Nguồn nhân lực do các trường đại học, cao đẳng cung cấp không đủ về số lượng cũng như không đảm bảo về chất lượng chuyên môn. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng nhân lực logistics của Việt Nam đến năm 2025 là khoảng 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, trong số khoảng 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics. Do vậy để đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành logistics đạt mức 15-20%/ năm cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn và khả thi cho ngành logistics.
Nghịch lý vừa thiếu vừa thừa
Rất nhiều ý kiến cho rằng ngành logistics đang thiếu nhân lực nghiêm trọng, cung không đủ cầu và kỳ vọng các trường đại học, cao đăng tăng cường đào tạo để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên cần nhìn nhận một thực tế rằng ngành logistics đang thiếu nhân lực có chuyên môn chất lượng cao, giỏi nghiệp vụ, có kiến thức chuyên sâu về quản trị logistics và chuỗi cung ứng trong khi đó lại thừa nhân lực logistics đảm nhận các công việc chuyên môn đơn giản như kho hàng, kiểm đếm, thủ tục hải quan... Phần lớn doanh nghiệp logistics Việt nam đều là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao không nhiều. Các doanh nghiệp loại hình này có quy mô nhân sự trung bình từ 10-20 nhân viên, do hạn chế về khả năng tài chính nên thường ít đầu tư sâu về công nghệ. Chính vì quy mô nhỏ như vậy nên phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ cần sử dụng nhân viên có kiến thức cơ bản về ngoại thương, giao nhận, vận tải, kho hàng chứ không có nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao vì không đủ khả năng trả lương. Ngược lại các doanh nghiệp logistics lớn tại Việt Nam đang vận hành loại hình logistics 5PL, e-commerce lại thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, giỏi kiến thức về công nghệ chuyên ngành logistics để vận hành hệ thống. Thực tế việc đào tạo trong nhà trường hiện nay cũng rất hạn chế về loại hình logistics này vì đây là loại hình mới, giáo trình chưa được cập nhật thường xuyên.
Hiện ngành logistics Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm cách khắc phục nghịch lý thừa thiếu nhân lực theo cách đào tạo tại chỗ. Phần lớn các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực các ngành có liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu,vận tải, hàng hải, ngoại ngữ, kinh tế... sau đó tiến hành đào tạo lại theo cách cầm tay chỉ việc. Cách làm này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ, không cần nhân viên có chuyên môn sâu.
Một thực trạng đáng lo ngại là các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu là những doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động logistics, nằm trong số 1,2 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics nói trên ít quan tâm đến công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực phụ trách mảng logistics.
Phần lớn các doanh nghiệp này sử dụng nhân viên các phòng ban có liên quan: kinh doanh, xuất nhập khẩu, sản xuất... kiêm nhiệm phụ trách công việc logistics trong khi đó kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài cho thấy thông thường các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu đều tổ chức các phòng ban logistics, chuỗi cung ứng riêng để tự tổ chức hoạt động logistics của doanh nghiệp mình hoặc điều phối hoạt động logistics thuê ngoài. Đây là một cách làm chuyên nghiệp vì vậy nếu tổ chức theo mô hình này, số lượng nhân viên, cán bộ quản lý logistics càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn.
Cần có chính sách đặc thù
Để cải thiện tình hình nguồn nhân lực logistics vừa thừa vừa thiếu như phân tích ở trên cần có những chính sách cụ thể cho từng nhóm lao động hoạt động trong lĩnh vực logistics thay vì đề ra các chính sách chung cho toàn bộ nguồn nhân lực của ngành logistics. Cụ thể như sau:
Đối với nhóm lao động giản đơn, không đòi hỏi kỹ năng, chuyên môn cao thì có thể sử dụng nguồn nhân lực ở các ngành nghề có liên quan như vận tải, ngoại thương, hàng hải, xuất nhập khẩu, ngoại ngữ đào tạo lại thông qua các khóa học ngắn hạn hoặc đào tạo tại chỗ (On the Job Training-OJT) để nhân viên nhanh chóng nắm bắt nghiệp vụ và có thể làm việc được ngay sau một thời gian ngắn đào tạo. Nguồn nhân lực loại này rất đông đảo và dồi dào nên đủ khả năng cung cấp cho các doanh nghiệp logistics nhỏ và siêu nhỏ, có nhu cầu nhân lực ít, không cần chuyên môn cao.
Đối với nhóm nhân viên, chuyên gia đòi hỏi chuyên môn cao: Đây là nguồn nhân lực chủ yếu cho các doanh nghiệp logistics hoạt động theo hình thức 5PL, e-commerce nên cần có chiến lược phối hợp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, đội ngũ giảng viên cần chú trọng vào các doanh nhân có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics để chương trình đào tạo mang tính thiết thực, hiệu quả.
Đối với đội ngũ giảng viên chuyên ngành logistics và chuỗi cung ứng: Cần được đào tạo chuyên sâu, đào tạo ở nước ngoài thay vì sử dụng giảng viên các ngành có liên quan tham gia giảng dạy như hiện nay vì thực tế logistics có thể coi là một ngành công nghiệp, dịch vụ đặc thù nên cần đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản về lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng, cập nhật công nghệ thường xuyên thì chất lượng giảng dạy mới bảo đảm yêu cầu nguồn nhân lực đầu ra chất lượng cao cho ngành logistics. Nếu không xây dựng một đội ngũ giảng viên mạnh, có chất lượng cao, kiến thức sâu rộng về lĩnh vực logistics thì vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics sẽ là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động logistics ở trung ương và địa phương cũng cần phải được đào tạo thêm các kiến thức về lĩnh vực logistics để đội ngũ này có thể tham mưu tốt cho lãnh đạo các cấp về chiến lược phát triển nguồn nhân lực logistics của ngành và địa phương mình.
Cuối cùng, để có thể thực hiện được các chính sách trên một cách hiệu quả cần sự hỗ trợ rất lớn về phía chính phủ trong việc hoạch định chiến lược và đặc biệt là nguồn tài chính để các doanh nghiệp logistics, các cơ sở giáo dục có nguồn kinh phí thực hiện việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có như vậy mới có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 15-20% như Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng chính phủ đề ra trong giai đoạn từ năm 2020-2025.