(Vietnam Logistics Review) Định hướng và quyết tâm của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư tư nhân được thể hiện rõ qua nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và tiếp theo là nghị định 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế áp dụng tại Việt Nam còn hạn chế nên việc học hỏi kinh nghiệm thế giới là cần thiết.
Các quốc gia được chọn để phân tích là Anh, Úc, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Sở dĩ các quốc gia này được chọn bởi: xét về trình độ phát triển, nhóm này gồm cả quốc gia phát triển và đang phát triển; xét về lãnh thổ thì các quốc gia này trải đều cả châu Âu, châu Á và châu Úc; xét về lịch sử áp dụng mô hình PPP thì nhóm này “pha trộn” giữa các nước đã triển khai từ lâu cũng như các nước mới nghiên cứu và đưa vào áp dụng mô hình PPP.
Anh
Nước Anh là một quốc gia áp dụng mô hình PPP sớm nhất và có nhiều trải nghiệm để thành công. Dự án cầu QE2 Dartford là dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên tại Anh có sự tham gia của đối tác tư nhân dưới hình thức PPP.
cau Dartford
Qua hình thức đấu thầu cạnh tranh với sự tham gia của 8 nhà thầu, năng lực của nhà đầu tư tư nhân thắng thầu đã được đảm bảo về cả chuyên môn và tài chính. Dự án PPP này đã được chuyển giao đúng thời hạn và tổng chi phí nằm trong giới hạn ban đầu.
Vấn đề phân bổ rủi ro trong dự án PPP tại Anh nói chung được thỏa thuận chia sẻ hợp lý cho các bên, đồng thời hệ thống thu phí điện tử góp phần giảm chi phí nguồn nhân lực cho đối tác tư nhân.
Úc
Năm 2013, Úc được đánh giá là một quốc gia có đầu tư PPP hiệu quả nhất. Đặc điểm nổi bật của Úc là có khung chính sách vững chắc về PPP, các dự án PPP phải đảm bảo về thời gian và thủ tục trước đấu thầu được cắt giảm tối đa nhằm tiết kiệm chi phí.
Sydney Cross
Năm 2002, dự án hầm đi qua thành phố Sydney Cross City Tunnel được triển khai tại Úc nhằm giảm áp lực tắc nghẽn giao thông. Mặc dù có các điểm mạnh liên quan đến khung chính sách về PPP tại Úc nhưng tháng 12.2006 công ty tư nhân của dự án này tuyên bố phá sản.
Đức
Đức có 3 mô hình PPP là F-Model, A-Model và Hợp đồng xây dựng. F-Model có lịch sử lâu nhất trong các loại dự án PPP và liên tục được sửa đổi trong các quy định pháp luật của Đức năm 2002 và 2005.
Năm 1994, dự án hầm Warnow Rostock được công khai đấu thầu và hợp đồng nhượng quyền được ký kết vào tháng 7.1996 với thời gian nhượng quyền 30 năm. Trên thực tế, Đức là một nước đi sau trong thực hiện PPP so với các quốc gia châu Âu khác mặc cho nhu cầu cao về vốn tư nhân cho các công trình phát triển. Do vậy, hai bên công và tư vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong quan hệ đối tác PPP nên công trình Warnow Rostock đã thất bại.
Ảnh minh họa Warnow Rostock
Thời gian nhượng quyền phải kéo dài thêm 20 năm nữa để đối tác tư nhân thu hồi đủ vốn đầu tư.
Nguyên nhân thất bại là do ở thời điểm này, pháp luật của Đức còn chịu sự ràng buộc bởi pháp luật EU. Theo đó, luật EU miễn trừ hoạt động thu phí từ các công trình xây dựng cầu, đường hầm… Ngoài ra, dự báo lưu lượng giao thông không chính xác do không tính các yếu tố liên quan như hiện tượng di cư cũng là một nguyên nhân khiến dự án PPP này thất bại.
Trung Quốc
Trung Quốc áp dụng mô hình PPP lần đầu tiên từ thế kỷ 20. Dự án nhà máy điện Laibin B là dự án BOT đầu tiên được Nhà nước phê chuẩn vào tháng 5.1995. Nội dung của dự án được cấu thành bởi ba loại hợp đồng chính: nhượng quyền, mua điện và cung cấp nhiên liệu, vận tải.
Trong đó, hợp đồng nhượng quyền đóng vai trò quan trọng nhất vì tóm tắt tất cả quyền và nghĩa vụ của các bên. Dự án này có cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý và Nhà nước dành nhiều ưu đãi cho đối tác tư nhân như bảo lãnh nguồn tiêu thụ điện, đảm bảo nguồn cung nhiên liệu. Chính phủ đứng ra bảo lãnh trong trường hợp bất khả kháng (bao gồm cả sự thay đổi về luật) và một số ưu đãi về thuế.
Nhờ đó, dự án Laibin B được đánh giá là dự án thành công. Một đặc điểm nổi bật là hoạt động giám sát được triển khai chặt chẽ, quản lý theo hai cấp: cấp TW và cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, các quy chế về PPP được thay đổi linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương.
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, sự minh bạch và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ được coi là đặc trưng trong triển khai mô hình PPP. Dự án PPP nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống phân phối điện Bhiwandi được tổ chức đấu thầu cạnh tranh vào tháng 5.2005 đạt một số thành công nhất định.
Bhiwandi
Doanh thu mạng lưới điện Bhiwandi tăng và kỹ thuật được cải thiện đáng kể nhờ tính minh bạch, sự phân bổ rủi ro hợp lý cũng như các ưu đãi Chính phủ dành cho đối tác tư nhân. Dù là một quốc gia đi sau trong áp dụng PPP nhưng Ấn Độ đã trở thành một quốc gia châu Á triển khai PPP rộng rãi cho các dự án.
Indonesia
Indonesia huy động vốn đầu tư tư nhân cho phát triển hạ tầng từ những năm 1990 và việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu qua hình thức chỉ định thầu. Năm 1997, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn châu Á nên dự án PPP cấp nước sạch tại thành phố Jakarta (được ký kết vào tháng 6.1997 với thời hạn 25 năm) gặp nhiều khó khăn liên quan đến sự trượt giá tiền tệ và bất ổn về chính trị.
Mặt khác, dưới thời Tổng thống Suharto tính minh bạch không được đảm bảo khi có hiện tượng tiêu cực, các mối liên kết cá nhân không rõ ràng liên quan đến đối tác tư nhân của dự án và Tổng thống.
Minh hoạt nước ở Manila
Kết quả là, sau 10 năm hoạt động, gần như không có biến đổi tích cực nào trong hoạt động cung cấp nước sạch ở Jakarta trong khi biểu giá nước tăng lên hơn 30%.
Có thể nói, Indonesia là một quốc gia đi sau trong việc áp dụng PPP và chưa đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động này.