Nhiệm vụ năm 2023: Phải giải ngân được 95% tổng vốn 711 nghìn tỷ đầu tư công

Từ Tâm (tổng hợp) |21/02/2023 15:09

Nhấn mạnh giải ngân đầu tư công là nguồn lực, là động lực phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu mục tiêu năm 2023 đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công.

img6597-1676942761808578235210.jpg
Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Ảnh VGP

Sáng hôm qua 21/2, phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, phải giữ vững bản lĩnh, linh hoạt để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn, thách thức, chịu sức ép đến cùng lúc từ cả bên trong và bên ngoài.

Nhấn mạnh một trong những giải pháp là thúc đẩy đầu tư công, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển, Thủ tướng cho rằng, đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.

Giải ngân ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng


Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

giaingan-546.png
Các đại biểu dự hội nghị 

Giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội… Đồng thời giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Giải ngân đầu tư công còn tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng góp phần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả và các chính sách khác. Từ đó tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công...

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành khi đi công tác địa phương đã dành nhiều thời gian đi thị sát, kiểm tra các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia, của tỉnh, thành.

Nhờ đó, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/1/2023 đạt hơn 541.857 tỷ đồng, xấp xỉ 93,5% kế hoạch được giao. Con số này tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Thủ tướng lưu ý, công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022.

Vì vậy, ông yêu cầu các ngành, các cấp phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân trong năm 2023 đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công.

Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan; các bài học kinh nghiệm, giải pháp hay, cách làm tốt; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến trong giải ngân đầu tư công.

Kiến nghị "giải thoát" câu chuyện về bố trí vốn


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2023, TP.HCM được phân bổ vốn là 70.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỷ đồng vốn của Trung ương, 55.200 tỷ vốn của địa phương.

Đến nay các dự án đủ điều kiện để phân bổ là 14.000 tỷ đồng, còn 4 dự án với tổng vốn là 12.000 tỷ đồng, TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện và đến cuối tháng 3/2023, HĐND TP.HCM sẽ có phiên chuyên đề để phân bổ hết 100% vốn địa phương.

Rút kinh nghiệm năm 2022, TP.HCM cam kết quyết tâm thực hiện tốt hơn để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

hanoi-547.png
Đầu cầu TP Hà Nội và các tỉnh thành

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng cho biết, năm 2023, TP Hà Nội đã triển khai ngay gần 47.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và phân công luôn trách nhiệm chính. Ngay từ đầu năm, TP Hà Nội cũng thanh tra công vụ về đầu tư công, thanh tra kết quả năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023. Đến cuối tháng 2/2023, Hà Nội đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng (5,5% kế hoạch năm 2023).

Về kiến nghị, ngoài kiến nghị về vốn ODA cho nhà máy nước thải Yên Xá còn có dự án đường Nhổn - ga Hà Nội cũng đã hết thời gian hiệp định vay vốn đến 31/12, Thủ tướng cũng đã kiểm tra dự án và Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11 mà đến tháng 1/2023 mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng xuống Bộ KHĐT thẩm định. Như vậy thủ tục và quy trình đang quá chậm.

Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang vướng câu chuyện phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư. Hà Nội nhiệm kỳ này có 25.000 tỷ vốn đầu tư công, chỉ có thể bố trí cho 5-7 công trình đã hết mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ.

Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà HĐND không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Vì vậy, lãnh đạo Hà Nội mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo tháo gỡ được câu chuyện về bố trí vốn.

tphcm-.png
TPHCM cương quyết nửa đầu năm nay công tác giải phóng mặt bằng phải đảm bảo được cho các dự án. Ảnh VGP

* Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, TPCHM nhận thấy có 5 nguyên nhân chính  ảnh hưởng đến tiến độ như sau:

- Thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của Thành phố trong năm 2022 làm chậm.

- Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB): Nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến GPMB chậm, vừa không GPMB được vừa ảnh hưởng đến tiến độ xây lắp.

- Giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng.

- Thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm. Nhưng bao trùm là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ còn chậm.

Theo VietnamNet và Chinhphu.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ năm 2023: Phải giải ngân được 95% tổng vốn 711 nghìn tỷ đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO