Logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới

PGS.TS An Thị Thanh Nhàn|18/07/2023 09:31

Thương mại điện tử xuyên biên giới (CBEC) là một loại hoạt động thương mại quốc tế giữa các chủ thể thương mại khác nhau thuộc các khu vực hải quan khác nhau thông qua nền tảng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và logistics xuyên biên giới. Về bản chất, CBEC là một phần mở rộng của quá trình phát triển thương mại điện tử còn gọi là thương mại điện tử quốc tế.

CBEC có nhiều ưu điểm như chi phí giao dịch thấp, tốc độ giao dịch nhanh, nhờ đó, giúp rút ngắn khoảng cách từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng nước ngoài. Sự phát triển của CBEC phá vỡ rào cản giữa các quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới. Giúp các doanh nghiệp thiết lập các mối quan hệ kinh tế và thương mại đa dạng, đạt được sự phân bổ hợp lý các nguồn lực trên phạm vi toàn cầu. Người tiêu dùng có thể mua sản phẩm chất lượng với giá hợp lý và tận hưởng dịch vụ tốt hơn.

buying-clothes-with-virtual-reality-app-smart-phone-choosing-color-size-dress-compressed.jpeg

Sự phát triển của CBEC

CBEC hiện chiếm 10 đến 15% tổng khối lượng thương mại điện tử toàn cầu, dự đoán đến năm 2025, doanh thu CBEC toàn cầu có thể tăng lên từ 250 tỷ - 350 tỷ USD so với mức 80 tỷ USD hiện nay. Châu Á sẽ chiếm khoảng 40% doanh thu CBEC toàn cầu và trở thành trung tâm thương mại điện tử của thế giới. Châu Âu khoảng 25% doanh thu, tiếp theo là Bắc Mỹ với 20%. (H1)

Theo phân tích của Deloitte, châu Á Thái Bình Dương, nơi sinh sống của gần 4,7 tỷ người, tương đương 60% tổng dân số thế giới có sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai gần. Riêng Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2030, đưa khu vực này bước vào kỷ nguyên vàng của thương mại kỹ thuật số trong ba năm tới. Deloitte phân loại thị trường CBEC của khu vực này thành 3 nhóm trên hai khía cạnh: CBEC (60%) và số hóa (40%):

  • »  Thị trường trưởng thành: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.
  • »  Thị trường đang phát triển: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippine.
  • »  Thị trường giai đoạn đầu: Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei.

Việt Nam thuộc nhóm các nước có thị trường CBEC đang phát triển, được đánh giá đang tăng trưởng đều đặn và thực hiện tốt việc số hóa trên hầu hết các khía cạnh. Chi phí logistics cao vẫn là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có tới 61,8% cho rằng thách thức ở khâu kiểm tra thông quan. Điều này cho thấy, hệ thống logistics cho thương mại điện tử là cản trở không nhỏ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam trong hoạt động CBEC.

Theo Bộ Công Thương, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước bán hàng trên Amazon. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói... của Việt Nam rất có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành. Gần đây, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương Mại Trung Quốc, cục thương mại điện tử và kinh tế số chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc jd.com, vinanutrifood, viettel post, vp bank, visa... Để tổ chức xây dựng “gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử jd.com.

Logistics trong CBEC Việt Nam

full-shot-woman-online-shopping-concept-compressed.jpeg

Trong CBEC, hệ thống logistics an toàn và đáng tin cậy là một mắt xích quan trọng để đảm bảo tiến trình thông suốt. Sự phát triển của CBEC cho thấy các vấn đề về logistics ngày càng trở nên nổi bật. Độ tin cậy, khả năng kiểm soát, bảo mật, ổn định, chi phí thấp, thông tin hóa và trí thông minh logistics luôn là những chủ đề nóng trong quá trình phát triển CBEC. Để các thị trường đang phát triển như Việt Nam tiến tới sự trưởng thành, cần phải nỗ lực nhiều hơn về logistics để đảm bảo chất lượng cung ứng và mức chi phí cạnh tranh.

