rỗi” tâm hồn thi nhân.

Sinh thời Xuân Diệu băn khoăn: “Yêu rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”; nhà thơ trẻ Huyền Thư từng đặt câu hỏi: “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?”. Nếu như tình yêu là một bản nhạc, chắc chắn nỗi nhớ là một giai điệu.

Nhà thơ, TS. Đỗ Anh Vũ từng viết: “Nỗi nhớ, chính là giá trị tinh thần đầu tiên mà Tạo hóa đã ban cho các sinh linh”. Đối tượng của nỗi nhớ rất rộng, đa dạng; nhưng chắc chắn nỗi nhớ trong tình yêu là nỗi nhớ duy nhất thuộc về cảm xúc. Hai bài thơ “Nỗi nhớ” của Hồ Minh Thông là những gam màu huyễn hoặc làm cho nỗi nhớ của “sinh linh” thêm huyền bí. Không chỉ có màu sắc, nỗi nhớ của Hồ Minh Thông thêm hương vị, gia vị cho tình yêu lứa đôi.

***

Hồ Minh Thông là nhà thơ nữ có tâm hồn đa cảm. Thơ của chị là âm nhạc của tâm hồn ấy. Chị viết khá đa dạng đề tài, nhưng “âm thanh” khắc khoải nhất trong thơ Hồ Minh Thông vẫn là tình yêu. “Người nói yêu như sóng vỗ / Quẩn quanh âu yếm mặt hồ / Bình yên hay khi bão tố / Cuộn trào từng đợt sóng xô”, (Yêu như là sóng vỗ).

Thơ Hồ Minh Thông về tình yêu thánh thiện, trong veo, mơ khát nhưng cũng dữ dội, biến ảo. Chị viết trong vô thức, tuy nhiên, thể hiện rõ hành trình “tìm kiếm”, “giải mã”, "tiếp biến", hướng đến nữ quyền. Vì thế, thơ chị mang đến những điều mới mẻ.

Đọc thơ Hồ Minh Thông về đề tài này, có nhiều câu hỏi ảnh. Tình yêu là gì?. Đặc điểm nhận biết? Có ai hiểu về tình yêu cặn kẽ và có được nó trong cuộc đời? Tại sao, từ cổ chí kim, người ta cứ viết, cứ tìm kiếm để đọc thơ tình, chứng tỏ rằng, chưa ai hiểu hết các “cung bậc” của tình yêu; nếu chưa muốn nói, tình yêu mãi mãi vẫn là một trong những “mục đích” kiếm tìm, hy vọng được “sở hữu” nó trong cuộc đời không dài của kiếp người. Phải chăng, tình yêu là đóa hoa vô thường?
....
nàng tặng tôi một đóa vô thường
tôi chưng cất thành mật ngọt
tôi chưng cất từ sự thật
về tình yêu

(Đêm vô thường)

315742275_1214043675811245_926430984976866782_n(1).jpg
Hồ Minh Thông vốn là cô giáo, nhiều năm truyền cảm hứng về cái đẹp, giá trị nhân văn cho nhiều thế hệ học sinh 

Cho đến nay, Hồ Minh Thông đã in 3 tập tản văn “Những cánh rêu” (năm 2007), “Miền tĩnh lặng dịu dàng” (năm 2013), “Mùa về trên ngói” (năm 2014); và 2 tập thơ “Đêm trở dạ” (năm 2019), “Ngồi tựa vào trăng” (năm 2020) và chuẩn bị in “Lạy tạ hoàng hôn”. Chị cũng từng được Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc (năm 2021) và 3 lần được Giải thưởng VHNT Nguyễn Du của tỉnh Hà Tĩnh.

Hồ Minh Thông quan niệm: “Với tôi, thơ là hành trình gom nhặt và khám phá vẻ đẹp của cuộc đời, đặc biệt khi vẻ đẹp đó ẩn khuất sau những nỗi buồn, nỗi đơn độc mang tên thân phận con người”. “Tôi nhặt nhạnh những mảnh vỡ trong tâm hồn mình để tái tạo nên những gì nguyên lành và thánh thiện trong tác phẩm. Thơ với tôi là chốn trụ ngụ linh thiêng và đẹp đẽ, là “cuộc đuổi bắt” đầy thăng hoa, hấp dẫn với những ma lực của ngôn từ…”, chị chia sẻ.

Là nhà thơ nữ, nguyên là giáo viên trường THCS Lê Văn Thiêm (Hà Tĩnh), Hồ Minh Thông là người có trái tim nhân hậu. Năm 2020, tại buổi lễ ra mắt tập thơ “Ngồi tựa vào trăng” chị đã dành toàn bộ số tiền 20 triệu đồng thu về từ việc bán tập thơ trao tặng quà cho 10 em học sinh nghèo vùng lũ trên địa bàn Hà Tĩnh.

Hồ Minh Thông hiện là Chánh văn phòng Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, kiêm biên tập viên của Tạp chí Hồng Lĩnh. Dẫu xa môi trường sư phạm nhưng chị vẫn tranh thủ lên lớp, truyền cảm hứng về cái đẹp, giá trị nhân văn đến những học sinh yêu thích văn học. Đó là điều chị đã từng nhiều năm cống hiến, và coi đó là hạnh phúc./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hồ Minh Thông "neo" vào nỗi nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO