Bình Liêu mùa thu về trên những vạt cỏ lau
Bình Liêu là huyện miền núi phía đông - bắc tỉnh Quảng Ninh. Vì là vùng núi nằm trên độ cao 700 mét so với mực nước biển, khí hậu khá ôn hoà, cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nên nơi đây được ví như Sa Pa thu nhỏ.
Nằm cách Hà Nội khoảng 270 Km, du khách theo hướng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn, theo hướng Quốc lộ 18 và 18C là đến nơi. Hoặc cũng có thể chọn đi xe máy theo hướng Quốc lộ 1 – Quốc lộ 18 – Tiên Yên, rẽ trái sang Quốc lộ 18C.
Cung đường biên giới phía Tây Bình Liêu với đường đi không quá lắt léo, nhưng lại băng qua núi non trùng điệp, những cánh đồng thơ mộng, cảnh sắc nên thơ đủ để làm say đắm, níu chân du khách. Con đường đi qua những cánh rừng điểm những bông hoa mua tím ngát, những cánh hoa sở nở “trắng như mưa”,...
Đi trên “sống lưng khủng long”, dù thời điểm nào cũng tuyệt đẹp, cánh đồng cỏ tranh, bông lau trắng đong đưa theo từng cơn gió, đứng trước không gian núi non hùng vĩ bao la, trước non xanh diễm lệ của quê hương, đất nước ta bỗng thấy mình nhỏ bé hơn.
Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là người Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa,... Đến với Bình Liêu, du khách sẽ nhận được sự hài hòa trong đa dạng văn hoá, bản sắc của người dân nơi đây. Rồi được dạo chơi ở chợ phiên trung tâm thị trấn hay chợ xã Đồng Văn. Chợ thường họp vào thứ 7 hay chủ nhật hàng tuần, bà con khắp thôn bản mang hàng hoá và nông lâm sản về chợ trao đổi buôn bán. Thưởng thức những đặc sản Bình Liêu như: quả trám, bánh coóc – mò (bánh sừng bò theo tiếng Tày), bánh ngải, phở xào Bình Liêu, cá suối và gà đen,...
Biển vô cực Thái Bình - không gian mênh mang, vô tận
Biển vô cực vốn là bãi biển tại xã Thụy Xuân, Thái Thụy, Thái Bình. Bãi biển có cái tên lạ như vậy là do cộng đồng mạng đặt cho. Khi nhiếp ảnh chụp được hình ảnh những người đi làm buổi sớm trên biển, lúc bình minh hé rạng, cả bãi biển như một tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh sáng hồng, vàng không thấy điểm đầu, điểm cuối, tất cả huyền hồ trong không gian mênh mang, vô tận.
Nơi đây cách Hà Nội khoảng 120 Km. Đường đi đến vùng biển này khá dễ dàng, với nhiều loại phương tiện khác nhau từ ô tô, xe máy, xe khách, chỉ cần di chuyển qua cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoặc qua quốc lộ tới Thụy Xuân, Thái Bình.
Bãi biển ở đây vốn là bãi bồi, dài 7km, nơi đây nước chỉ ngập tới mắt cá chân, người dân thường tranh thủ lúc sáng sớm tới bắt ốc móng tay, bắt ngao. Hình ảnh những người lao động trở nên đẹp đến lãng mạn trong không gian mơ màng của tạo hoá.
Tuy vậy, cũng có một số lưu ý đến du khách khi muốn tới đây nhìn ngắm và chụp những bức ảnh đẹp như cảnh sắc chốn thiên đường. Du khách cần chọn vào ngày thuỷ triều xuống, bởi thuỷ triều dâng cao rất nhanh, lúc đó du khách chỉ có thể ngắm bình minh ló rạng trên biển mà khó để có bức ảnh đẹp.
Thời điểm đầu thu sẽ là thời điểm biển đẹp nhất bởi trời lặng gió, bình minh cũng đẹp, bầu trời cao hơn. Và để chiêm ngưỡng được khoảnh khắc đẹp du khách phải có mặt từ lúc 3-4h sáng và chờ mặt trời lên.
Ngắm mùa hoa chi pâu trên nóc nhà Yên Bái
Tà Chì Nhù (nằm ở khu vực xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) được mệnh danh là “nóc nhà Yên Bái”, “thiên đường mây nơi hạ giới” với chiều cao 2.979 mét. Đây cũng là đỉnh núi cao thứ 7 ở Việt Nam và được du khách chinh phục lần đầu tiên vào năm 2013.
Lên đây, giữa tháng 9 đầu tháng 10, mùa hoa chi pâu nở tím trải rộng khắp các sườn đồi. Loài hoa dại đẹp lạ lùng như trời Âu đó có cái tên cũng độc đáo, bởi người bản địa khi có ai hỏi về loài hoa ấy, họ trả lời “chi pâu” mà theo tiếng H’mông nghĩa là “không biết”, “không hiểu”.
Loài hoa với những chùm nhỏ li ti, vừa có màu tím xen lẫn sắc trắng mong manh bung nở khắp các sườn đồi, mang một màu tím đặc trưng dịu nhẹ, như bức tranh tạo hóa trau chuốt từng đường nét, tinh tế trong cả cách pha màu.
Leo qua cung đường khó khăn, nhiều nguy hiểm, nhưng được đón bình minh trên núi cao, săn những đám mây trắng bồng bềnh, nhìn làn sương tan trong những đoá hoa tím ngắt cũng thật xứng đáng với chặng đường mà du khách vừa vượt qua.