Ngành logistics Việt Nam năm 2022: Điểm sáng và hy vọng

Ngô Đức Hành (tổng hợp)|08/12/2022 19:16

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự “lên ngôi” của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng.

Thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự “chuyển mình” mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics.


Chưa năm nào, Logistics lại trở thành chủ đề của nhiều hội thảo, diễn đàn như năm nay. Trước hết là Diễn đàn "Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SEA Logistic Partners (SLP Việt Nam) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/10. Sau đó là Diễn đàn “Logistics Việt Nam 2022” lần thứ 10 được Bộ Công thương tổ chức trong 2 ngày 25 và 26/11 tại Hải Phòng. Diễn đàn “Logistics Việt Nam 2022” có sự tham dự của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy TP.Hải Phòng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Tham dự Diễn đàn tại Hải Phòng còn có khoảng 500 đại biểu đến từ các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp dịch vụ logistics, cơ sở đào tạo - nghiên cứu, cơ quan truyền thông và các đơn vị có liên quan. Xin nói thêm, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện này. Các doanh nghiệp này quan tâm tới giải pháp của Việt Nam để đảm bảo vai trò logistics trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ toàn cầu khi mà địa chính trị, xung đột vũ trang, có tính thường xuyên không dự báo được...

Điều này cho thấy sự hấp dẫn của "đề tài" Logistics trong "đời sống kinh tế" hiện nay.

Cơ sở của hy vọng bứt phá

Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5% song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 với tổng ngân sách quốc nội (GDP) sau 9 tháng năm 2022 đạt mức 8,83%.


Thống kê trên cả nước hiện có 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong số đó, hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logististics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Đồng thời, có 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

tc.jpg
"Tàu cập cảng" của tác giả: Đỗ Thái Sơn, Giải Nhất Cuộc thi ảnh "Logistics Việt Nam – Những góc nhìn" (lần I – năm 2018). Nguồn: Internet

Theo danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 mới được công bố, các doanh nghiệp được xếp theo 4 hạng mục gồm: Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022- nhóm ngành Giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 - nhóm ngành Vận tải hàng hóa; Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 - nhóm ngành Khai thác cảng; Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 - nhóm ngành Chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối. Kết quả năm nay cho thấy, ngoài hạng mục Top 5 công ty khai thác cảng vẫn là những cái tên quen thuộc còn các hạng mục khác đều có sự đổi ngôi khá ngoạn mục.

3616_logistic.jpg
Biến động doanh thu của doanh nghiệp logistics niêm yết trong giai đoạn 2019-2022. Nguồn: báo Hải Quan

Sự “lên ngôi” của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng.


Cùng với đó, xu hướng bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam với một số ông lớn như Shopee, Lazada, Tiki... đã trở thành cơ hội đầy tiềm năng để các tập đoàn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kho vận hiện đại đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển chuỗi cung ứng.


Bên cạnh đó, e-Logistics đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Logistics hiện đại trên thế giới hiện nay đã phát triển đến loại hình 4PL (Chuỗi logistics) và 5PL (E-logistics, logistics trên nền thương mại điện tử).


Những yếu tố kể trên cho thấy, cơ hội để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nắm bắt xu hướng, mở rộng hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... và các cơ quan chức năng xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ.
Bởi dù là một ngành nhiều tiềm năng nhưng thực tế, phần lớn các doanh nghiệp logistics của ta có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Sự thiếu liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như thiếu tính kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics đã làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.


Cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới... gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Dù vậy, đang bị hạn chế ngay trên chính sân chơi của doanh nghiệp Việt khi chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.


Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm logistics của hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ 1 ngành hoặc 1 vùng kinh tế.


Chủ động bắt kịp xu hướng


Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới, cần có giải pháp và tầm nhìn tổng thể, định hình hướng đi mới để bắt kịp với xu hướng thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế-xã hội trong những năm tới đây.


Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.


Theo đó, VCCI và các hội, hiệp hội xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng các chương trình đào tạo hỗ trợ chuyển đổi số và phân tích kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số.


Hướng đến triển khai những nhiệm vụ trên, VCCI cũng đã thành lập Nhóm công tác về logistics gồm các thành viên trong Ban chấp hành VCCI.


Đồng thời, kiến nghị thành lập Tổ công tác liên Bộ GTVT và Bộ Công Thương để rà soát tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành logistics khi đề xuất các chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình chi phí logistics “leo thang” và thiếu hụt về số lượng container nghiêm trọng năm 2021.

Mới đây, VCCI đã hợp tác cùng VLA khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022. Từ kinh nghiệm của PCI, VCCI sẽ đồng hành cùng VLA triển khai LCI đem đến một “bức tranh” chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.


Từ đó, giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, LCI là công cụ đắc lực để phản biện chính sách-một trong bốn trụ cột xây dựng nên hệ thống logistics Việt Nam, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.


Công ty SLP Việt Nam từng đánh giá, nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao, còn khá nhiều doanh nghiệp logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nhu cầu về vị trí kho vận tiệm cận khu vực nội đô (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), cũng như nhu cầu xây dựng kho vận quy chuẩn theo hệ thống toàn cầu ngày một tăng cao.


Hơn thế nữa, hệ thống cung cấp các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa trong quản lý, tự động hóa trong vận hành vẫn là khái niệm mới mẽ. Trong khi nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam, nhưng thị trường logistics, nhất là thương mại điện tử đặt ra nhiều bài toán vận hành tối ưu hơn, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.


Điều này đặt ra cho nhiều doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam nhu cầu thay đổi và "chuyển mình" theo xu hướng không thể đảo ngược với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, mô hình quản trị ngày càng chuyên nghiệp.


Theo Vietnam Report những chiến lược ưu tiên mà doanh nghiệp logistics cần thực hiện trong một vài năm tới. Đó là mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số; tăng cường đào tạo nhân viên để phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đây là 3 chiến lược xuyên suốt trong 2 năm trở lại đây và đã chứng minh được tính hiệu quả.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho logistics xanh để giúp doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của mình. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, gần 90% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp; 84,2% số doanh nghiệp có thể xác định các rủi ro và cơ hội bằng cách thực hiện chiến lược phát triển bền vững; 52,6% cho rằng khách hàng coi trọng các hành động phát triển bền vững mà doanh nghiệp có thể đạt được.

Bài liên quan
  • Bước tiến mới trong quản lý Nhà nước về dịch vụ logistics
    Như tin đã đưa, từ 1/12/2022, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động ngành logistics. Và với Nghị định 96, các doanh nghiệp tin tưởng rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới thông qua sự quản lý, dẫn dắt của Bộ Công Thương.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ngành logistics Việt Nam năm 2022: Điểm sáng và hy vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO