VILOG2023 và những giải pháp tối ưu trong hoạt động Logistics

Ngô Đức Hành |12/08/2023 14:08

Diễn đàn đã tạo điều kiện để các bên liên quan cùng trao đổi, kết nối, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển kỹ năng số và đảm bảo rằng nguồn nhân lực trong ngành logistics sẽ luôn đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (tên viết tắt VILOG) được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD. VILOG diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10 đến 12/08/2023, thu hút hơn 10.000 khách tham dự ngay trong ngày đầu tiên.

w.jpg
VILOG là một sự kiện quan trọng đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam có một triển lãm dành riêng cho ngành dịch vụ logistics. Ảnh: Fb Trần Thanh Hải.

Đây là một cơ hội vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong và ngoài nước, cũng như các cộng đồng liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng để gặp gỡ, hợp tác, tư vấn và chọn lựa những giải pháp tối ưu trong hoạt động của mình.

Theo Ban Tổ chức, trong khuôn khổ Triển lãm, vào lúc 9h tới 11h30 ngày 12/8/2023 diễn ra Diễn đàn Đào tạo nguồn nhân lực Logistics Việt Nam - Lần thứ III; do VLA và Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) tổ chức. Diễn đàn với chủ đề: Nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics - gắn kết hiệu quả với đào tạo, là điểm hẹn kết nối giữa các doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Tọa đàm có sự góp mặt của hơn 170 đại biểu tham dự.

Tại Tọa đàm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA đã nhấn mạnh vai trò nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics, và lưu ý rằng tỷ lệ nhân lực được đào tạo đáp ứng thực tế vẫn còn hạn chế, điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa của công nghệ số, ngành logistics đối mặt với cơ hội và thách thức mới. Để đối phó và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và trang bị nhân lực với kỹ năng số trở nên vô cùng quan trọng. Kỹ năng số đã trở thành yếu tố không thể thiếu của nguồn lao động, có vai trò quyết định trong việc phát triển chuyên môn trong hiện tại và trong tương lai.

Các đại biểu dự Tọa đàm đã được nghe bốn bài thảo luận quan trọng về những vấn đề quan trọng: “Công nghệ và xu hướng công nghệ đang ảnh hưởng đến ngành logistics và chuỗi cung ứng”; “Thực trạng và kinh nghiệm trong việc đào tạo và huấn luyện kỹ năng số cho nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam”.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Ông Thomas Cassuto, Phó Chủ tịch, Giám đốc Châu Á của Flexport khẳng định tầm quan trọng của việc tối ưu hóa và số hóa chuỗi cung ứng trong ngành logistics. Ông đã giới thiệu về “Nền tảng Flexport, một công cụ quản lý toàn diện được sử dụng để theo dõi lô hàng, báo giá, đặt chỗ và thậm chí tính toán lượng khí thải carbon”. Đây là một bước quan trọng trong việc tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Ông Cassuto cũng nêu rõ vai trò của các nguồn nhân lực với kỹ năng số trong việc đưa ngành logistics tiến lên phía trước.

Ông Phạm Nam Long – Tổng giám đốc và nhà sáng lập, Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam đã thảo luận về các xu hướng công nghệ đang thay đổi ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, với sự nhấn mạnh đặc biệt vào các công nghệ: “Tự động hóa và Robot hóa (Automation and Robotics)”, “IoT và Theo dõi thời gian thực”; “Dữ liệu lớn và Phân tích dữ liệu”, “Blockchain trong tính minh bạch”, “Trí tuệ nhân tạo và Học máy (AI and Machine Learning)”, “Các đổi mới trong giao hàng chặng cuối”, “Các sáng kiến về bền vững”.

Ông đã trình bày một cái nhìn sâu rộng về cách công nghệ và chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi đáng kể trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp cái nhìn rõ ràng về những cơ hội và thách thức mà các xu hướng này mang lại.

Đại diện Công ty Cổ Phần Logistics U&I, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin đã có những chia sẻ về công ty Logistics U&I, với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chuỗi cung ứng tiên tiến, cung cấp dịch vụ đa dạng như đại lý thủ tục hải quan, kho vận và phân phối hàng hóa, vận tải đường bộ, đường biển và hàng không quốc tế. Công ty còn là đối tác của hơn 20 hãng tàu và 16 hãng hàng không, phục vụ hàng chục ngàn container nhập – xuất hàng hóa hàng năm.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng ban Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, đã thảo luận về tình trạng huấn luyện và đào tạo kỹ năng số cho nhân lực ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam....

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương, việc Việt Nam lần đầu tiên có một triển lãm quốc tế logistics với quy mô lớn là một một dấu ấn trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. “Đây là một hoạt động không thể thiếu để ngành dịch vụ logistics Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, kết nối, giới thiệu mình với thế giới; là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp”, ông cho biết.

w5.jpg
VILOG diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10 đến 12/08/2023 thu hút hơn 10 nghìn khách tham dự. Nguồn: Fb Trần Thanh Hải

Ở phiên thảo luận với chủ đề “Kết nối doanh nghiệp - cơ sở đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành logistics”, có sự tham gia của PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI)- Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP. HCM đảm nhận vai trò điều phối.

Trong phiên thảo luận, những câu hỏi quan trọng đã được đặt ra và trao đổi xoay quanh các vấn đề như các khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong việc nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành logistics, những giải pháp giúp nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành logistics cũng như những giải pháp giúp kết nối doanh nghiệp – cơ sở đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực ngành logistics.

Tại diễn đàn, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và  Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đã công bố Bộ tiêu chuẩn nghề và tiêu chuẩn kỹ năng nghề (OS-OSS) đối với vị trí công việc Nhân viên giao nhận hàng nguy hiểm. Tài liệu được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện và phù hợp để sử dụng tại doanh nghiệp trong việc đánh giá, đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động cũng như sử dụng tại cơ sở giáo dục trong việc thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo và người lao động có thể dựa vào đó để tự đánh giá cũng như hoàn thiện kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bế mạc tọa đàm, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đã chia sẻ những kết luận quan trọng và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Bà cho biết rằng, thông qua những thảo luận sâu rộng và trao đổi ý kiến đa chiều, chúng ta đã nhận thức rõ hơn về những thách thức và cơ hội mà ngành logistics đang đối mặt trong quá trình chuyển đổi số.

Diễn đàn đã tạo điều kiện để các bên liên quan cùng trao đổi và chia sẻ rõ hơn về việc kết nối doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển kỹ năng số và đảm bảo rằng nguồn nhân lực trong ngành logistics sẽ luôn đáp ứng được sự phát triển của công nghệ.

Bài liên quan
  • Diễn đàn "Nâng cao kỹ năng số cho nhân lực ngành logictics"
    Thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 DN trong nước và khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics, Amazon Global selling… Các DN logistics có quy mô vừa và nhỏ, trong đó 89% là DN Việt Nam, 10% DN liên doanh và 1% là DN 100% vốn nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
VILOG2023 và những giải pháp tối ưu trong hoạt động Logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO