Ngành mía đường: Cần tái cơ cấu để hội nhập

10/05/2018 08:04

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Mới chỉ vài tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp (DN) ngành mía đường đã lo lắng cho một năm nhiều “sóng gió”. Thách thức lớn của ngành mía đường trong năm nay là giải quyết lượng đường tồn kho và phải đương đầu cạnh tranh với đường ngoại nhập khi Việt Nam (VN) thực hiện các cam kết về thương mại, hạn ngạch thuế quan sẽ được xóa bỏ.

(Vietnam Logistics Review) Mới chỉ vài tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp (DN) ngành mía đường đã lo lắng cho một năm nhiều “sóng gió”. Thách thức lớn của ngành mía đường trong năm nay là giải quyết lượng đường tồn kho và phải đương đầu cạnh tranh với đường ngoại nhập khi Việt Nam (VN) thực hiện các cam kết về thương mại, hạn ngạch thuế quan sẽ được xóa bỏ.

Vì sao tồn kho lớn?

Vụ sản xuất mía đường 2017 - 2018, tổng diện tích mà 41 nhà máy đường trên cả nước ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 248.930ha, tăng hơn 30.000ha so với niên vụ trước. Theo kế hoạch sản xuất, sản lượng mía ép niên vụ 2017 - 2018 khoảng 15 triệu tấn; sản lượng đường đạt 1,42 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 600.000 tấn. Thách thức lớn của ngành mía đường trong năm 2018 là giải quyết lượng đường tồn kho và phải đương đầu với sự cạnh tranh của đường ngoại nhập, khi VN thực hiện các cam kết về thương mại, hạn ngạch thuế quan sẽ được xóa bỏ.

Niên vụ 2016 - 2017, diện tích mía đạt khoảng 219.000ha, thấp nhất từ năm 2010 đến nay. Năng suất mía có tăng, đạt 62,6 tấn/ha (trước đây đặt mục tiêu đạt 80 tấn/ha vào năm 2010) nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Trữ lượng đường bình quân cả nước ở mức thấp đạt 9,72%, dẫn đến sản lượng đường thấp hơn so với niên vụ 2015 - 2016. Tuy vậy, hết quý III/2017, lượng đường tồn kho tại các nhà máy khoảng 500.000 tấn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dự kiến năm 2018 tổng nguồn cung đường cả nước khoảng 1,7 triệu tấn, tồn kho đầu năm hơn 280.000 tấn và phần còn lại cho nhập khẩu.

Hiện nay, Nhà máy đường Cần Thơ đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang tồn kho 30.000 tấn đường, UBND tỉnh này đã giải cứu bằng cách phân chia cụ thể số lượng đường cần phải mua tới cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành trong tỉnh. Lý do là khách hàng đang chờ đợi lượng đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan. Với 14.000ha, Hậu Giang là địa phương có diện tích mía lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sức tiêu thụ đường trong nước chậm là do thời gian gần đây bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đường gian lận thương mại. Những năm trước đây, đường lậu Thái Lan đi vào VN chủ yếu qua khu vực biên giới Tây Nam, thì hiện nay, tình hình này đang lan rộng trên cả nước. Các trùm buôn lậu đường hiện đã mở rộng địa bàn sang các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước và ra tới khu vực biên giới giáp Lào, nhất là khu vực Quảng Trị đến Nghệ An.

Chưa chịu hội nhập

Hiện nay ở ĐBSCL, điều đáng lo ngại là do lợi nhuận từ cây mía ổn định, nên có nhiều hộ nông dân đốn bỏ cây ăn trái chuyển sang trồng mía. Trong đó, có một số diện tích cây ăn trái đang ở giai đoạn sung sức, chuẩn bị cho trái. Nếu chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương buông lỏng công tác quản lý để người dân mở rộng diện tích mía một cách ồ ạt, thì đến lúc nào đó cung sẽ vượt cầu, các nhà máy đường Cần Thơ, Sóc Trăng,... sẽ lâm vào cảnh thừa nguyên liệu. Khi đó, cảnh mía “đứng đồng”, người trồng mía không thu hoạch buộc phải đốt bỏ như niên vụ mía 2003 - 2004 có nhiều khả năng lặp lại.

Điều dễ nhận thấy, nhiều năm qua, ngành mía đường vẫn cứ theo lối làm ăn cũ mà không chịu hội nhập. Năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản xuất cao so với các nước trong khu vực và thế giới là những tồn tại và bất lợi của ngành mía đường khi thực hiện cam kết với Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo lộ trình, sau năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Do vậy, ngành mía đường đang lo lắng trước những thử thách khi đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực, nhất là từ Thái Lan với giá rẻ hơn đường VN. Thực tế này đòi hỏi ngành mía đường phải tổ chức lại sản xuất để tồn tại, phát triển nếu không muốn thất bại trên sân nhà, khi phải cạnh tranh với những sản phẩm đường của các quốc gia trong khu vực và thế giới.

VN hiện có quan hệ với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký hiệp định thương mại với 61 nước và thỏa thuận đối xử tối huệ quốc với 68 quốc gia. Trong bối cảnh VN tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia và thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới, việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ mía đường có ý nghĩa rất quan trọng. Từ nhiều năm qua, chuỗi liên kết này được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của 4 nhà: DN, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước. Điều này nhằm tạo sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến, cũng như thiết lập mối quan hệ bền vững hơn giữa “4 nhà”, tạo nguồn cung nguyên liệu cho thị trường một cách chủ động và ổn định. Nhưng nghịch lý vận hành vẫn liên tục diễn ra. Cụ thể, niên vụ 2016 - 2017, một số vùng không thực hiện trồng mía theo đúng quy hoạch, quy hoạch còn chồng chéo không ổn định, thiếu đầu tư liên kết với nông dân, các nhà máy tranh mua tranh bán nguyên liệu. Giá thành sản xuất đường còn cao do giá mía nguyên liệu cao, giá nhân công cao do thiếu lao động. Chính vì vậy, Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) đã kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết.

Cần tái cấu trúc để thích ứng với hội nhập

Điều dễ nhận thấy là càng “dung dưỡng”, thì ngành đường dễ đi vào “vết xe đổ”, không chịu tái cấu trúc để hoạt động tốt hơn. Trong thời hội nhập, ngành mía đường phải tự vận động cạnh tranh với thế giới, chứ không thể cứ xin bảo hộ, bao cấp mãi. Càng bảo hộ lâu thì người tiêu dùng, các DN chế biến thực phẩm càng chịu thiệt vì tiếp tục phải mua đường với giá cao, trong khi chỉ làm lợi cho các nhà máy đường.

Thực tế cũng cho thấy, ngành mía đường VN vẫn có thể cạnh tranh, nếu chấp nhận đương đầu với sóng gió thị trường. Tuy nhiên, ngành cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia sân chơi thương mại rộng lớn, cạnh tranh công bằng dựa trên những yếu tố về chất lượng và giá thành.

1 tấn đường VN sản xuất cao gấp 2,5 lần so với Brazil, gấp đôi so với Thái Lan. Nguyên liệu trong giá thành đường tại VN vào khoảng 13.000 đồng/kg, trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg...

Thực trạng nhiều năm qua, ngành mía đường không cải thiện được năng suất là do diện tích trồng mía manh mún, khiến việc cơ giới hóa trong canh tác còn rất hạn chế dẫn đến thu nhập của nông dân và lợi nhuận của DN không cao. Theo tính toán, nếu áp dụng cơ giới hóa trong canh tác, có thể giảm 20% chi phí sản xuất và tăng năng suất đường trên mỗi ha lên 15% - 20%. Trong khi yếu tố sản xuất mía trên cánh đồng đang quyết định hơn 80% giá thành đường, thì những yếu kém về giống mía, diện tích nhỏ lẻ không thể cơ giới hóa trong sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh của mía đường VN... Do vậy, giảm giá thành để cạnh tranh, quan trọng nhất là phải giảm giá thành mía nguyên liệu. Muốn giảm giá thành mía nguyên liệu, thì phải hướng đến sản xuất tập trung hàng hóa chứ không phải sản xuất tiểu nông như bây giờ. Hiện nay, 1 tấn đường VN sản xuất cao gấp 2,5 lần so với Brazil, gấp đôi so với Thái Lan. Nguyên liệu trong giá thành đường tại VN vào khoảng 13.000 đồng/ kg, trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg...

Câu chuyện giải cứu đường tồn kho do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang kêu gọi nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức trong tỉnh hưởng ứng, ủng hộ tiêu thụ lượng đường tồn kho nhằm giúp cho DN cũng như ngành mía đường vượt qua khó khăn vào cuối tháng 2.2018, đã đi vào lối mòn của cơ chế xin – cho, chứ không theo bài toán kinh doanh của nền kinh tế thị trường. Các DN mía đường phải tìm cách giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới hy vọng có thể tồn tại sau thời điểm năm 2018. Việc làm này không những chống lại đường nhập lậu, mà là bước chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường theo cam kết với Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO.

Điều cần thiết hiện nay là phải tổ chức nông dân trồng mía theo vùng quy hoạch, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng những công nghệ để đạt năng suất chất lượng mía cao đủ sức cạnh tranh. Muốn vậy, từng DN mía đường, Hiệp hội Mía đường VN, cũng như các quan chức ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học Công nghệ cũng phải có sự điều chỉnh, nhất là tăng tính liên kết, phát triển chuỗi gắn với nông dân và thị trường trên cơ sở này đầu tư công nghệ, phân công cụ thể trong chuỗi giá trị.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ngành mía đường: Cần tái cơ cấu để hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO