Nâng cao kỹ năng số, yêu cầu cấp bách của các doanh nghiệp logistics

Thành Nam |13/08/2023 14:39

Tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế, điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0...

Tại Tọa đàm với chủ đề: "Nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics - gắn kết hiệu quả với đào tạo...", do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) tổ chức hôm qua (12/8) tại TP.HCM, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho rằng tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế, điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics.

le-duy-hiep.jpg
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới. Ảnh: VALOMA

"Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới. Để đối phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và trang bị nhân lực với kỹ năng số trở nên vô cùng quan trọng. Kỹ năng số đã trở thành yếu tố không thể thiếu của nguồn lao động, có vai trò quyết định trong việc phát triển chuyên môn trong hiện tại và trong tương lai", ông nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, Ông Thomas Cassuto, Phó Chủ tịch, Giám đốc Châu Á của Flexport khẳng định tầm quan trọng của việc tối ưu hóa và số hóa chuỗi cung ứng trong ngành Logistics. Ông đã giới thiệu về Nền tảng Flexport, một công cụ quản lý toàn diện được sử dụng để theo dõi lô hàng, báo giá, đặt chỗ và thậm chí tính toán lượng khí thải carbon. Đây là một bước quan trọng trong việc tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chuỗi cung ứng.

Trong môi trường ngày càng cạnh tranh và phức tạp, Flexport cung cấp tầm nhìn và kiểm soát toàn diện qua Tháp Kiểm soát Chuỗi Cung ứng (Supply Chain Control Tower). Ông đã nhấn mạnh rằng Nền tảng Flexport cung cấp một nền tảng kết nối cho tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng. Điều này cho phép quản lý thời gian thực của lô hàng, tồn kho trong hành trình và thậm chí cung cấp dịch vụ cấp độ mới thông qua mạng lưới toàn bộ hệ thống.

Một điểm nổi bật là khả năng tích hợp với hạ tầng hệ thống hiện tại bằng cách sử dụng API hoặc EDI. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng kết nối và triển khai nền tảng Flexport mà không gặp khó khăn. 

Ông Cassuto cũng nêu rõ vai trò của các nguồn nhân lực với kỹ năng số trong việc đưa ngành logistics tiến lên phía trước. Ông đã giới thiệu về khả năng vượt biên giới của Flexport, tạo ra một môi trường đa văn hóa và đa ngôn ngữ, từng bước xây dựng đội ngũ tài năng với nguồn gốc từ các lĩnh vực khác nhau như vận tải, tư vấn và công nghệ.

Ông Cassuto tôn vinh tư duy giải quyết vấn đề số hóa trong Flexport thông qua các sự kiện như "SuperHack", một hoạt động tập trung hợp tác của các phát triển viên, nhân viên vận hành và kinh doanh để xây dựng giải pháp phần mềm cho các vấn đề quan trọng trong chuỗi cung ứng. Ông Cassuto đã đưa ra sự khác biệt của Flexport trong việc giải quyết những thách thức khó nhất trong ngành logistics, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành này trong tương lai.

Về Tự động hóa và Robot hóa (Automation and Robotics), ông Phạm Nam Long – Tổng giám đốc và nhà sáng lập, Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam Long nêu lên tầm quan trọng của việc áp dụng tự động hóa và robot hóa trong quá trình vận hành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Việc sử dụng các robot và hệ thống tự động giúp tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý hàng hóa.

ky-nang-so.jpg
Các doanh nghiệp logistics đang rất quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng số. Ảnh: VALOMA

Đại diện Công ty cổ phần Logistics U&I, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin, chia sẻ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chuỗi cung ứng tiên tiến, cung cấp dịch vụ đa dạng như đại lý thủ tục hải quan, kho vận và phân phối hàng hóa, vận tải đường bộ, đường biển và hàng không quốc tế. 

Theo ông những thành tựu nổi bật bao gồm việc số hóa toàn bộ dịch vụ, liên tục cải tiến sản phẩm công nghệ và sử dụng các giải pháp phần mềm bên ngoài để tối ưu hóa hệ sinh thái. Logistics U&I cũng đã xây dựng đội ngũ IT riêng để phát triển các giải pháp.

Ông Cường đã nêu ra những thách thức như nguồn nhân lực, năng lực số của nhân sự và rào cản tâm lý trong giai đoạn chuyển đổi số. Công ty đã sử dụng các hệ thống như WMS (Giải pháp Quản trị Kho) để giảm nhân sự vận hành, TMS (Giải pháp Quản trị Vận Tải) để tối ưu hóa vận chuyển và ONP (Giải pháp cho Đại lý Thủ Tục Hải Quan) để tăng năng suất xử lý thủ tục hải quan và quản lý tốt hơn quy trình kế toán.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng ban Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đề cập kết quả khảo sát do Viện thực hiện tháng 7/2023 về kỹ năng số trong lĩnh vực logistics. Kết quả cho thấy về việc thực hiện các chính sách và quy trình để đào tạo nhân viên về kỹ năng số và chuyển đổi số thì hơn 86,2% các doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện CĐS. Qua đó, có thể cho thấy rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số và đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó hơn 63% DN cho rằng cần hợp tác với các CSĐT để nâng cao kỹ năng số cho HR.

ky-nang-so-1.jpg
Cần phát triển môi trường học tập số. Ảnh VALOMA

Đại diện của VLI trong cho thấy khi khảo sát các cơ sở đào tạo vào tháng 7/2023 về việc làm thế nào để nâng cao kỹ năng số cho sinh viên hiện nay, hơn 67% cơ sở đào tạo (CSĐT) cho rằng cần phát triển môi trường học tập số, hơn 70% CSĐT nhận định cần chú trọng hỗ trợ giảng viên cập nhật xu hướng công nghệ cũng như chú trọng đầu tư phần mềm để SV được thực hành với hơn 82.5%, cần phải có một chiến lược để xây dựng chương trình học đa dạng và linh hoạt (77.5% CSĐT chọn), tập trung vào công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, cần phải có kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường-hiệp hội/doanh nghiệp-tổ chức Quốc tế (chẳng hạn VLA/VLI-VALOMA-AUS4SKILLS-USAID) để phát triển chương trình đào tạo tích hợp ứng dụng chuyển đổi số phù hợp; kết hợp với huấn luyện giảng viên và sinh viên làm quen với các ứng dụng “Số hoá”.

"Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để phát triển chương trình đào tạo phù hợp, và kết hợp việc đào tạo với huấn luyện giảng viên và sinh viên trong việc làm quen với công nghệ số", ông Nguyễn Thắng Lợi chia sẻ. Ông cũng đề xuất nghiên cứu tích hợp công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo trong quá trình đào tạo, đồng thời tập trung vào việc định hướng đào tạo về phương pháp làm việc mới....

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kỹ năng số, yêu cầu cấp bách của các doanh nghiệp logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO