Theo báo cáo của Sở Công thương Nghệ An, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 2,54 tỷ USD, tăng 4,56% so với năm trước, vượt 8,03% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,19 tỷ USD, tăng 3,6% và vuợt 9,44% kế hoạch. Năm 2022, Nghệ An là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 28/63 tỉnh, thành trên cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2021, cụ thể: Hàng dệt may đạt 457,8 triệu USD, tăng 11,5%; linh kiện điện thoại đạt 390,6 triệu USD, tăng 16,3%; dăm gỗ đạt 303 triệu USD, tăng 66,1%; hàng thủy sản đạt 91,5 triệu USD, tăng 21,9%; giày dép các loại đạt 62,7 triệu USD, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2021…
Về thị trường xuất khẩu, năm 2022, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa đi trên 133 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh so với năm 2021, tiêu biểu như Trung Quốc đạt 580,8 triệu USD, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tăng 15,1%; Hàn Quốc đạt 321,8 triệu USD, tăng 30,6%; Hoa Kỳ 233,4 triệu USD, tăng 18,6%; Đài Loan 164,7 triệu USD, tăng 27,2%… Đặc biệt, một số thị trường xuất khẩu mới trong năm như Burkina Faso, Saotome và Principe, Costa Rica, Guinea Xích đạo…
Năm 2022, đã có trên 360 doanh nghiệp (bao gồm 200 doanh nghiệp nội tỉnh và 160 doanh nghiệp ngoại tỉnh) tham gia xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An. Trong đó, có 12 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 30 triệu USD, 22 doanh nghiệp đạt trên 20 triệu USD. Ước tính, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 3,8% so với dự toán trình HĐND tỉnh điều chỉnh và bằng 81,7% so với thực hiện năm 2021.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất khẩu cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Ngành công thương đã thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật về thị trường, chính sách, rào cản thương mại, các chính sách hỗ trợ… kết nối tích cực với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua nền tảng số Zalo, thường xuyên trao đổi, cập nhật kịp thời các thông tin về thị trường, nhu cầu sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu, chia sẻ kinh nghiệm về xuất khẩu…
Tuy có sự tăng trưởng trong năm 2022 nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại Nghệ An chưa thực sự vững chắc và hiệu quả chưa cao. Hàm lượng giá trị tăng trong hàng hóa còn chiếm tỷ lệ thấp; mặt hàng xuất khẩu tuy đa dạng nhưng quy mô còn nhỏ bé, còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước (như tinh bột sắn, hạt tiêu, sản phẩm gỗ…); hoạt động tổ chức xúc tiến xuất khẩu tại nước ngoài chưa thực hiện theo yêu cầu đề ra…
Dự báo trong năm 2023, hoạt động xuất khẩu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục đứng truớc một số khó khăn, thách thức như nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, nguy cơ suy thoái của một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU… Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở các thị trường, tình hình dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề… sẽ tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh Nghệ An các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh về vấn đề xúc tiến đầu tư; tăng cường nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng xuất khẩu, kịp thời thông tin để các doanh nghiệp ứng phó, chủ động điều chỉnh. Ngoài ra, các vấn đề về công tác đào tạo, tập huấn các quy định, chính sách trong lĩnh vực xuất khẩu, nguồn vốn, nguồn lao động chất luợng cao và cơ sở hạ tầng logistics… cũng được các đại biểu quan tâm đề cập.
Để đạt được mục tiêu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 2,87 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 2,5 tỷ USD, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đề nghị ngành Công thương tiếp tục phát triển nguồn hàng xuất khẩu. Trong đó, rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất chế biến nông nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An, chú trọng doanh nghiệp FDI trong sản xuất các mặt hàng có hàm luợng giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tập trung vận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu… Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba…
Các sở, ngành thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập quốc tế và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết về xuất khẩu hàng hóa. Ông Lê Hồng Vinh cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hãy cùng nhau hỗ trợ, học tập phát triển để có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức thời kỳ hội nhập.