Một số thành công của hãng Toyota
Sử dụng ưu thế hoạt động như là một vũ khí chiến lược
Toyota nhận được sự chú ý của thế giới vào những năm 1980, cho thấy rõ là ô tô của Nhật hoạt động được lâu hơn so với xe của Mỹ và tốn ít tiền sửa chữa hơn. Đến những năm 1990, khách hàng nhận ra rằng, sản phẩm của Toyota thậm chí còn đặc biệt hơn khi so sánh với các nhà sản xuất xe hơi khác của Nhật Bản. Đó là cách mà Toyota thiết kế và sản xuất ô tô, đạt đến sự nhất quán khó tin trong quá trình hình thành sản phẩm. Toyota thiết kế ô tô nhanh hơn, đáng tin cậy hơn và giá cả cạnh tranh hơn. Mỗi khi bộc lộ yếu điểm thì Toyota đều giải quyết được vấn đề và trở lại mạnh mẽ hơn so với các đối thủ.
Nhắc đến Toyota là nhắc đến chất lượng
Phần lớn thành công của Toyota đến từ danh tiếng về chất lượng sản phẩm được duy trì ổn định trong suốt quá trình sản xuất. Vào năm 2015, Toyota thu hồi ít hơn 81% so với Ford và 95% so với Chrysler. Hệ thống sản xuất của Toyota với đặc điểm nổi bật là sự tinh gọn đã thống trị xu thế sản xuất trong ngành ô tô từ 10 năm qua. Sản xuất tinh gọn tại hãng là quá trình có 5 bước bao gồm: xác định giá trị khách hàng, xác định dòng chảy giá trị, làm lưu thông luồng giá trị, “kéo” khách hàng, phấn đấu đạt đến sự hoàn thiện. Sản xuất tinh gọn đòi hỏi phương thức suy nghĩ tập trung vào việc làm cho sản phẩm trải qua quá trình gia tăng giá trị mà không bị gián đoạn, một hệ thống “kéo” từ sức cầu của khách hàng và được đáp ứng trong khoảng thời gian ngắn, một môi trường mà mọi thành viên luôn phấn đấu không ngừng.
Sự phản ứng linh hoạt từ thất bại
Vào cuối những năm 1960, từ kinh nghiệm thất bại của TMC khi xuất khẩu Toyopet vào thị trường Mỹ, Toyota quyết định tấn công thị trường Mỹ với mẫu xe được thiết kế dành riêng (mẫu xe Corona) cho thị trường này và doanh số Toyota tăng lên không ngừng từ thời điểm đó (từ doanh số 157.882 xe trong năm 1967 lên đến 856.352 xe năm 1974 và 1.800.923 xe năm 1984).
Chuyển từ chiến lược xuất khẩu sang chiến lược sản xuất tại chỗ
Mở đầu cho chiến lược này là việc Toyota liên doanh với General Motors thành lập nhà máy sản xuất đầu tiên ngoài lãnh thổ của hãng tại thị trường Mỹ là NUMMI vào năm 1983. Việc liên doanh hình thành NUMMI không chỉ giúp Toyota tiết kiệm chi phí vận chuyển, tránh các hàng rào bảo hộ thuế quan mà còn giúp hãng hiểu thêm về phong cách làm việc ở địa phương cũng như các tiêu chuẩn và quy chuẩn ở Mỹ. Nhà máy này còn đạt được năng suất gần bằng với nhà máy chính Takaoka tại Nhật (Năm 1987, NUMMI mất khoảng 19 giờ để lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe, trong khi Takaoka mất khoảng 16 giờ; đồng thời số lỗi trên 100 chiếc xe của hai nhà máy là ngang nhau).
Thành công của NUMMI đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng thị trường bền vững tại Mỹ của Toyota. Tính đến năm 2006, Toyota đã đầu tư 16,8 tỷ USD vào Mỹ để xây dựng các nhà máy ở Kentucky, California, Indiana, Texas và Ontario; sản xuất 1,5 triệu xe mỗi năm và chiếm 60% doanh số của Toyota tại thị trường châu Mỹ.
Lexus – dòng xe cao cấp riêng của Toyota
Một trong những nguyên tắc quan trọng cho thành công của Toyota là hãng tồn tại dựa trên nền tảng độc lập và một thái độ “hãy tự mình thực hiện nó”. Điều này được thể hiện rõ nhất khi công ty mạo hiểm thâm nhập thị trường xe hơi hạng sang. Toyota không mua một công ty đang sản xuất các dòng xe hơi hạng sang mà tự tạo ra bộ phận chuyên về xe hạng sang của riêng mình - Lexus, từ con số không để học hỏi và nắm bắt được giá trị cốt lõi của một chiếc xe hạng sang.
Với Lexus, hãng có cách kinh doanh của riêng mình, hệ thống quản lý của riêng mình cũng như bí quyết công nghệ riêng để nhắm vào đối tượng khách hàng riêng mà không bị cuốn theo “cơn lốc” chạy theo toàn cầu hóa của Toyota. Chỉ có khoảng 300 khiếu nại Lexus về sự cố lỗi kỹ thuật thuộc hai dòng xe ES và IS kể từ năm 2000 đến nay.
Một số thất bại của hãng Toyota
Áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí triệt để Vụ thu hồi xe quy mô lớn vào năm 2010 đã nhấn chìm Toyota, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới thời điểm đó. Đây là đợt thu hồi lớn nhất từ trước đến nay với tổng số lượng xe bị thu hồi lên đến gần 10 triệu chiếc, nhiều hơn cả số xe mà hãng đã bán ra trên toàn thế giới vào năm trước đó. Toyota, nổi tiếng toàn cầu về chất lượng và công nghệ, nay phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của công ty. Vụ thu hồi có thể làm mất đi hình ảnh của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nói chung và ảnh hưởng đến doanh số của các thương hiệu khác, đe dọa huyền thoại “Made in Japan”. Nguyên nhân căn bản là các biện pháp cắt giảm chi phí triệt để của Toyota nhằm duy trì vị trí hàng đầu thế giới. Hạ giá thành dẫn đến việc sử dụng các bộ phận rẻ hơn được sản xuất ở nước ngoài, tăng số lượng nhà cung cấp phụ tùng nước ngoài khiến công ty khó khăn hơn để duy trì kiểm soát chất lượng. Trên thực tế, hãng đã yêu cầu các nhà cung cấp giảm giá hơn 30% cho đến năm 2013. Việc tiết kiệm chi phí quá mức đã ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cuối cùng và đe dọa sự an toàn của người sử dụng ô tô.
Sản phẩm không phù hợp với thị trường
Mở đầu chiến lược thâm nhập thị trường thế giới, Toyota đưa vào thị trường Mỹ dòng xe Toyopet. Đây là mẫu xe đầu tiên của Toyota giới thiệu cho người tiêu dùng Mỹ (1959). Toyopet là mẫu xe được thiết kế chung dành cho cả thị trường Nhật Bản và thị trường các nước khác. Ở giai đoạn này, Toyota sử dụng chiến lược quốc tế (international strategy) để mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới, đưa những mẫu xe vốn được ưa chuộng tại thị trường Nhật ra nước ngoài, và điều này đã dẫn đến những thất bại tất yếu. Chiếc Toyopet lưu thông trên địa hình đồi núi tại Mỹ ọp ẹp và mất nhiều thời gian để đến nơi. Chính sự không phù hợp với môi trường và nhu cầu của thị trường nước ngoài đã khiến dòng xe này không tạo được chỗ đứng. Trong suốt 5 năm, Toyota chỉ bán được 1.913 chiếc Toyopet tại thị trường Mỹ. Thất bại này do sai lầm về chiến lược lựa chọn khi mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới. Các sản phẩm thiết kế từ thị trường Nhật không phù hợp với thị hiếu và điều kiện của các thị trường khác. Sau thất bại này, Toyota buộc phải thay đổi, chuyển sang chiến lược đa nội địa (multi-domestic strategy) bằng cách xây dựng nhà máy và các cơ sở thiết kế ngay tại Mỹ. Toyota liên tục nghiên cứu, thay đổi và thiết kế các kiểu xe dành riêng cho thị trường này.
(còn tiếp)