Logistics không chỉ thúc đẩy khả năng hội nhập các nguồn hàng hóa trong và ngoài nước mà còn trực tiếp quyết định tính kịp thời và lợi nhuận của hàng hóa trong thị trường quốc tế. Thông thường, có một số các phương thức logistics chủ yếu được sử dụng trong CBEC:

  • »  Logistics bên thứ ba (3PL), còn gọi là logistics thuê ngoài hoặc logistics hợp đồng, đề cập đến các công ty logistics chuyên nghiệp có tài sản, cung cấp các dịch vụ logistics cho các công ty xuất nhập khẩu.
  • »  Liên minh logistics chỉ mối quan hệ hợp đồng tương đối ổn định và lâu dài giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu có nhu cầu cung cấp dịch vụ logistics.
  • »  Kho hàng ở nước ngoài đề cập đến các cơ sở lưu trữ được thành lập ở nước ngoài. Các doanh nghiệp thương mại điện tử chuyển hàng hóa đến thị trường mục tiêu các nước dưới hình thức vận chuyển hàng rời, thành lập kho bãi, và lưu trữ hàng hóa tại địa phương. Sau đó sắp xếp, đóng gói và phân phối trực tiếp theo đơn đặt hàng tại địa phương.
  • »  Logistics khu vực ngoại quan đề cập đến hoạt động kinh doanh kho bãi, phân phối, vận chuyển, xử lý lưu thông, xếp dỡ, thông tin logistics, thiết kế sơ đồ và các hoạt động kinh doanh có liên quan khác trong khu vực chịu sự giám sát của hải quan, bao gồm khu vực ngoại quan, địa điểm ngoại quan, kho hàng do hải quan giám sát.
high-angle-woman-holding-smartphone-compressed.jpeg

Là thị trường đang phát triển, được đánh giá là nhiều tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá e ngại với CBEC. Ngoài rào cản thường gặp như mặt hàng không đa dạng, chất lượng và thương hiệu chưa nổi bật, khó khăn về ngôn ngữ thì hệ thống logistics là thách thức lớn nhất với những hạn chế sau:

  • »  Cơ sở hạ tầng của hệ thống logistics chưa hoàn thiện. Trong toàn bộ hệ thống logistics, các yếu tố cơ bản về kho bãi, vận chuyển, phân phối chưa hoàn hảo. Kết nối giữa các phương thức vận tải còn lỏng lẻo, thiếu tính hệ thống.
  • »  Sự liên kết giữa các mắt xích của logistics xuyên biên giới còn thiếu tính chuyên nghiệp. Chi phí logistics quốc tế cao, hoạt động khó khăn, các mô-đun kinh doanh phức tạp.
  • »  Số lượng các doanh nghiệp logistics quốc tế, doanh nghiệp chuyển phát nhanh quốc tế tham gia cung ứng dịch vụ logistics xuyên biên giới còn ít nên khó kiểm soát các mắt xích logistics. Khối lượng giao dịch CBEC đang tăng lên hàng năm, nhưng năng lực logistics phục vụ lại thiếu tương ứng. Ví dụ, hiện nay, chuyển phát nhanh quốc tế được sử dụng nhiều nhất trong logistics CBEC, nhưng nếu chỉ dựa vào chuyển phát nhanh quốc tế là không đủ về năng lực và chi phí cao của loại dịch vụ này cũng là một cản trở lớn.
  • »  Chi phí logistics CBEC cao. So với logistics trong nước, CBEC đòi hỏi chi phí cao hơn về kho bãi, phân phối, khai báo hải quan và các liên kết khác. Để đảm bảo mức độ dịch vụ logistics như nhau, doanh nghiệp logistics xuyên biên giới cần phải trả nhiều chi phí hơn. Nếu xuất hiện việc trả hàng thì chi phí trong toàn bộ liên kết logistics sẽ cao hơn nữa. 

Những bất cập trong hệ thống logistics trên đây đã cản trở việc ứng dụng linh hoạt các phương thức logistics CBEC tại Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử chỉ chủ yếu sử dụng các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon trong các giao dịch B2C, hoặc Alibaba cho các giao dịch B2B. Về bản chất, đây là cơ chế thuê ngoài các 3PL vì các thương hiệu lớn này không chỉ là sàn thương mại điện tử mà còn cung cấp các dịch vụ logistics thuần thục và hiệu quả.

images2239386__9__khuyen_khich___nhung_chuyen_hang___do_trong_danh-compressed.jpeg
  1. Theo Bộ Công Thương, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước bán hàng trên Amazon. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói... của Việt Nam rất có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành. Gần đây, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com, Vinanutrifood, Viettel Post, VP Bank, Visa... để tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com. Đây là nền tảng thương mại điện tử quốc tế đầu tiên của các doanh nghiệp Việt giúp phân phối trực tiếp sản phẩm trong nước đến tay người tiêu dùng tại thị trường các nước qua phương thức CBEC. Tuy nhiên xét về lâu dài thì việc xây dựng hệ thống logistics thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu vẫn là giải pháp căn cơ và bền vững. Khi đó các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam mới có cơ hội chọn lựa các phương án logistics CBEC phù hợp nhất cho các lô hàng và giảm thiểu chi phí để tối ưu hóa các quá trình cung ứng cho các thị trường xuất nhập khẩu quốc tế.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO