Kho lạnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long: Cơ hội đang ở phía trước

16/06/2017 09:07

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Trong hội nghị về lĩnh vực kho lạnh (Asia Cold Chain) ở Thái Lan vào cuối tháng 4.2017, hơn 100 đại biểu từ các quốc gia khu vực ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong quản trị kho lạnh. Đây là chủ đề đang thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp (DN) vì nhu cầu bảo tồn giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng tăng. Nhìn lại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa thủy hải sản, trái cây của cả nước, chúng ta vẫn thiếu các trung tâm logistics xứng tầm để góp phần tạo động lực tăng trưởng cho khu vực.

(Vietnam Logistics Review)Trong hội nghị về lĩnh vực kho lạnh (Asia Cold Chain) ở Thái Lan vào cuối tháng 4.2017, hơn 100 đại biểu từ các quốc gia khu vực ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong quản trị kho lạnh. Đây là chủ đề đang thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp (DN) vì nhu cầu bảo tồn giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng tăng. Nhìn lại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa thủy hải sản, trái cây của cả nước, chúng ta vẫn thiếu các trung tâm logistics xứng tầm để góp phần tạo động lực tăng trưởng cho khu vực.

Kho lạnh - nút thắt tăng trưởng ở ĐBSCL

Ông Pankaj Mehta, Giám đốc điều hành của Carrier Transicold, India & South Asia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuỗi cung ứng lạnh giúp bảo tồn giá trị cho hàng trái cây ở Ấn Độ, giúp nông sản “được mùa” mà không “mất giá”, giảm tổn thất sau thu hoạch còn dưới 10%. Câu chuyện thu hút được sự quan tâm của rất nhiều DN bởi khu vực Đông Nam Á có nhiều thuận lợi trong lĩnh vực cây ăn trái, thủy hải sản nhưng vẫn thiếu hạ tầng kho lạnh – xe lạnh để bảo quản. Nhiều DN trong lĩnh vực Coldchain như Carrier Transicold, Kool-Ex Cold Chain, DHL Supplychain, JWD, Panalogs, Yamato… bày tỏ sự quan tâm hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này tại các nước ASEAN.

Trở lại câu chuyện ĐBSCL, là trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản, trái cây hàng đầu Việt Nam với đóng góp trên 60% sản lượng cả nước cho từng ngành. Chiếm khoảng 17% dân số cả nước, ĐBSCL cũng là một thị trường tiêu thụ với tổng mức bán lẻ chiếm tỷ trọng 18-20%. Hàng năm, luồng hàng hóa nhộn nhịp ra vào ĐBSCL gồm chiều đi là hàng chục triệu tấn gạo, thủy hải sản, trái cây và chiều về là hàng tiêu dùng, vật tư sản xuất nông nghiệp từ các khu vực khác (chủ yếu từ miền Đông Nam Bộ) tạo nên vùng kinh tế giàu tiềm năng, sôi động. Tuy nhiên, với hạ tầng logistics, đặc biệt là hệ thống kho lạnh còn nhiều hạn chế, là nút thắt cho sự tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo VLA và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tiến hành nghiên cứu về quy hoạch các trung tâm logistics tại ĐBSCL cũng như kế hoạch hành động phát triển năng lực dịch vụ logistics cho khu vực ĐBSCL.

Ví dụ, là khu vực dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy hải sản, phần lớn nhà máy trong khu vực ĐBSCL đều có kho lạnh riêng để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ cũ, chi phí vận hành cao và thường xuyên phải gửi hàng hóa ở các kho dịch vụ bên ngoài trong mùa thu hoạch. Diện tích kho lạnh dịch vụ logistics chuyên dụng không nhiều, tập trung chủ yếu ở khu vực Cần Thơ (kho lạnh Thái Sơn, kho lạnh Miền Tây,..). Nhiều DN xuất khẩu thủy hải sản phải thường xuyên gửi hàng ở các kho lạnh quy mô lớn ở TP.HCM và khu vực lân cận (Long An, Bình Dương, Đồng Nai...), chẳng hạn như các kho lạnh Swire, Preferred, Lotte, Hoàng Lai, Phan Duy, Satra… Trong những giai đoạn cao điểm, nhiều DN ngành thủy hải sản xuất khẩu phải đi thuê container lạnh để chứa hàng tạm thời với chi phí cao. Chưa kể thời gian để xử lý một đơn hàng xuất khẩu có thể kéo dài 3-8 ngày, trong đó, thời gian thực hiện nghiệp vụ logistics (book tàu, cấp cont, vận chuyển container rỗng, chờ đóng hàng, chờ hạ bãi…) chiếm trên 50% thời gian. Phương án vận chuyển container lạnh bằng xà lan có giảm về chi phí nhưng lại kéo dài thời gian gấp 4-5 lần so với phương án đường bộ, phụ thuộc tình hình cầu bến nên ít DN quan tâm. Chi phí vận chuyển này góp phần đội giá thành, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN thủy hải sản trong khu vực ĐBSCL.

Chuỗi cung ứng lạnh cho ĐBSCL

Trong chuyến làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các Bộ ban ngành của hội nghị “Thu hút đầu tư logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long” vào ngày 9.01.2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành cơ quan tập trung triển khai kế hoạch hành động về nâng cao năng lực canh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến 2030 (Thủ tướng đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14.02.2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động); phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện Quyết định 1012/QĐ-TTg về quy hoạch các trung tâm logistics; hoàn thiện các quy hoạch giao thông tại khu vực ĐBSCL để đẩy mạnh lưu thông trong khu vực và kết nối với Campuchia; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL thu hút đầu tư, kinh doanh logistics trong khu vực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo VLA và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tiến hành nghiên cứu về quy hoạch các trung tâm logistics tại ĐBSCL cũng như kế hoạch hành động phát triển năng lực dịch vụ logistics cho khu vực ĐBSCL.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan Kho lạnh Mekong Logistics ngày 08.01.2017

Các chỉ đạo mang tính định hướng của Chính phủ đang tạo thuận lợi cho nhiều DN mạnh dạn hơn trong đầu tư vào lĩnh vực kho lạnh tại ĐBSCL. Cụ thể, câu chuyện của Trung tâm Logistics Mekong rất đáng để cộng đồng DN logistics quan tâm.

Giải pháp trung tâm logistics tích hợp Mekong Logistics

Trung tâm logistics là khái niệm không mới trên thế giới. Đã có nhiều khu vực xây dựng thành công mô hình trung tâm logistics ở châu Âu như Antwerp, Rotterdam, Düsseldorf hay ở châu Á như Singapore, Thượng Hải, Bangkok… Theo định nghĩa của Europlaforms, Logistics Park hay Logistics Cluster (dịch là Trung tâm Logistics), Freight Village, ICD (Inland Container Depot) chỉ một đặc khu/trung tâm với phạm vi địa lý rõ ràng ở đó các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa - cho nội địa hoặc quốc tế - được thực hiện trên cơ sở hợp đồng thương mại bởi các công ty vận hành trong trung tâm. Do đó, đặc điểm chính của trung tâm logistics là tính chuyên môn hóa cao theo nghĩa là giải pháp tốt nhất cho logistics (giảm được chi phí logistics và nâng cao năng suất sản xuất).

Bắt đầu vận hành từ tháng 10.2016 với công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng quy mô kho lạnh lên đến 47,200 pallet (tương đương 50,000 tấn) Mekong Logistics đang nỗ lực kết hợp nguồn hàng hai chiều, tối ưu hóa mạng lưới phân phối nhằm hướng tới tiết kiệm đến 30% chi phí logistics cho DN xuất khẩu ở ĐBSCL và 20% chi phí logistics cho các DN sản xuất hàng tiêu dùng khi phân phối ở thị trường ĐBSCL. Dự án Mekong Logistics vẫn đang trong giai đoạn phát triển thêm khách hàng, cung ứng thêm các dịch vụ mới và kết nối với các cảng, hệ thống vận tải trong khu vực với cụm cảng quốc tế Cái Mép. Do vậy, Mekong Logistics sẽ góp phần quan trọng vào bảo tồn giá trị hàng hóa thủy hải sản, trái cây của Việt Nam.

Là những DN hàng đầu trong ngành, giàu kinh nghiệm và mạng lưới khách hàng, Tập đoàn Gemadept và Tập đoàn Minh Phú đã cùng hợp tác xây dựng Trung tâm Logistics Mekong (MKL) quy mô 15ha tại KCN Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang, đầy đủ các dịch vụ logistics hiện đại, chuyên nghiệp để đáp ứng được hầu hết nhu cầu logistics của khách hàng thủy hải sản và trái cây trong khu vực và kết nối với nhu cầu phân phối hàng tiêu dùng, nông cụ/nông dược trong khu vực ĐBSCL.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kho lạnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long: Cơ hội đang ở phía trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO