Khai mạc trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”

Bảo Hân (tổng hợp) |08/09/2023 05:48

Trại sáng tác văn học là nơi để các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sáng tác và tìm kiếm những cảm hứng mới cho sáng tạo, nghiên cứu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Chiều ngày 6/9, tại Đà Lạt, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” với sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước là cộng tác viên từng có nhiều tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà thơ Ngô Đức Hành, Trưởng Văn phòng Tạp chí Vietnam Logistics Review tại Hà Nội là một trong những tác giả tham dự Trại viết.

z4670911098871_c088f67fd99de00fa103a163e61c45a7.jpg
"Người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh có rất nhiều vấn đề để người cầm bút khai thác. Chiến tranh không chỉ là súng đạn mà là thân phận con người...", Đại tá Nguyễn Bình Phương phát biểu

Phát biểu khai mạc, Đại tá – Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã nhấn mạnh: Văn nghệ Quân đội (tiền thân là tờ Sinh hoạt Văn nghệ) ra đời năm 1949 để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học - nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, được in trên giấy dó, khổ to và ra không định kỳ. Đến năm 1955, đổi tên thành tờ báo Văn nghệ Quân đội và chỉ phát hành trong nội bộ quân đội. Năm 1957, trước sự phát triển mạnh của văn học - nghệ thuật, bước qua giai đoạn mới quyết liệt hơn, để đáp ứng nguyện vọng của bạn đọc trong toàn quốc, đổi tên thành Tạp chí Văn nghệ Quân đội và phát hành rộng rãi ra toàn quốc - đó là một bước ngoặt lớn.

Từ khi ra đời, Tạp chí Văn nghệ Quân đội quy tụ đội ngũ biên tập, sáng tác khá mạnh, gồm những tinh hoa văn nghệ sĩ trong quân đội; quy tụ được các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi trong toàn quốc cộng tác. Chính mạng lưới cộng tác viên đã góp phần đưa Tạp chí Văn nghệ Quân đội trở thành một trong những tạp chí danh giá trên diễn đàn văn học - nghệ thuật, văn học cách mạng Việt Nam.

Trong suốt chặng đường dài ấy, có hơn 10 nhà văn, nhà thơ công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã được đặt tên đường, tên phố mặc dù biên chế của Tạp chí chưa bao giờ quá 40 người. Với nhiều thành tích, công lao đồng hành cùng dân tộc, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và là cơ quan văn học - nghệ thuật đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Với 2 chức năng chính là sáng tác đăng tải và quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật; tuyên truyền đường nối chính sách, những hoạch định về văn hóa văn học - nghệ thuật của Đảng chính phủ và quân đội đến bạn đọc trong quân đội và trong cả nước, Tạp chí thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các trại sáng tác về văn học trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Qua những cuộc thi, Văn nghệ Quân đội đã phát hiện rất nhiều tài năng và bồi dưỡng, tôn vinh kịp thời. Các cây bút đoạt giải của Văn nghệ Quân đội thường phát triển rất tốt, nhiều người đã trở thành những trụ cột của văn học cách mạng và văn học Việt Nam đương đại.

z4670911072583_b5b2324d7e2131327895ec351e2c47be.jpg
Nhà thơ Thanh Dương Hồng, Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng (ben phải ảnh), tặng Trại viết những tư liệu quí để các nhà văn, nhà thơ tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Lâm Đồng

Bên cạnh đó, mỗi năm Tạp chí phối hợp với các bộ, ban, ngành, quân binh chủng, các tỉnh, thành tổ chức từ 2 - 3 trại sáng tác mời các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhằm tạo không gian để những người cầm bút thoát ra khỏi công việc thường ngày, dành một quãng thời gian để hoàn thiện những tác phẩm đang dang dở, đang ấp ủ. Qua đó kéo các nhà văn, nhà thơ ra khỏi không gian quen thuộc của mình là công sở, là gia đình, là địa bàn mình sống, đến một vùng đất khác, trải nghiệm miền đất mới, cảm giác mới, để làm giàu thêm vốn sống, hiểu biết, từ đó tạo nguồn cảm hứng, cảm xúc sáng tạo mới mẻ. Trại viết cũng tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, làm quen giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tạo, trao đổi nghiệp vụ lẫn nhau để thay đổi nhận thức, mở rộng tầm nhìn, tạo ra những tác phẩm hay về nội dung, đẹp về hình thức thể hiện để in và giới thiệu với độc giả trong cả nước.

Cùng với nhu cầu sáng tạo, quan điểm sáng tác của các tác giả, vì là tạp chí của lực lượng vũ trang, trại viết mong muốn các tác giả đi vào những đề tài phục vụ cho người lính, viết về người lính trong chiến tranh và sau chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Bình Phương gợi ý: Viết về chiến tranh không có nghĩa là viết về súng đạn, là đối chiến. Chiến tranh đôi khi cũng là viết về thân phận con người, viết về thân phận người lính, viết về vết nứt trong xã hội mà do tác động của chiến tranh gây ra, những dư chấn của chiến tranh tạo nên cho con người… Có muôn hình vạn trạng trong cách viết về đề tài chiến tranh, trong đó thì thân phận số phận của người lính là một trong những nhân vật trọng tâm. Viết về đề tài hậu chiến, về người lính trong thời bình - Đó là đội quân công tác, đội quân chiến đấu, đội quân lao động sản xuất. Với 3 chức năng quan trọng rường cột của quốc gia thì người lính chưa bao giờ được nghỉ ngơi, nhàn rỗi, chưa bao giờ hết vất vả, chưa bao giờ bớt đổ máu. Quên mình cứu dân vượt qua thiên tai hoạn nạn. Có dân ở thì có bộ đội. Ở đâu xa xôi nhất, heo hút nhất, khó khăn gian khổ nhất vẫn luôn có dấu chân của người lính. Chúng tôi mong muốn các nhà văn nhà thơ trong hành trình sáng tác của mình, bên cạnh những tác phẩm viết về Đà Lạt xinh đẹp, bằng trách nhiệm, bằng tài năng, bằng lương tri của mình hãy nhìn thấy những góc khuất, những hy sinh thầm lặng của người lính, hãy ngó sang một chút để viết về hình ảnh của người lính trong chiến tranh, trong hòa bình, hãy dành những trang viết cho người lính. 

z4670474301606_9c210efe4b7090730cfa9648d58e4bc0.jpg
Các nhà văn tham gia Trại viết

Với một lực lượng đa số là những cây bút trẻ, nhiều giảng viên các trường đại học, có tác giả còn đang là sinh viên sẽ mang đến cho trại viết nhiều tác phẩm chất lượng mang tư duy sáng tạo mới mẻ, nguồn sinh khí và sức sống mới cho văn nghệ quân đội.

Trại sáng tác văn học cũng là nơi bồi dưỡng, phát hiện các cây bút trẻ. Tham dự trại viết lần này có nhiều cây bút tuổi đời còn rất trẻ, thời gian cầm bút chưa nhiều nhưng đã có những ấn tượng nhất định trong sáng tác. Ban tổ chức hi vọng rằng, đứng trước những vấn đề của đời sống hôm nay, mỗi người viết sẽ tìm cho mình được hướng đi mới, đầy sáng tạo, bứt phá để khẳng định được mình.

Nguồn: Tạp chí VNQD, báo Lâm Đồng.

Bài liên quan
  • “Cánh chim không mỏi” của xứ Trầm hương
    Nhà giáo Ưu tú, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Ngô Văn Ban sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại làng Võ Cạnh, quận Vĩnh Xương, Tỉnh Khánh Hòa (nay là xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, Ban Việt – Hán, Khóa Phan Chu Trinh (1967 – 1970). Ông từng dạy Văn học ở các trường trung học phổ thông tại huyện Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Trường Hà Huy Tập thành phố Nha Trang và trải qua nhiều chức vụ quản lý giáo dục…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO