Khơi thông thị trường xuất khẩu thủy sản

Nhân Dân|12/04/2022 08:53

(VLR) Quý I năm 2022, thị trường xuất khẩu thủy sản đã phục hồi, tăng trưởng ấn tượng và hầu hết các mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt tới 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2021. Một số sản phẩm như tôm và cá tra có sự tăng trưởng mạnh cả về giá và giá trị xuất khẩu…

Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, tỉnh Bình Định.

Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, tỉnh Bình Định.

Theo đánh giá của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tình hình nuôi trồng thủy sản trong quý I năm 2022 diễn ra thuận lợi, diện tích thả nuôi tăng mạnh, cùng với đó giá các mặt hàng đều tăng, trong đó giá cá tra hiện tăng rất cao. Tuy nhiên, do thời tiết trên biển diễn biến phức tạp cho nên lĩnh vực khai thác trong quý I lại diễn ra không mấy thuận lợi. Đặc biệt, chi phí đầu vào cho chuyến biển tăng cao, nhất là giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến hiệu quả khai thác thấp.

Trong khi đó, giá các mặt hàng thủy sản khai thác không tăng, thậm chí có một số mặt hàng giá giảm so cùng kỳ năm 2021, khiến các chủ tàu không mặn mà ra khơi, tình trạng tàu cá nằm bờ đã xảy ra nhiều tại các địa phương. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 3 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 2,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó sản lượng khai thác thủy sản là 875 nghìn tấn (giảm 1,2%), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 995 nghìn tấn (tăng 5,9%).

Trên đà hồi phục từ cuối năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng ổn định, khi đạt tới 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2021. Kết quả này chủ yếu nhờ cá tra và tôm vẫn đang trên đà hồi phục mạnh, có những đột phá ngoạn mục. Riêng xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm đạt 646 triệu USD, tăng 88% so cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm trong các tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tốt ở tất cả các thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh...

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm tiếp tục tăng cao. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ - sau Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi. Dự báo, xuất khẩu tôm cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 3%.

Xung đột Nga-Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang thị trường này, dù hai thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, xung đột này làm giá xăng dầu và nhiều chi phí đầu vào khác tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thí dụ như thị trường Nga, hằng năm, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt khoảng hơn 160 triệu USD (chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam). Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do những rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao.

Các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác. Theo ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Việt (Navico), ngoài thị trường Nga, việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc có những điểm nghẽn khi Trung Quốc đang thực hiện chính sách “Zero Covid”… Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới tăng cao như hiện nay làm cho phí vận chuyển liên tục tăng, cũng là một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đối mặt trong thời gian dài sắp tới…

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch tháng 4/2022 và quý II năm 2022 vào đầu tháng 4, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Trần Đình Luân cho rằng, kết quả sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong quý I rất khởi sắc. Tuy nhiên, việc tăng trưởng hiện nay vẫn chưa thật sự bền vững khi chi phí đầu vào các mặt hàng tiếp tục có xu hướng tăng cao.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, Tổng Cục trưởng Trần Đình Luân đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Về khai thác thủy sản, tập trung triển khai các đoàn kiểm tra trách nhiệm của các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ khắc phục thẻ vàng của EC. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý tàu cá tại cảng để bảo đảm hoạt động xuất khẩu hải sản không bị ảnh hưởng và triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ “thẻ vàng” của EC.

Để khắc phục những khó khăn phát sinh tại một số thị trường như Nga và Ucraina, ngành nông nghiệp và Tổng cục Thủy sản sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ. Bên cạnh đó, sẽ làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản (VASEP) để bàn các giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine. Trong năm 2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng sẽ tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ để tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông thị trường xuất khẩu thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO