Theo Dân Trí, ngay sau khi đặt chân tới bang Sao Paulo của Brazil nhân chuyến thăm chính thức nước này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer, chiều 23/9 theo giờ địa phương (sáng 24/9 giờ Việt Nam).
Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer được thành lập năm 1969, hiện là nhà sản xuất máy bay thương mại lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau hãng Boeing và Airbus. Đơn vị này có thế mạnh trong sản xuất máy bay dưới 130 chỗ ngồi.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Embraer đã bàn giao cho hãng hàng không Bamboo Airways 5 máy bay dòng E190.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm khu trưng bày các dòng máy bay và cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại của Embraer, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Francisco Gomes Neto, chia sẻ đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Theo ông, thị trường hàng không Việt Nam phù hợp với các dòng máy bay sẵn có của tập đoàn, đặc biệt phù hợp với các chặng bay ngắn và số lượng hành khách không quá lớn.
Lãnh đạo Tập đoàn Embraer mong nhận được hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong quá trình tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Đồng thời, Tập đoàn cam kết sẵn sàng triển khai các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại Việt Nam, cũng như cung cấp các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hàng không.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vận tải hàng không có nhiều lợi thế để việc phát triển hàng không trở thành xu thế của thời đại, như thuận tiện, nhanh chóng với giá cả ngày càng hợp lý.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ngành hàng không trong nước phát triển rất nhanh trong thời gian qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng nhu cầu du lịch và các hoạt động thương mại, đầu tư. Việt Nam hiện đã có nhiều hãng hàng không hoạt động.
Thủ tướng đánh giá cao các sản phẩm tàu bay thương mại của Embraer về mức độ an toàn khai thác, thân thiện với môi trường. Ông cho rằng các loại tàu bay thương mại thế hệ mới của Tập đoàn có thể là giải pháp giúp các hãng hàng không Việt Nam vừa phát triển đội tàu bay vừa đảm bảo hiệu quả khai thác và an toàn bay.
Tin vào tương lai rộng mở của thương mại hàng không giữa Việt Nam và Brazil, Thủ tướng đề nghị Embraer mở rộng hợp tác, đầu tư để phát triển hệ sinh thái kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam.
Ngoài việc tiếp tục tiếp xúc, trao đổi với các hãng hàng không của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh và nghiên cứu tham gia cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tham gia đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không, cung cấp các khóa đào tạo chuyên môn ngắn/dài hạn cho cán bộ trong ngành hàng không Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Embraer có thể hỗ trợ Việt Nam các giải pháp công nghệ để giúp nâng cao năng lực quản trị trong lĩnh vực hàng không, tăng cường tự động hóa, hỗ trợ dự báo và ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động quản lý bay.
Embraer là tập đoàn hàng không toàn cầu có trụ sở chính tại Brazil. Embraer chuyên sản xuất máy bay cho mục đích thương mại, quân sự và nông nghiệp. Tập đoàn cũng cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ sau bán hàng thông qua mạng lưới đơn vị và đại lý ủy quyền trên toàn cầu.
Ngoài ra, Embraer cũng sở hữu các khu lắp ráp, văn phòng, trung tâm dịch vụ và phân phối phụ tùng trên khắp châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Âu.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1969, Embraer đã cung cấp hơn 8.000 máy bay cho các thị trường trên toàn cầu. Trung bình cứ 10 giây lại có một chiếc máy bay được sản xuất bởi Embraer cất cánh, vận chuyển hơn 145 triệu lượt khách mỗi năm.
* Trưa 23/9 (giờ địa phương), từ New York (Hoa Kỳ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế São Paulo, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Chuyến thăm, sẽ mở ra những định hướng mới trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Brazil.
* Brazil có tiềm năng là cửa ngõ để Việt Nam đi vào các thị trường khu vực Mỹ Latinh, còn Việt Nam là cánh cửa để Brazil vào ASEAN và các nước châu Á. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mới nổi như chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng mới, chuyển đổi số, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực... đều là những lĩnh vực mà hai nước có sự tương đồng về quan điểm và có thể vừa học hỏi lẫn nhau, vừa trợ giúp cho nhau để cùng giải quyết những vấn đề liên quan, tận dụng cơ hội, cùng phát triển.
Nguồn: Dân Trí và VGP