IUU và con đường hội nhập quốc tế của thủy sản
Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) là quy định về chống đánh bắt hải sản IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành tại Quy định số 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 01/10/2010. Mục tiêu của IUU là nhằm thiết lập một thống trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU.
Theo Uỷ ban châu Âu, hoạt động đánh bắt cá IUU là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Ước tính hoạt động đánh bắt cá IUU chiếm tới 19% tổng sản lượng cá đánh bắt trên thế giới hàng năm. Phần lớn các hoạt động đánh bắt cá IUU diễn ra ở các nước đang phát triển.
EU hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, đồng thời cũng có các nhà sản xuất, chế biến, buôn bán và xuất khẩu thủy sản lớn, với mạng lưới trao đổi khắp các châu lục. Năm 2007, EU đã nhập gần 16 tỉ Euro các sản phẩm thủy sản. Ước tính hàng năm, EU nhập khoảng 1,1 tỉ Euro các sản phẩm đánh bắt cá có được từ hoạt động IUU. Điều đó có nghĩa là: EU là thị trường tiềm năng cho các tổ chức, cá nhân đánh bắt IUU.
Nguyên nhân của đánh bắt IUU là do: thiếu cơ chế kiểm soát, truy nguyên nguồn gốc khiến các sản phẩm đánh bắt thuộc diện IUU dễ dàng được chuyển hoá qua thị trường EU.
Từ những lý do trên, việc xây dựng, ban hành và thực hiện Quy định IUU là cần thiết; thể hiện trách nhiệm của EC đối với cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá IUU.
Mốc thời gian trước 31/3/2023
Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 393/TB-VPCP ngày 27/12/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thông báo nêu rõ: Kết quả chống khai thác IUU sau 05 năm bị EC cảnh báo "Thẻ vàng" đã có sự tiến bộ, được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không khắc phục sớm thì không những không gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" mà nguy cơ còn diễn biến phức tạp. Các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan cần xác định rõ nhiệm vụ gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" không phải chỉ để đối phó với EC mà vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, của quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững.
Vì vậy, các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan; đặc biệt là cấp xã/phường/thị trấn phải nhất quán tư tưởng, quan điểm trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ người dân để cùng thực hiện có kết quả mục tiêu chung gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC.
Cụ thể, các bộ ngành, địa phương phải huy động hệ thống chính trị vào cuộc theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm; kịp thời động viên, khen thưởng và kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các trường hợp không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.
Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật thủy sản (lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), cấp giấy phép khai thác thủy sản…), đồng thời kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và tình hình thực tế đời sống, sinh kế của người dân để từ đó đề ra các giải pháp căn cơ tạo sinh kế, công ăn việc làm bền vững cho người dân, chuyển đổi nghề giảm thiểu phụ thuộc vào nghề khai thác thủy sản; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.
Thực thi pháp luật phải triển khai đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, giữa các tỉnh, huyện, xã, phường và lực lượng chức năng liên quan; tuyên truyền vận động để người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt phải xử lý hình sự đối với các hành vi có tổ chức để môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo văn bản, Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan và các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có kết quả thật, không quan liêu, hình thức, tập trung hành động quyết liệt, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU) khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC đến tháng 5 năm 2023, trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; tổ chức các Đoàn công tác liên ngành đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU tại các địa phương, kịp thời hướng dẫn khắc phục các tồn tại, hạn chế; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU kết quả thực hiện.
Xử lý dứt điểm hành vi tổ chức đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp và đảm bảo xuất khẩu thủy sản không vi phạm quy định chống khai thác IUU là những yêu cầu của Chính phủ.