Tôi đã đến Đất Mũi (Cà Mau) nhiều lần, trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Tôi không ngờ bằng mắt thường có thể nhìn thấy hòn Khoai. Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho xe dừng lại đầu cầu Năm Căn. Anh em lên cầu, bởi chính giữa cầu nhìn theo con rạch đổ ra biển mới mới không bị khuất tầm nhìn. “Hòn Khoai cách bờ chỉ 6 hải lý, tức hơn 14,6 km”, Thông – một cán bộ của Ban Quản lý dự án cho biết.
Trong tôi cảm xúc kỳ lạ. Nhớ đến thủ trưởng cũ và hy vọng về hòn Khoai.
Trước hết, nói về hòn Khoai. Hòn Khoai là tên một cụm đảo nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Nếu đi tàu từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được Hòn Khoai – một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc.
Gọi là hòn Khoai, nhưng thực ra là một cụm đảo, gồm nhiều đảo nhỏ: hòn Khoai, hòn Tượng, hòn Sao, hòn Đồi Mồi, hòn Đá Lẻ. Trong đó hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 4 km2 và cũng là hòn đảo cao nhất so mực nước biển là 318m. Xưa kia, địa danh này còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: hòn Giáng Hương, hòn Độc Lập hay đảo Poulop vào thời Pháp. Tuy nhiên, bởi hình dạng giống như một củ khoai khổng lồ mà người địa phương vẫn quen gọi với cái tên là hòn Khoai cho đến tận ngày nay.
Hòn Khoai là hòn đảo đá, đồi và rừng nguyên sinh còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý cùng quần thể động thực vật phong phú, chính điều đó đã làm say lòng biết bao du khách, nếu phát triển du lịch. Theo một nghiên cứu mới nhất hệ thực vật ở hòn Khoai có hơn 1.400 loài gồm cây ăn trái, cây lấy gỗ, cây làm thuốc… Động vật cũng khá phong phú với các loài khỉ, gà rừng, trăn hoa, kỳ đà, sóc bụng trắng… và hơn 20 loài chim qúy.
Hòn Khoai có bờ biển dài, kín gió, là nơi neo đậu, trú bão cho ngư dân và là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. Từ những loài sinh vật phù du nhỏ bé cho đến những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: mực, tôm hùm, tôm tít, cá mú, cá bớp,… Biển Hòn Khoai có những bãi cát rộng. Khi thủy triều xuống, biển lặng, du khách có thể đi bộ trên bãi cát để tìm hiểu sự sống của các loài sinh vật biển và hít thở không khí trong lành của rừng, của biển.
Nếu như Phú Quốc là đảo ngọc của Kiên Giang thì hòn Khoai là đảo ngọc của đất Mũi, rừng núi bao quanh, nước biển xanh trong hiền hòa và những di tích nhuốm màu thời gian. Tháng 9/2013, cụm đảo Hòn Khoai được xác lập Kỷ lục cụm đảo gần xích đạo nhất. Trên đảo có 2 bãi biển, gồm Bãi Lớn ở phía đông nam và Bãi Nhỏ ở phía Bắc. Điểm độc đáo nhất của đảo này là những bãi biển có rất nhiều đá cuội tròn như trứng ngỗng lạ mắt, mẹ thiên nhiên còn ưu ái nơi đây rợp bóng cây phong ba, phi lao vi vu theo gió rợp mát. Khi mùa xuân về trên hòn Khoai, hoa mai nở vàng rực khắp đảo.
Đường đi lại trên đảo có một con đường chính từ Bãi Lớn đến đỉnh đảo, dài khoảng 3 km đã được trải nhựa phẳng phiu, rợp bóng cây xanh mát. Điều đặc biệt là trên đảo có hai dòng suối, quanh năm cho nước ngọt cung cấp cho các đơn vị đóng quân trên đảo và ngư dân đánh bắt quanh vùng. Người ta kể rằng, vì xưa tiên xuống dòng suối ngọt này tắm nên đảo từ đó còn có tên là Giáng Tiên. Vì đảo ít cư dân sinh sống nên chỉ có vài ba quán tạp hóa nhỏ, chủ yếu là các lính biên phòng canh giữ biển đảo. Chính vì điều đó mà Hòn Khoai vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ hiếm nơi nào có được.
Công trình nổi bật nhất có lẽ là ngọn hải đăng 100 năm tuổi – nơi bạn không thể bỏ qua khi đến Hòn Khoai. Ngọn tháp này nằm trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai, được thực dân Pháp xây dựng vào 1920 , đây được xem là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất của hải phận Việt Nam. Theo cầu thang xoắn ốc lên ngọn hải đăng, không gian mở ra xanh biếc, mây trời lộng gió khơi xa… Trên đây còn có kính viễn vọng, cho bạn ngắm nhìn các hòn đảo xung quanh, hay hướng về mũi Cà Mau để một lần được chiêm ngưỡng từ xa mũi đất thiêng liêng của tận cùng Tổ quốc.
Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, Hòn Khoai còn là chiến tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ. Tại đây, ngày 13/12//1940, thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã chỉ huy nghĩa quân nổi dậy để chiếm Hòn Khoai, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của quân và dân vùng đất cực Nam Tổ quốc. Năm 1990, đảo Hòn Khoai được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Đối với những người làm hàng hải, hòn Khoai có một vị trí đặc biệt. Nhìn hòn Khoai, tôi nhớ một người. Đó là tiến sỹ kinh tế, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Chu Quang Thứ. Khát vọng biến hòn Khoai thành cảng biển trung chuyển quốc tế của Việt Nam lớn nhất khu vực, thôi thúc ông, ngay cả sau khi về hưu.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của cá nhân ông và nhiều cộng sự, năm 2012 Văn phòng Chính phủ chính thức có ý kiến bổ sung cảng Hòn Khoai vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Cảng hòn Khoai nằm cận kề tuyến hàng hải quốc tế, là điểm kết nối tuyến hành lang trên biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Năm 2019, khi về làm việc với Cà Mau, tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ đưa Dự án cảng biển Hòn Khoai vào Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2020 để hỗ trợ tỉnh tìm kiếm những nhà đầu tư đủ tiềm năng, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, lập Quy hoạch xây dựng Dự án cảng biển Hòn Khoai để làm căn cứ sớm triển khai Dự án.
TS. Chu Quang Thứ cho rằng, Dự án cảng hòn Khoai nếu thành công, đây là bước đột phá của ngành Hàng hải Việt Nam trong việc thực hiện “Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” với tầm nhìn hàng trăm năm áp dụng trọng hệ thống cảng biển Việt Nam. Đặc biệt xây dựng cảng này không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, và đã hình thành hệ quản lý cảng tự động… Cảng hòn Khoai sẽ hình thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế khi Việt Nam đã là thành viên WTO, TPP, ASEAN…
Tầm nhìn biển phải là tầm nhìn 50 năm – 100 năm. Nhất là sau khi dự án kênh đào Kra - “kênh đào Panama châu Á” của Thái Lan hoàn thành, cho phép tàu từ Ấn Độ Dương vào vịnh Thái Lan ra Thái Bình Dương mà không phải đi qua eo biển Malacca, rút ngắn hải trình, hòn Khoai của Việt Nam sẽ nằm ngay trên tuyến đường biển mới.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về cảng biển và logictisc thì cảng Hòn Khoai được đầu tư sẽ trở thành cảng biển lớn nhất Việt Nam, đưa nước ta trở thành mắt xích chính, mở ra một cổng kết nối quan trọng trong chuỗi phân phối hàng hóa, dịch vụ toàn cầu (global logistics hub), nhất là các mặt hàng: than, sản phẩm dầu, container. “Báo cáo đầu tư dự án cảng biển tổng hợp Hòn Khoai” do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Phong do TS. Chu Quang Thứ làm Chủ tịch, xác định tổng mức đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, trong đó 3,5 tỷ USD cho “siêu cảng” và 1,5 tỷ USD cho khu trung tâm logistics. Dự kiến trong tương lai Cảng biển hòn Khoai có năng lực vận tải 800 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đó là mơ ước lớn nhưng nằm trong tầm tay.
Việc phát triển cảng Hòn Khoai trở thành một “siêu cảng” lớn nhất cả nước vừa đảm bảo yêu cầu về môi trường sinh thái hay nói cách khác là mang màu sắc của một cảng “xanh” dù không đơn giản, đòi hỏi cả thiết kế công năng và đầu tư nhưng lại tạo một giá trị bền vững cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đó là chưa kể những đánh giá cao của quốc tế trong cả hai lĩnh vực hàng hải và môi trường, TS. Chu Quang Thứ nhấn mạnh về vai trò môi trường trong xây dựng “siêu cảng” hòn Khoai.
Trời tháng 7, đầu mùa mưa Cà Mau dịu mát. Biển ngăn ngắt màu mơ ước.