Khái quát nguồn nhân lực logistics
Trong xu hướng toàn cầu hóa và ứng dụng ngày càng sâu rộng các thành tựu của cuộc CM 4.0, sự cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên bình diện thế giới, khu vực và quốc gia. Đặc biệt khi mà ASEAN đã có thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau trong 8 lĩnh vực ngành nghề (dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch) và sẽ được di chuyển tự do trong khu vực. Việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/02/2017 về việc “Phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025” đã xác định “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” và “đến năm 2023, các trường đại học nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về logistics, thành lập khoa logistics. Công nhận chuyên ngành đào tạo logistics là những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Điều này cho thấy việc phát triển ngành logistics, trong đó đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics có một vai trò rất quan trọng và có tính cấp bách.
Hiện nay, theo số liệu thống kê năm 2020 tính đến 31/12 hàng năm, số lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực logistics là 3,01 triệu người, trong đó lĩnh vực vận tải, kho bãi trên 688 nghìn người, còn số lao động thuộc lĩnh vực logistics từ 15 tuổi trở lên hiện đã trên 9 triệu người. Trên cơ sở các số liệu thống kê, theo dự báo của chúng tôi (chỉ tính cho các doanh nghiệp), đến năm 2030, số lao động trong lĩnh vực logistics lên tới 11,6 triệu người, trong đó lĩnh vực bán buôn, bán lẻ... là 8,8 triệu người; vận tải, kho bãi 2,3 triệu người và thông tin truyền thông gần 0,5 triệu người; đến năm 2045, số lao động logistics 14,4 triệu người, trong đó lĩnh vực bán buôn, bán lẻ... 10,7 triệu người; vận tải kho bãi 3,1 triệu người còn ngành thông tin truyền thông trên 0,6 triệu người, chưa tính số lao động logistics cho TMĐT và TMDĐ. Điều này cho thấy nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực logistics trong thời gian tới là rất lớn.
Đến nay cả nước có khoảng 60 trường đại học đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trong đó trên 50 trường đã tuyển sinh. Tuy nhiên theo Quyết định của Bộ giáo dục và Đào tạo (tháng 10/2020) với mã số 7510605, thì ngành logistics lại nằm trong nhóm ngành đào tạo quản lý công nghiệp? Còn theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, Logistics được xác định với mã số 52292 nhưng chỉ bao gồm “hoạt động lập kế hoạch, tổ chức và hỗ trợ vận tải, kho bãi và phân phối hàng hóa”. Hình như Bộ KH&ĐT và Tổng cục Thống kê chỉ coi logistics là phần cung ứng “thuần túy” hay lưu thông, phân phối “thuần túy”. Nếu vậy, các quy định về logistics trong Luật thương mại và Nghị định 163/2017/NĐ-CP ban hành về kinh doanh dịch vụ logistics cần phải bổ sung và xem xét lại cho phù hợp.
Điều này làm cho chúng ta dễ hiểu hơn khi mà rất nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về logistics, thậm chí còn cho rằng logistics chỉ đơn thuần là các công việc về dịch vụ giao nhận, vận tải nên không quan tâm đứng mức nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực. Ngay cả trong giới làm nghề logistics cũng chưa nhìn nhận đúng về công việc của mình đang làm, phần lớn chưa thấy được vai trò, vị trí của logistics trong xã hội. Một phần khác bắt nguồn từ sự yếu kém trong việc chủ động của các doanh nghiệp logistics khi tham gia vào thị trường lao động và thường chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt hơn là kế hoạch phát triển lâu dài... Hơn nữa, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một nguồn số liệu thống kê chính thống về số lao động logistics trong các doanh nghiệp cũng như nhu cầu lao động liên quan đến lĩnh vực logistics trong nền kinh tế quốc dân... và vẫn chưa xác định rõ ràng hoạt động kinh tế thuộc lĩnh vực logistics bao gồm những hoạt động nào (hay là chỉ hoạt động kinh tế nằm ngoài 5229: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải) nếu theo như Quyết định số 27/ QĐ-TTg ngày 6/7/2018 về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Tình hình đào tạo nguồn nhân lực logistics
Thực tế nguồn nhân lực logistics Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hạn chế do chưa nhận thức thống nhất về logistics và chưa có sự quan tâm đúng mức từ chính sách đến quá trình đào tạo. Là một lĩnh vực mang tính liên ngành, chuyên nghiệp cao, có tính quốc tế, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics cần được đào tạo một cách có hệ thống và phải được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết.
Nhưng thực tế, nguồn nhân lực logistics thiếu và yếu là một trong những “nút thắt cổ chai” cản trở sự phát triển và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và các địa phương. Số lao động trong lĩnh vực logistics hiện nay chủ yếu được đào tạo tại các trường đại học kinh tế và ngoại thương, lại được đào tạo theo diện quá rộng, các môn học về logistics mới được phát triển nên còn chung chung, chưa có lý thuyết nền tảng và nghiệp vụ chuyên sâu... Ngoài ra, nhân sự làm việc trong lĩnh vực logistics vẫn còn thiếu cả kiến thức về ngoại ngữ, tin học và thiếu hiểu biết đầy đủ về luật pháp quốc tế... trong khi logistics lại là lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật tổng hợp có tính quốc tế nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hệ thống logistics quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cũng như những thách thức mà ngành logistics đang gặp phải về nguồn nhân lực logistics ở cả khía cạnh số lượng và chất lượng mà trong thời gian qua Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã có nhiều giải pháp tích cực để cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics và giải pháp đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để hóa giải khó khăn này. Các cơ sở đào tạo, các hiệp hội đã và đang mở nhiều khóa học ngắn hạn, dài hạn với nhiều hình thức đào tạo đa dạng như chính quy, bồi dưỡng, đào tạo tại doanh nghiệp... để góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho ngành, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực nhằm đáp ứng sự phát triển logistics. Tuy vậy, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế:
» Thiếu các chương trình đào tạo, giáo trình logistics bài bản, cập nhật: Giáo trình, tài liệu tham khảo ngành logistics hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với các ngành học khác. Mặc dù hiện tại, trên thị trường đã có một số tài liệu tham khảo tiêu biểu như “Phát triển dịch vụ logistics ở nước ta trong tiến trình hội nhập quốc tế” (NXB CTQG 2012), “Logistics - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam (NXB ĐHKTQD, 2011), “Một số vấn đề về phát triển bền vững hệ thống logistics ở nước ta trong hội nhập và phát triển (NXB LĐ-XH 2013) hay Giáo trình Quản trị logistics (NXB LĐ-XH 2018)... do GS.TS Đặng Đình Đào và Cộng sự làm chủ biên... Nhiều trường đại học cũng đã nghiên cứu và xuất bản nhiều giáo trình với khung chương trình đào tạo của mỗi trường như: Quản trị hậu cần (NXB Đại học Kinh tế Quốc dân); Quản trị logistics kinh doanh (Đại học Thương mại); Logistics và vận tải quốc tế; Vận tải và giao nhận trong ngoại thương (Đại học Ngoại thương)... Tuy nhiên, so với yêu cầu nghiên cứu, đào tạo logistics, các giáo trình, tài liệu tham khảo về logistics vẫn còn hạn chế, học viên phải tham khảo thêm nhiều tài liệu nước ngoài trong khi còn khó khăn về tài liệu và ngôn ngữ...
» Chất lượng đào tạo và chương trình đào tạo nguồn nhân lực logistics chưa thực sự gắn với thực tiễn hoạt động logistics: Chương trình đào tạo nguồn nhân lực logistics của các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học còn nặng hàn lâm, diện quá rộng mà thiếu sự chuyên sâu vào các kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể. Hơn nữa môi trường đào tạo tại các trường đại học Việt Nam vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại một cách đại trà như hiện nay. Điều này làm cho chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, rất nhiều đơn vị sau khi tuyển dụng đều phải đào tạo lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, với một lĩnh vực đặc thù mang tính liên ngành và quốc tế rất cần tới khả năng ngoại ngữ, môi trường thực tiễn nhưng trong các chương trình đào tạo hầu như vẫn chưa được nhiều trường chú trọng. Vì vậy, tỷ lệ sinh viên Việt Nam tốt nghiệp được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp logistics có uy tín và Chi nhánh các tập đoàn logistics đa quốc gia... vẫn còn thấp, gặp nhiều khó khăn.
» Đội ngũ giảng viên logistics thiếu và chưa được đào tạo đúng chuyên ngành: Logistics là ngành mới với khá nhiều cơ sở đào tạo hiện nay. Như đã trình bày ở trên, mặc dù số lượng các cơ sở tham gia đào tạo bậc đại học về logistics tăng lên rất nhanh trong thời gian gần đây, thậm chí có cả Hiệp hội các trường đại học có đào tạo logistics, Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam nhưng đào tạo sau đại học, đặc biệt là NCS về logistics vẫn còn rất hạn chế ở Việt Nam. Đây là nguyên nhân làm cho lực lượng nghiên cứu, giảng dạy logistics vẫn đang thiếu và mỏng. Một số giảng viên trẻ, kinh nghiệm thực thực tế chưa nhiều lại chưa được đào tạo hệ thống về logistics. Còn các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu chuyên sâu về logistics vẫn còn rất ít, các giảng viên chủ yếu là các chuyên gia từ ngành khác chuyển sang giảng dạy, ít có sự nghiên cứu thâm niên chuyên sâu logistics.
» Thiếu bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp và kiến thức chuyên môn cho nguồn nhân lực logistics: Theo Khoản 3, Điều 3 của Luật việc làm số 38/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2013, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được định nghĩa là những “quy định về kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành và khả năng ứng dụng kiến thức, năng lực đó vào công việc mà người lao động cần phải có để thực hiện công việc theo từng bậc trình độ kỹ năng của từng nghề”. Như vậy, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là các tiêu chí về khả năng, năng lực của người lao động cần phải có để thực hiện các công việc theo quy định của từng ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, liên hệ đối với ngành logistics đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, bộ chứng chỉ nghề...