Nghi Sơn (Thanh Hóa) phát triển du lịch xanh, bền vững

Thành Nam (tổng hợp) |30/03/2023 06:41

Để đưa du lịch thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, Nghi Sơn đã và đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch du lịch biển, trong đó chú trọng việc thực hiện quy hoạch khu du lịch Hải Hòa và khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn.

Khai thác bền vững tiềm năng, thế mạnh

Nghi Sơn là một thị xã trẻ, mới được thành lậptheo Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thị xã Nghi Sơn có diện tích 455,61 km², dân số năm 2019 là 307.304 người, mật độ dân số đạt 674 người/km². Địa hình của thị xã thuộc loại bán sơn địa, bao gồm những hang động, đồng bằng và đường bờ biển dài. Thị xã cũng có một số hòn đảo nhỏ, 3 cửa lạch, 2 cảng biển lớn. Nghi Sơn không chỉ được cả nước biết đến với Khu kinh tế Nghi Sơn mà còn là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh du lịch.

Trong các nguồn tài nguyên du lịch phong phú, du lịch biển, đảo được xác định là sản phẩm thế mạnh, kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh. Nhiều năm qua, du lịch trên địa bàn Thị xã có nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là khu du lịch biển Hải Hòa và khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn. Cùng với đó, nhiều khu, điểm du lịch mới trên địa bàn thị xã cũng được xúc tiến, kêu gọi nhiều dự án đầu tư như: khu du lịch sinh thái biển phường Tân Dân, phường Hải Lĩnh, phường Ninh Hải, phường Hải Ninh, khu du lịch hồ Hao Hao - chùa Am Các...

Biển Hải Hòa. Video: Ngô Đức Hành

Thị xã ngày càng chú trọng đầu tư phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng biển, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch, khuyến khích thực hiện đầu tư các dự án du lịch đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư... Đồng thời, kiểm tra, xử lý vi phạm về giá cả dịch vụ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự tại các điểm đến trên địa bàn thị xã...

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, Thị ủy Nghi Sơn đã ban hành Chương trình phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 328-QĐ-TU ngày 13/1/2020). Trên cơ sở đó, UBND thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện cụ thể.

Để đưa du lịch thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, Nghi Sơn đã và đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch du lịch biển, trong đó chú trọng việc thực hiện quy hoạch khu du lịch Hải Hòa và khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn. Đồng thời huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch sinh thái hồ Hao Hao - chùa Am Các. Mặt khác, nhằm tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch, thị xã sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng văn minh, lịch sự, thân thiện, mang tính đặc trưng tại các trọng điểm như: Hải Hòa, Ninh Hải, Hải Lĩnh, Tân Dân, Nghi Sơn - đảo Mê. Thị xã đã thành lâp tổ quản lý tại khu du lịch Hải Hòa... từng bước tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch đẹp, thiết lập kỷ cương, nền nếp trong hoạt động du lịch.

Hạ tầng kỹ thuật khu vực biển Hải Hòa; xây dựng và triển khai đề án sắp xếp, quản lý, tổ chức các dịch vụ du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước ở tất cả các điểm đến trên địa bàn thị xã, cấm các hoạt động bán hàng rong, chèo kéo du khách, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Đối với công tác quản lý quy hoạch, thị xã kiên quyết đề xuất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án du lịch vi phạm quy định về đầu tư, gây lãng phí tài nguyên du lịch, phá vỡ quy hoạch chung... bảo đảm phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp.

Theo mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, thị xã Nghi Sơn phấn đấu đến năm 2025 đón được trên 1 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế đạt 300 nghìn lượt), doanh thu từ du lịch đạt 1 nghìn tỷ đồng trở lên. Cùng với đó, toàn thị xã sẽ có từ 170 cơ sở lưu trú du lịch trở lên (trong đó 20% được xếp hạng từ 2 đến 5 sao), với 75% lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch qua đào tạo... Hướng tới phát triển du lịch Nghi Sơn trở thành điểm đến năng động, hấp dẫn đối với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Gắn du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Là mảnh đất có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững, thị xã Nghi Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

img_20230329_134543.jpg
Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ

Theo thống kê, trên địa bàn thị xã có 248 di sản văn hóa vật thể, gồm 32 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh, 216 địa điểm di tích đã được kiểm kê bảo vệ. Ngoài ra, thị xã còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống, trong đó phải kể đến lễ hội Quang Trung.

Thị ủy Nghi Sơn xác định: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân là cơ sở quan trọng để khai thác phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, bên cạnh việc bố trí nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, Thị xã còn chủ động kêu gọi xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, đồng thời tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn. Qua đó làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ, tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị; gắn kết việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch.

Đến nay, Thị xã đã phối hợp triển khai đầu tư tu bổ, tôn tạo được 9 di tích gồm: Đền thờ Lương Tuyên Quang, Di tích Phủ Tuế, Đền thờ các tiến sĩ họ Lương, Từ đường họ Nguyễn Hữu, Đền thờ Lê Trương Lôi, Lê Trương Chiến, Đền làng Lê, Đền Khánh Trạch - Chùa Thiên Vương, Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, Đền thờ Thần Trấn Đông... Tổng kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gần 30 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách Nhà nước là 20,6 tỷ đồng còn lại là các nguồn huy động hợp pháp khác. Song song với đó, thị xã đã triển khai thành lập, kiện toàn ban quản lý di tích; xây dựng quy chế hoạt động, nhằm bảo tồn, phục dựng, chống thất truyền các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Trò diễn nấu cơm thi (xã Hải Nhân); Hát kể nhật trình đường biển; hát khúc, hát trống vả và tín ngưỡng hầu đồng; Lễ hội Cầu Ngư (xã Hải Thanh, Hải Bình). Thị xã cũng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa di sản văn hóa phi vật thể trò diễn nấu cơm thi (xã Hải Nhân) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; biên soạn và xuất bản cuốn di tích và danh thắng thị xã Nghi Sơn...

Cùng với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, Thị xã còn phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có để tạo ra những sản phẩm mới về du lịch, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nghi Sơn (Thanh Hóa) phát triển du lịch xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO