Nhà thơ Trần Chấn Uy và "triết lý làng"

Nhà thơ Ngô Đức Hành |26/08/2022 10:46

"Khuôn mặt" thơ Trần Chấn Uy đa diện, nhưng đọc anh nhiều người thích “khuôn mặt làng”. Mỗi người có một cái bóng của mình, xác định cá tính thơ, riêng Trần Chấn Uy còn có bóng làng.

Tôi sinh ra ở làng nên dĩ nhiên làng là cảm hứng đắm đuối. Và cũng vì sinh ra ở làng, nên tôi đọc khá nhiều thơ viết về làng của nhiều nhà thơ khác. Làng, cũng thật lạ, nó không chỉ là cảm hứng thi ca của các nhà thơ bước ra từ làng mà còn là cảm hứng của nhiều nhà thơ xuất xứ từ phố, sinh ra và lớn lên cùng đô thị.

z3671488881916_3d7728128377d33ee4aa5d05b2ba42dc.jpg
Làng hiện lên trong thơ Trần Chấn Uy da diết, nhiều khám phá mới mẻ (Ảnh: chân dung nhà thơ Trần Chấn Uy)

Trong số các nhà thơ chăm bẵm phần cảm xúc về làng, tôi nhận ra nhà thơ Trần Chấn Uy viết về làng đặc biệt. Ông viết nhiều, đã từng in hẳn tập thơ dày dặn “Bóng làng”; quan trọng hơn, làng hiện lên trong thơ Trần Chấn Uy da diết, nhiều khám phá.

Nhà thơ Trần Chấn Uy là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông sinh ra ở một làng quê bên dòng La giang (Hà Tĩnh). Lớn lên đi bộ đội rồi lập nghiệp nơi “đất khách quê người”. Dẫu thành “công dân” Nha Trang nơi cồn cào sóng biển, từ ngày còn trẻ; tuy nhiên đọc thơ ông, tôi có cảm giác ông đăm đắm phía làng. Trong các tập thơ đã xuất bản, tập nào cũng thấy làng quê. Thơ mới, ông công bố trên trang cá nhân, cũng chủ yếu về làng.

Trong tập “Trần Chấn Uy – Giấc ngủ vầng trăng khuyết”, NXB Văn học năm 2007, có “Ký ức đồng quê”, “Để có một tên làng”, “Làng tôi”, “Trở về bến sông quê hương”, “Đêm quê”, “Người lính trở về”, “Chị”, “Anh tôi”...Trong tập “Trần Chấn Uy – Bên dòng sông đa tình”, NXB Hội Nhà văn năm 2012, ngay khi mở tập thơ đã thấy: “Đồng chiều”, “Giáp Tết”, “Chị”, “Chiều quê”, “Bến không thuyền”, “Cây hoa gạo ở bến sông quê”...16 bài được anh xếp đầu tiên ở tập thơ này viết về quê hương, về xứ Nghệ. “Bóng làng”, NXB Hội Nhà văn, năm 2018, một tập thơ dày dặn gồm 138 bài, gần 300 trang in, phần I thơ về quê hương có 26 bài.

Nói không ngoa, trong tâm hồn Trần Chấn Uy có cả khoảng trời ký ức làng. Ông viết về từng ngọn cỏ, nắm đất, mảnh vườn xưa, cõi đi, cõi về...Chỉ riêng, mảnh vườn nơi Trần Chấn Uy sinh ra và lớn lên, đã từng xuất hiện trong nhiều bài thơ như “Vườn cũ”, “Vườn mẹ”, “Khu vườn kỷ niệm”, “Mùa hoa cải”...Làng ám ảnh trong tâm hồn nhà thơ, vì thế mới có “Bóng làng”, “Đất làng”, “Viết trên đỉnh núi quê nhà”, “Về thăm làng cũ”...

Bao cái Tết xa quê tôi trở về làng cũ

Chiếc cầu gỗ già nua

Lưng còng xuống trên dòng sông nhỏ

Hoa lục bình tim tím nở bâng quơ

....

Chậu cúc vàng hàm tiếu đợi khai xuân

Ông nội tôi lom khom xén cúc tần bờ dậu

Bao kỷ niệm của một thời thơ ấu

Bỗng ùa về trong nỗi nhớ không nguôi

(Làng tôi)

Hình ảnh làng quê thanh bình với “chiếc cầu gỗ già nua”, “chậu cúc vàng”, ông nội lom khom...tạo nhiều xúc cảm với người đọc. Điều đặc biệt, thơ Trần Chấn Uy, dẫu viết về làng luôn có những thi ảnh ẩn dụ, toát lên vẻ đẹp của sự liên tưởng. “Chiếc cầu gỗ già nua / Lưng còng xuống trên dòng suối nhỏ” thì quá xuất thần. Chiếc cầu nhẫn nại, cõng bao thế hệ qua sông, đến mức “lưng còng xuống”, chiếc cầu cũng có “hồn via”, được nhà thơ “hồn vía hóa” bằng tình cảm tri ân. Đó là vẻ đẹp, chỉ có trong thi ca.

300882572_3425058391084136_664138691526204576_n.jpg
"

"Bao kỷ niệm của một thời thơ ấu", thơ Trần Chấn Uy, ảnh: NSNA Phạm Công Thắng

Khuôn mặt thơ Trần Chấn Uy đa diện, nhưng đọc anh nhiều người thích “khuôn mặt làng”. Mỗi người có một cái bóng của mình, xác định cá tính thơ, riêng Trần Chấn Uy còn có bóng làng. “Trâu lững thững như một nhà hiền triết/Vểnh tai nghe tiếng trống tan trường” hoặc “Hoa xuyến chi trắng tinh bờ cỏ dại/ Con bã trầu kẻ chỉ giữa vòm xanh”, “Hoa giong riềng nhóm lò than nóng hổi/ Con chuồn kim khâu vội ánh chiều tà”, (Bóng làng).

Mỗi người đều có một quê hương, thuộc về quê hương. Nói như nhà thơ Trần Quang Quý (Giải thưởng Nhà nước về VHNT), “không ai bứng được ông khỏi cố hương”. Với Trần Chấn Uy cũng vậy, dù đến mọi nơi trên thế giới, hôm nay thấy một nơi đẹp, mai lại thấy nơi khác đẹp hơn, vô cùng, vô tận; nhưng không đâu đẹp bằng quê hương mình, khắc khoải bằng quê hương mình. Điều này không phải áp đặt mà chính Trần Chấn Uy đã thú nhận “Trọn đời đất khách quê người/ Thương quê, ta lại bồi hồi chốn quê/ Gió trăng bát ngát đường về/ Người xưa xa vắng, lòng tê tái chiều”, (Nghe tiếng cuốc kêu).

Quê hương theo nghĩa nào cũng ăm ắp lòng, nơi có những người dân làng “Bao gương mặt như cánh đồng phơi ải”, (Đất làng) đẵ găm vào ký ức. Theo nghĩa hẹp hơn, quê hương, nơi có gia tiên, ông bà, bố mẹ.

Chiều đã xuống chìa hoàng hôn một nửa

Xám mặt mây, thấm lạnh giọt tàn thu

Vườn mẹ, tôi về cùng ngọn gió

Thoáng heo may ngõ nhỏ trắng sương mù

(Vườn mẹ)

Làng trong thơ Trần Chấn Uy không chỉ là ký ức. Làng trong thơ Trần Chấn Uy còn có một hiện thực ẩn. Làng quê Việt Nam nói chung, trong đó có làng ông sau đổi mới đã có biết bao thay đổi. Đời sống vật chất nâng lên, tiện nghi hơn, những con đường làng khắp các làng quê đã không còn lầy lội mà đã được “bê tông hóa” hoàn toàn...Nhưng trong mẫn cảm của nhà thơ, biết bao vấn đề đã mất, ô nhiễm môi trường...; nhất là về văn hóa truyền thống, phần nào đó, hao vơi tình làng nghĩa xóm. Vì thế mà “Bóng làng bỗng nhòa trong mắt đắng / Giọt thương đau mặn chat ở đầu môi”, (Bóng làng).

3850_1636794788.jpg
Không thể đổi làng lấy bất cứ thứ gì. Ảnh: Hà Thanh (nguồn: Xóm Nhiếp ảnh)

Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop từng viết: “Chẳng lẽ cái làng Đagheextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?” Ông đưa làng mình ra so sánh với những nơi nổi tiếng nhất thế giới, và ông khẳng định “Đẹp hơn là chắc chắn rồi”. Bởi với ông, mỗi lần trở về làng “Trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”. Ông khẳng định, không thể đổi làng lấy bất cứ thứ gì.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng có bài thơ “Bài học đầu cho con” được nhạc sỹ Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài hát “Quê hương” nổi tiếng; trong đó có 2 câu: “Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người” trở thành một chân lý, có ý nghĩa triết học.

Làng quê và mẹ là những gì thiêng liêng, đáng quý nhất, chỉ có một cho mỗi người. Làng quê hương cũng là mẹ, mẹ cũng là làng quê, là những gì gắn bó thân thiết trong tim mỗi người; là sự chở che bao la; là tình thương vô bờ bến; là bến đỗ bình yên cho mỗi người sau những giông bão cuộc đời. Không yêu làng, khó yêu được đất nước, như I.E-ren-bua (nhà thơ Nga) từng nói: “Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ yêu mái rạ nhà mình”.

Trần Chấn Uy, gương mặt nhà thơ viết nhiều về làng và thành công. Ông đã góp phần làm đẹp thêm “không gian làng” trong không gian văn hóa Việt, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim mỗi con người, trước hết là những người yêu thơ. Với Trần Chấn Uy, không khác gì Raxun Gamzatop, làng quê nơi ông sinh ra vẫn là đẹp nhất, mỗi lần về quê không chỉ riêng ông mà cả ngọn núi, dòng sông quê nhà, con đường làng đều hồi hộp.

...

Núi vẫn núi nghìn năm trước

Cỏ cây xanh, xanh buốt tựa muôn xưa

Ngày trở lại, quá nửa đời tóc bạc

Núi trẻ trai hồi hộp đón ta về

(Viết trên đỉnh núi quê nhà)

Tôi nhận ra trong thơ Trần Chấn Uy có “triết lý làng”, “Những viên sỏi giật mình tỉnh giấc / Bàn chân quen lối cũ lại tìm về”, (Vườn mẹ).

Bài liên quan
  • Lê Ngọc Dũng, ngắt một chùm sương...
    Lê Ngọc Dũng là tác giả trẻ, tư duy trẻ. Thơ với anh là sự tìm tòi khám phá, không chỉ trong ngôn ngữ mà cả trong cấu tứ, không chỉ ở hình thức mà cả ở nội dung. Con đường thơ còn dài nhưng bước đầu ghi nhận anh luôn trăn trở tìm giọng điệu - điều rất đáng quý.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nhà thơ Trần Chấn Uy và "triết lý làng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO