Năm 2022, xúc tiến thương mại góp phần kết nối chuỗi cung ứng

Bảo Hân (tổng hợp)|30/12/2022 20:20

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành Logistics.

Tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường

Theo Bộ Công Thương với nòng cốt là "Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại" được Bộ phê duyệt gồm hơn 100 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng.

Chương trình tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phát triển ngoại thương và phát triển thị trường trong nước theo hướng đa dạng hóa phương thức XTTM, tăng cường các hoạt động mang tính liên kết vùng, miền, qua đó hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương.

61c72871f39418264af7eced88b2bc03_untitled.jpg
Ảnh minh họa

Nổi bật như các hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm cấp vùng, tổ chức các chương trình kết nối giữa nhà cung ứng với các nhà xuất khẩu, tổ chức XTTM cấp vùng do Bộ Công Thương điều phối, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch luân phiên tổ chức các đề án cấp vùng cụ thể.

Nhiều hội chợ, triển lãm trong nước với quy mô lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ như: Hội chợ Thương mại quốc tế lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022), Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm (Vietnam Foodexpo 2022)… Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các Chương trình hội chợ triển lãm uy tín và có quy mô lớn tại nước ngoài như: Triển lãm Thế giới World Expo Dubai, Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2022, Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm SIAL Paris, Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Seoul 2022, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN 2022, Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2022...

Đặc biệt, với vai trò là đầu mối của Bộ Công Thương, Cục XTTM đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng tổ chức Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022 nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - EU.

Bên cạnh các hoạt động trên, Cục XTTM đã tổ chức và phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm các chương trình giao thương, hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, logistics... tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EVFTA, CPTPP, Nam Á, châu Phi,...

Xuyên suốt trong năm 2022, hàng loạt phiên tư vấn xuất khẩu đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến cung cấp thông tin liên quan đến các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng (lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ, sản phẩm công nghiệp…) của các thị trường trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ….

Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 7/2022 chuỗi chương trình giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng được tổ chức nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường, phục vụ công tác tham mưu, tư vấn chính sách và điều hành hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.

Tại thị trường trong nước, với mục đích kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa, Cục XTTM đã đề xuất và trình Lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt tổ chức Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022” từ ngày 15/11/2022 đến 22/12/2022 trên phạm vi toàn quốc.

Chương trình là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Công Thương đã đề ra, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.

Nhằm tiếp tục phát triển Thương hiệu quốc gia, tăng cường nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2022 Cục XTTM đã tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 với 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

"Năm 2023, Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại (DECOBIZ) sẽ được đưa vào ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi mong muốn toàn bộ hệ thống xúc tiến thương mại cố vấn cho địa phương ứng dụng rộng rãi DECOBIZ để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến thương mại”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết.

Tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội từ EVFTA

Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…

z3991792534185_4892f3f6592919285643929e9fcad34f_aee55.jpg
Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn

Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Những kết quả tích cực nói trên cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA”- Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh đánh giá và thông tin thêm, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây, có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Điều đó cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã “đơm hoa kết trái”.

Dư địa để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU là rất lớn, tuy nhiên, để tăng tính bền vững khi xuất khẩu vào thị trường này, cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề chất lượng. Cụ thể, cần kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu vào thị trường này....

Theo đánh giá của các chuyên gia các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan. Thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Bài liên quan
  • Gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam
    Thời gian qua, Ủy ban châu Âu cảnh báo “Thẻ vàng” đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu, gián tiếp tác động đến đời sống, sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, xúc tiến thương mại góp phần kết nối chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO