Thủ tướng đề xuất 5 nhóm giải pháp trước những yếu tố khủng hoảng toàn cầu

Bảo Hân (tổng hợp) |23/09/2023 10:29

Theo VGP, chiều 22/9 (theo giờ địa phương), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78.

img4437-1695427656260953720888.jpg
Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm - Ảnh: VGP

Bài phát biểu có chủ đề "Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển".

Với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", bằng sự kiên trì, cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác, và được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hoà giải sau chiến tranh vì sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của Liên Hợp Quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới, mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân.

Đánh giá về những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho rằng thế giới hiện đang ẩn chứa những yếu tố khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc, và về nguồn lực. Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trên thế giới là phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương; ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển.

Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm.

Thứ nhất là lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng, trong đó các nước lớn đóng vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan toả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm.

Thứ hai là giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, ủng hộ Kế hoạch thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững; đồng thời, cần lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập.

Thứ ba là giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động; không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư là cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các Hiệp định thương mại tự do, cải tổ các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế.

Thứ năm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hoá, đa phương hoá; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; và sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của Liên Hợp Quốc, trong đó có đẩy mạnh tham gia gìn giữ hoà bình, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

5b1cdea117dd78662a6e5793e4e8adc6-16954345766661215165646.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch ĐHĐ LHQ khoá 78 Dennis Francis . Ảnh: VGP

* Cũng theo VGP, phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 Việt Nam và 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khoá 78 Dennis Francis chúc mừng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh của Việt Nam; cho rằng sau 78 năm giành độc lập, Việt Nam đã đổi thay, phát triển phi thường, từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình và năng động với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

* Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 Việt Nam và 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam ngày nay là một trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Việt Nam ngày nay sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế, kể những câu chuyện mới về một đất nước hòa bình, ổn định; về một dân tộc cần cù, siêng năng, năng động, sáng tạo, đầy khát vọng–những câu chuyện về một Việt Nam độc lập, tự chủ, là người bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nguồn: VGP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng đề xuất 5 nhóm giải pháp trước những yếu tố khủng hoảng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO