Logistics ngược và 3 yêu cầu phát triển bền vững ngành nhựa Việt Nam

02/12/2016 14:04

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Tại Việt Nam, đã từ lâu logistics ngược được biết đến dưới dạng một hệ thống quản lý và thu hồi rác thải chính thức do Nhà nước điều hành.

(Vietnam Logistics Review)

Vai trò của logistics ngược

Trong các thập kỷ vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia; kèm theo đó là khối lượng sản phẩm phải loại bỏ và rác thải cần xử lý đã tăng lên nhanh chóng. Chu kỳ sống của sản phẩm ngày càng được rút ngắn, tỷ lệ thu hồi sản phẩm cao bởi thị hiếu tiêu dùng thay đổi so với truyền thống. Chính phủ nhiều nước đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường. Với những lý do vừa nêu, logistics ngược nhằm thu hồi và tái chế sản phẩm ngày càng có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu.

Đối với một quốc gia hoặc khu vực dân cư, “logistics ngược là khái niệm đề cập đến vai trò của logistics trong tái chế, xử lý rác thải và quản lý các nguyên vật liệu nguy hại”; nhờ đó giúp các quốc gia, khu vực dân cư phát triển mà không hủy hoại môi trường xung quanh. Logistics ngược cũng được xem là một phần của quản lý chuỗi cung ứng, là một vấn đề hiển nhiên đối với tất cả thành viên trong các chuỗi cung ứng sản phẩm, từ nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất, các trung gian phân phối bán buôn và bán lẻ. Việc các thành viên này vận hành dòng logistics ngược hiệu quả như thế nào sẽ tác động rất lớn đến không chỉ chi phí mà còn doanh thu và sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, với vai trò là một khâu chức năng trong DN, "Logistics ngược là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất phát với mục đích thu hồi các giá trị còn lại hoặc xử lý một cách thích hợp". Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN giảm chi phí, tăng doanh thu, nâng cao trình độ dịch vụ khách hàng và giảm tác động của hoạt động sản xuất kinh danh đến môi trường, từ đó giành được lợi thế cạnh tranh và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN.

Logistics ngược tại Việt Nam

Tại Việt Nam, đã từ lâu logistics ngược được biết đến dưới dạng một hệ thống quản lý và thu hồi rác thải chính thức do Nhà nước điều hành. Song song với đó là hoạt động thu hồi phi chính thức của tư nhân để gia tăng thu nhập và tìm kiếm, tận dụng phế liệu phục vụ tái sản xuất. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, cùng với chủ trương xã hội hóa công tác môi trường đô thị, tại Việt Nam đã xuất hiện các DN quản lý môi trường. Chức năng quản lý Nhà nước về môi trường và rác thải chuyển sang các DN này, hình thành nên thị trường thu hồi rác thải. Tuy nhiên, hiện nay các DN này chỉ thu hồi và xử lý được một phần nhỏ những sản phẩm loại bỏ và rác thải của các ngành, DN, cửa hàng và hộ gia đình.

Bên cạnh đó, tại các DN Việt Nam hiện nay, logistics ngược mới chỉ tập trung vào việc thu hồi sản phẩm từ khách hàng để đổi trả, sửa chữa, bảo hành hoặc thu hồi bao bì để tái sử dụng. Các DN chưa có nhận thức sâu sắc về vai trò của logistics ngược trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững của DN. Đồng thời, sự hạn chế về trình độ quản lý, sự yếu kém về hệ thống hạ tầng và công nghệ đã khiến cho các DN Việt Nam chưa tổ chức, triển khai và kiểm soát được hoạt động logistics ngược một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Từ thực tế trên cho thấy, phát triển logistics ngược tại Việt Nam là hết sức cần thiết đối với các DN, các ngành cũng như trên bình diện quốc gia; đặc biệt là trong bối cảnh quan điểm phát triển bền vững đã trở thành đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và Việt Nam đã ký kết nhiều cam kết quốc tế về phát triển bền vững như: Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-zôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy…

3 yêu cầu phát triển bền vững ngành nhựa Việt Nam

Riêng đối với ngành nhựa Việt Nam, phát triển logistics ngược là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết hiện nay bởi những lý do cơ bản đây sau:

Thứ nhất, tỷ lệ thu hồi trong dòng logistics ngược rất khác nhau giữa các ngành nghề và lĩnh vực; có thể dao động trong khoảng từ 3% đến 50%. Nhựa là một trong những loại nguyên liệu có khả năng thu hồi, tái chế và tái sử dụng rất cao. Tỷ lệ thu hồi sản phẩm nhựa trung bình ở các quốc gia châu Âu đạt khoảng 54%; đặc biệt tại một số quốc gia có tỷ lệ thu hồi, tái sử dụng sản phẩm nhựa rất cao như Thụy Sĩ (99,7%), Đức (96,7%), Đan Mạch (96,6%), Thụy Điển (95,9%), Bỉ (93,1%), Hà Lan (89,2%). Không những thế, sản phẩm nhựa sau khi sử dụng nếu không có biện pháp thải hồi hợp lý sẽ khó phân hủy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường.

Như vậy, phát triển logistics ngược trong ngành nhựa sẽ góp phần giải quyết cả hai vấn đề thu hồi và thải hồi sản phẩm nhựa một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, nguyên liệu nhựa hiện đang được sử dụng thay thế cho nhiều loại nguyên liệu truyền thống như gỗ, kim loại, silicat ở hầu hết lĩnh vực kinh tế như điện, điện tử, công nghiệp ô tô, xe máy, viễn thông, xây dựng, dân dụng… Do đó, việc thu hồi và tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa không chỉ giúp ngành nhựa có điều kiện giảm chi phí sản xuất và phát triển bền vững mà còn có ý nghĩa với các ngành, lĩnh vực kinh doanh khác có sử dụng sản phẩm nhựa.

Thứ hai, ngành nhựa Việt Nam dù phát triển muộn hơn so với các ngành công nghiệp khác nhưng có mức tăng trưởng cao trong thời gian gần đây. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa liên tục đạt 16% - 18%/năm (chỉ đứng sau ngành viễn thông và may mặc). Bên cạnh đó, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại thị trường nội địa cũng tăng mạnh, từ 30kg/người vào năm 2010 lên 35kg/người năm 2015 và dự báo sẽ tăng lên 45kg/người vào năm 2020. Không những thế, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 159 thị trường trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa năm 2015 đạt trên 2,4 tỷ USD và dự báo đến năm 2020 là 4,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Tiêu dùng trong nước tăng mạnh sẽ dẫn đến tăng phế thải và vấn đề ô nhiễm môi trường. Kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao sẽ khiến cho tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, phát triển logistics ngược để thu hồi, xử lý và tái chế là giải pháp cấp bách giúp ngành nhựa Việt Nam phát triển bền vững.

Thứ ba, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành nhựa Việt Nam hiện nay là sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên liệu nhựa nhập khẩu. Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành nhựa cần 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào và hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác. Dự báo đến năm 2020 số nguyên liệu cần có để phục vụ hoạt động sản xuất sẽ tăng lên 5 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 900.000 tấn/ năm; do đó mỗi năm ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu từ 70% - 80% nguyên liệu. Chính điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm và DN xuất khẩu sản phẩm nhựa khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu đầu vào, một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra là đầu tư phát triển các trung tâm tái chế nhựa phế liệu tập trung cho toàn ngành với mô hình khép kín từ khâu thu gom, chọn lựa, rửa nguyên liệu đến xử lý tái chế; tránh tình trạng nhập khẩu phế liệu tràn lan gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, điều kiện để triển khai thành công mô hình này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các DN ngành nhựa tại Việt Nam trong việc quản lý dòng thu hồi phế liệu nhựa.

Như vậy, yêu cầu phát triển logistics ngược cho ngành nhựa Việt Nam - một ngành có đặc thù riêng và có lợi ích lớn từ hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng - là rất cần thiết trong giai đoạn trước mắt.

Thống kê cho thấy trong khi khối lượng rác thải phát sinh trong cả nước hiện nay ước khoảng 28 triệu tấn/năm với tốc độ tăng 10% năm, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 83 - 85% ở khu vực đô thị và 40 - 50% ở khu vực nông thôn thì tỷ lệ tái chế chỉ đạt khoảng 10-12%; số còn lại không được xử lý và tái sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Logistics ngược và 3 yêu cầu phát triển bền vững ngành nhựa Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO