Giải pháp cho nguồn nhân lực logistics Việt Nam
Để tận dụng và bắt kịp xu hướng phát triển logistics trong bối cảnh CM 4.0, cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển và chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với đặc thù hoạt động mang tính liên ngành, chuyên nghiệp cao cả về kinh tế -kỹ thuật... Các giải pháp cần tập trung là:
1. Cần rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực logistics
Hiện nay cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực logistics đang là một khoảng trống từ chính sách nhà nước, ngành, địa phương và đến doanh nghiệp, có thể nói chưa tương xứng với vai trò và sứ mệnh của logistics trong nền kinh tế thị trường. Các chính sách của ngành và các địa phương mới chỉ tập trung vào các biện pháp phát triển logistics chuyên ngành nhưng lại thiếu kết nối, liên thông và còn mang tính hành chính, chưa có các chính sách cụ thể về phát triển nhân lực logistics bao gồm cả chính sách tài chính và phi tài chính đối với quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực này... Quản lý nhà nước về phát triển nhân lực logistics còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển, đặc biệt là logistics cho TMĐT và TMDĐ.
Chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực logistics chưa được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và các kế
hoạch phát triển một cách kịp thời và đồng bộ; việc triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách
có liên quan chưa kịp thời, độ trễ lớn. Vì vậy, cần rà
soát các văn bản hiện hành về logistics liên quan đến
phát triển nguồn nhân lực để hoàn thiện, bổ sung
như từ việc công nhận ngành đào tạo, cần sớm tách
thành mã ngành logistics riêng từ mã ngành đào tạo
quản lý công nghiệp như hiện nay, xác định lại các
hoạt động kinh tế của logistics đến việc nghiên cứu
bổ sung các quy định về chức danh nhân sự logistics,
tiêu chuẩn nghề, chứng chỉ nghề và các yêu cầu kiến
thức đối với nhân sự logistics... và cả các chính sách
có tính đặc thù để làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao trình độ, phát triển nguồn nhân lực
logistics trong bối cảnh mới.
2. Xây dựng và phát triển hệ thống kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về logistics
Trên thực tế, số lượng và nội dung công việc trong ngành logistics rất đa dạng và liên quan mật thiết đến các ngành kinh tế khác. Vì logistics là cả một chuỗi các dịch vụ cung ứng. Mỗi lĩnh vực công việc cần có những yêu cầu kỹ thuật, chất lượng nhân sự khác nhau để thực thi các công việc đặc thù nhưng lại rất liên kết với nhau theo một chuỗi các dịch vụ. Do đó, cần có nhận thức đầy đủ về yêu cầu, đặc điểm nguồn nhân lực logistics trong hệ thống các ngành kinh tế. Và để bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp logistics cũng như các hoạt động logistics, các cơ sở đào tạo cần phải nắm rõ đặc điểm, yêu cầu nhân sự ngành logistics, từ đó xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp. Tránh tình trạng thiết kế chương trình đào tạo ở một số trường đại học thường dựa vào thế mạnh các môn học hiện có, làm cho sinh viên khi ra trường khó tìm được việc làm phù hợp do không đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng logistics vì đào tạo thường chạy theo diện quá rộng lại không gắn với các cơ sở thực hành.
3. Xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo logistics vừa phù hợp với quốc tế nhưng lại vừa phù hợp với thực tiễn logistics Việt Nam
Hiện nay các chương trình và giáo trình bài bản, hiện đại phù hợp với quốc tế và thực tiễn logistics Việt Nam còn hạn chế. Việc tham khảo giáo trình, tài liệu nước ngoài là cần thiết nhưng lại bị rào cản ngôn ngữ cho người học, khó tiếp thu được nhiều kiến thức.
Hơn nữa, do “cơ chế tự chủ tài chính các trường”, hình thức đào tạo “theo tín chỉ” nhưng môi trường đào tạo Việt Nam chưa sẵn sàng, nhất là cho việc áp dụng đại trà các phương pháp giảng dạy hiện đại và cách thức quản lý đại học như các nước đã qua nền kinh tế thị trường hơn 200 năm nay. Vì vậy, để áp dụng hiệu quả các chương trình đào tạo nước ngoài, cần phải kiến tạo môi trường đào tạo phù hợp, không giáo điều, cứng nhắc và có những thay đổi cho phù hợp với môi trường đào tạo và thực tiễn logistics quốc gia và địa phương.
4. Tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong nước với tổ chức đào tạo nước ngoài về logistics
Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo là liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài. Liên kết đào tạo với nước ngoài là một hình thức đào tạo tiên tiến đang được nhiều trường áp dụng. Hình thức liên kết đào tạo này không chỉ dành cho hệ giáo dục đại học mà còn dành cho hệ giáo dục sau đại học. Ngoài ra, cần tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm cho đội ngũ nhà giáo, nhất là tại những nước có hệ thống logistics phát triển, qua đó bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, từng bước hình thành đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học logistics đầu ngành ở Việt Nam. Việc tăng cường liên kết đào tạo, một mặt sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mặt khác sẽ giúp cho các cơ sở đào tạo của Việt Nam tiếp cận được với các chương trình đào tạo đang được quốc tế công nhận để từ đó học hỏi điều chỉnh, hoàn thiện các chương trình đào tạo vẫn đang còn nhiều bất cập như hiện nay.
5. Tăng cường liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics với các cơ sở đào tạo
Hiện nay, các doanh nhiệp logistics Việt Nam hầu như có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ và lại ít có sự liên kết, hợp tác trong hoạt động kinh doanh và cả với các cơ sở đào tạo. Do vậy, liên kết giữa các doanh nghiệp logistics có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay, nhất là cả trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng cần liên kết với các doanh nghiệp logistics, các cơ sở thực nghiệm, mô phỏng, mời các chuyên gia giỏi từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật - nghiệp vụ, phối hợp nghiên cứu các đề tài liên quan đến logistics, tạo điều kiện cho sinh viên tới tham quan, tìm hiểu, học hỏi trong môi trường làm việc thực. Việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp với nhà trường giúp định hướng xây dựng chương trình đào tạo ứng dụng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics.
6. Ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ thông tin trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của hệ thống logistics và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với đào tạo nguồn nhân lực logistics mà các trường cần phải tính đến. Dự báo trong những năm tới, các trang thiết bị, công cụ tự động, hiện đại có ứng dụng IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực logistics. Sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây đã tác động mạnh đến các hoạt động của ngành logistics. Các hoạt động như quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, điều vận, tổng hợp và phân tích số liệu đã và đang được thay thế dần bằng hệ thống phần mềm tự động hóa. Sự tham gia nhanh và sâu của công nghệ vào chuỗi hoạt động của ngành logistics đã tác động giảm quy mô lao động của các doanh nghiệp... Do đó, trong bối cảnh gia tăng các nhà máy thông minh ngày càng trở nên hiện hữu, năng lực (chứ không phải là nguồn vốn) sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất xã hội. Điều này có nghĩa là nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số sẽ càng ngày gia tăng, đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics.