Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (VILOG) được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD với sự hỗ trợ tích cực của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Sự kết hợp giữa Hiệp hội mang tầm quốc gia trong ngành logistics và nhà tổ chức chuyên nghiệp với kinh nghiệm và mạng lưới đối tác sâu rộng kỳ vọng sẽ tạo nên một sự kiện giúp thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, đồng thời tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics.
Triển lãm VILOG 2023 quy tụ với các nhóm ngành hàng và dịch vụ chính: Vận tải, giao nhận; Dịch vụ và thiết bị kho bãi/nhà xưởng; Đóng gói và Chuỗi cung ứng lạnh; Ứng dụng công nghệ logistics.
Theo Ban tổ chức, tính đến hiện tại, VILOG 2023 đã nhận được đăng ký tham gia của hơn 150 doanh nghiệp với trên 200 gian hàng đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ: Bỉ, Ba Lan, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Malaysia, Nga, Singapore, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam.
Một số thương hiệu nước ngoài nổi bật như: KARL GROSS LOGISTICS cung cấp dịch vụ logistics đường biển, đường hàng không và giải pháp logistics được cá nhân hóa cho từng doanh nghiệp; NIPPON EXPRESS chuyên về giải pháp tích hợp các phương thức vận tải khác nhau trên toàn thế giới; UPR - nhà sản xuất kệ chứa hàng, pallet, thiết bị logistics đến từ Nhật Bản, SWISSLOG - Sản phẩm và hệ thống hậu cần tự động; FESCO - Công ty hàng đầu về vận chuyển container qua vùng Viễn Đông của Nga thông qua các tuyến đường biển quốc tế đến từ các nước Châu Á, các tuyến vận chuyển đường biển và đường sắt.
Cùng với đó là sự góp mặt của các thương hiệu uy tín của Việt Nam trong ngành logistics như: Tân Cảng Sài Gòn - chuyên kinh doanh khai thác cảng, dịch vụ logistics và các ngành kinh tế biển…; VICONSHIP - sở hữu và khai thác hệ thống cảng lớn tại Hải Phòng và Đà Nẵng, dịch vụ kho vận và phân phối, vận tải container đường bộ...; VINAFCO - cung cấp dịch vụ quản lý kho hàng đầu Việt Nam với hơn 35 năm kinh nghiệm. Các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp trong ngành hội chợ triển lãm như TRADELINKS cũng góp mặt tại VILOG năm nay.
Một trong những phân ngành kỳ vọng sẽ tạo sức hút nổi bật tại VILOG 2023 là các giải pháp công nghệ logistics. Bên cạnh đó, tại VILOG 2023, khách tham quan sẽ tiếp cận các ứng dụng công nghệ logistics mới nhất; từ khâu quản lý, lưu thông hàng hóa nhằm tăng cường năng lực vận chuyển, đón đầu nhu cầu tăng cao của thị trường và nâng tầm trải nghiệm của khách hàng.
Các doanh nghiệp công nghệ sẽ giới thiệu sản phẩm dịch vụ tại VILOG 2023 như: AFR Solutions - giải pháp điện toán đám mây hàng đầu cho hoạt động quản trị logistics, chuỗi cung ứng và thương mại; AHAMOVE - OnWheel, phần mềm quản lý giao hàng chuyên nghiệp...
Đặc biệt, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023 sẽ được tổ chức đồng thời gian và địa điểm với Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm, Đồ uống và Bao bì đóng gói lần thứ 27 (Vietfood & Beverage - Propack). Mối giao thoa giữa hai triển lãm ngành F&B và Logistics sẽ tạo thành chuỗi liên kết gia tăng hiệu quả thương mại, đa dạng hóa nguồn cung ứng, thúc đẩy cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nội và ngoại khối.
Chuỗi sự kiện sẽ có quy mô trên 1.000 gian hàng trưng bày, các diễn đàn/ hội thảo chuyên đề tổ chức trong khuôn khổ sự kiện, dự kiến thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, chào đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan giao dịch trong 3 ngày triển lăm.
Trước thềm sự kiện, Ban tổ chức sẽ tổ chức Tọa đàm giới thiệu Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG 2023) vào ngày 11/5/2023 với sự tham dự của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Công ty VINEXAD, Thương hội Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông và các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các phóng viên báo chí.
* Ngành logistics phát triển giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm chi phí lưu thông và phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư ra nước ngoài.
Từ nay tới năm 2030, mỗi năm cả nước cần khoảng 20.000 lao động chất lượng cao ngành logistics. Tới 2030, cả nước cần khoảng 2 triệu lao động ngành logistics. Trước nhu cầu nhân lực của ngành logistics Việt Nam, các chương trình đào tạo về logistics đang có xu hướng phát triển nhanh trong những năm gần đây.
* Theo số liệu thống kê tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2022, nước ta hiện có gần 50 trường đại học có đào tạo ngành logistics ở các mức độ khác nhau. Tại một số trường, điểm chuẩn của ngành logistics thường ở mức cao như ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, trường Đại học Thương mại… Điều này phản ánh nhu cầu của xã hội nói chung, nhu cầu của các doanh nghiệp nói riêng về cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực logistics.