Tạo môi trường, hành lang pháp lý cho khởi nghiệp
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp (Start-up) đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Đề án 1665 đề ra mục tiêu: "Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên... Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp…".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu này, để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nội dung để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đó là:
Thứ nhất, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, rủi ro ít nhất, truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, nhất là cơ chế khuyến khích, bảo vệ thanh niên, học sinh, sinh viên trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ chế hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng, nhân lực, thuế, phí, lệ phí... Có cơ chế để hình thành và phát triển tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngay từ cấp học phổ thông; gắn khởi nghiệp trong các trường đại học, trường nghề với việc giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp để vừa hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, vừa thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Thúc đẩy phát triển các trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên…
Thứ hai, hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên. Triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" và Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp". Tiếp tục xây dựng, mở rộng và thu hút nguồn lực vào các Quỹ đầu tư khởi nghiệp cho sinh viên. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các diễn đàn, hội chợ, câu lạc bộ, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư... Hỗ trợ kết nối cung-cầu, quảng bá, giới thiệu, sử dụng sản phẩm đổi mới sáng tạo của thanh niên. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế để học hỏi những kinh nghiệm quý của các nước thành công trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ ba, khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo. Chủ động có các biện pháp phù hợp để tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận, dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo trước các rủi ro về hiệu quả đầu tư… Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích chuyển giao tri thức, các mô hình khởi nghiệp có hiệu quả của thanh niên, hình thành các mô hình sinh kế, mô hình kinh doanh xanh, bền vững cho cộng đồng, cho địa phương, cho gia đình và bản thân…
Logistics - thị trường tiềm năng cho startup Việt
Logistics là ngành cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải biển, đường hàng không, đường bộ và quản lý hàng hóa khai báo hải quan hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành hàng bán lẻ. Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, và thương mại điện tử, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp đã ứng dụng công nghệ giúp thay đổi ngành logistics lên một tầm cao mới, đồng thời, giúp chủ hàng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Dù chưa có thống kê chính xác về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics, nhưng nếu nhìn vào thành công của startup trong lĩnh vực này với những công nghệ đột phá, những giải thưởng và thương vụ đầu tư trong thời gian qua, có thể thấy sức hấp dẫn cũng như tiềm năng khởi nghiệp rất lớn trong một ngành đã được nhận định là "xương sống", "mạch máu" của nền kinh tế.
Điển hình vào tháng 5/2019, startup Việt Nam trong lĩnh vực logistics là Công ty Abivin, đã vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc... để trở thành quán quân của Cuộc thi Startup World Cup tại Hoa Kỳ và giành 1 triệu USD tiền đầu tư.
Abivin là startup "thuần Việt" đầu tiên vô địch đấu trường khởi nghiệp sáng tạo thế giới. Đây là DN cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, trải qua 4 năm hoạt động cùng sản phẩm Abivin vRoute - phần mềm có thể tạo ra một kế hoạch định tuyến tối ưu chỉ trong vài giây, đồng thời, tối đa hóa công suất của xe và giúp tiết kiệm 40% chi phí nhân lực và nhiên liệu.
Ông Phạm Nam Long - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam - cho biết, Abivin đang tìm doanh nghiệp có bộ máy nhân sự cỡ vừa cho đến cỡ lớn để tối ưu các chi phí logistics cho họ. Để thuyết phục được DN tin tưởng vào sản phẩm dịch vụ của Abivin, thì chất lượng sản phẩm dịch vụ phải tốt hơn các phần mềm nước ngoài và những phần mềm hiện tại trong nước; đồng thời sản xuất, cung cấp dịch vụ phầm mềm đó với chi phí cạnh tranh nhất trên thị trường. Hiện nay, tùy vào quy mô, khả năng, năng lực hiện tại của doanh nghiệp khi sử dụng hệ thống của chúng tôi, có thể tiết kiệm từ 10 - 40% chi phí logistics.
Cũng là doanh khởi nghiệp chuyên về lĩnh vực vận tải, Công ty TNHH Công nghệ Logivan đã huy động được 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài. Điểm mạnh trong sản phẩm của Logivan là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thuật toán so khớp xe tải và giá cả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các xe tải trống. Nhà sáng lập Linh Phạm của Công ty TNHH Công nghệ Logivan ví Logivan như "Uber của xe tải". Trong năm 2018, công ty đã kết nối hơn 22.000 đối tác vận tải, 10.000 chủ hàng đăng ký trên hệ thống của mình....
“Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đồng hành, khuyến khích mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt mà thực tiễn đặt ra, nhất là khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giúp các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… phát triển nhanh, bền vững và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để mau chóng tiệm cận và đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới trong những lĩnh vực đang là xu thế của thời đại như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật, công nghệ nano, ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số…", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tại "Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023”. Điều này mang đến động lực cho các start-up Logisics.