Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành từ nghị quyết của Chính phủ - Ảnh: N.HIỂN
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng chống dịch, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn để giảm thiểu tối đa việc dừng hoạt động, phá sản, nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2021 có ít nhất khoảng 1 triệu lượt đơn vị được hưởng chính sách tín dụng, được gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế phí, tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước, chính sách hỗ trợ người lao động…
Nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả vắc xin phòng COVID-19; bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm gồm người lao động các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu/cụm công nghiệp, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chế biến nông nghiệp, thủy hải sản, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất; doanh nghiệp lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển, người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia…
Cùng với việc rà soát quy định cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí, Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và tự công nhận kết quả.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin, Nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin miễn phí cho người dân; với địa bàn thực hiện chỉ thị 16 có hướng dẫn, lộ trình để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại; hướng dẫn về việc tham gia lưu thông…
Đặc biệt, để hỗ trợ và cấp cứu kịp thời về dòng tiền cho doanh nghiệp vốn đang là gánh nặng lớn nhất hiện nay, nghị quyết nêu vấn đề hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền.
Cụ thể, các đơn vị liên quan trình cấp thẩm quyền về việc giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn; miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và 2021.
Có chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không; công khai niêm yết giá cước vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch để tăng giá cước bất hợp lý; thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện, giá điện…
Đồng thời, khẩn trương triển khai các chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn tiền ký quỹ xuống còn 30 ngày.
Thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp với các khoản vay.
Sửa đổi, bổ sung chính sách về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng tùy vào tình hình dịch. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.
Xem xét miễn nộp phí công đoàn cũng như giảm đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021 - 2022, có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người lao động. Có giải pháp để tạo thuận lợi về lao động, chuyên gia trong cấp giấy phép lao động, đẩy nhanh đàm phán, công nhận lẫn nhau về thực hiện hộ chiếu vắc xin…