Anh Triêm, đầu tháng Tư này Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập. Là nhà sáng lập và Chủ tịch doanh nghiệp anh nhìn về hành trình ấy thế nào?

Phạm Văn Triêm: Tôi nghĩ nó giống như một giấc mơ mà tôi không thể nào phục dựng nguyên vẹn được. 30 năm, và cả hồi ức trước đó - từ khi tôi còn là một cậu thanh niên cho đến bây giờ chuẩn bị bước vào tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, tôi cho rằng đó là khoảng thời gian chứa nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Có nốt thăng… và cũng có nốt trầm với nhiều thanh âm, tiết tấu đa tầng. Tôi và Lê Hỷ là bạn, nhưng giữa tôi và anh mỗi người đã chọn cho mình những hướng đời khác nhau. Tôi chọn con đường trở thành doanh nhân, còn anh chọn báo chí và những đam mê văn chương – nghệ thuật làm sự nghiệp. Với doanh nhân thì 1+1 phải = 2 hay có nói khác đi thì cũng là = 3-1, hiệu số không đổi. Trong kinh doanh, kinh tế đòi hỏi tính logic. Giờ nhìn lại khoảng thời gian qua tôi thấy vui và hài lòng với lựa chọn của mình. Rất cảm xúc.

Vậy để vượt qua “nốt thăng, nốt trầm” ấy, theo anh đâu là những yếu tố quan trọng để có được thành công như hôm nay?

Phạm Văn Triêm: 30 năm, quãng đường ấy tôi không muốn nói là dài, nhưng chắc chắn là không ngắn với sự nghiệp của một con người - một doanh nghiệp. Logo mà chúng tôi tạo ra cho sự kiện này “30 năm một chặng đường” đã hàm nghĩa về sự thăng trầm, gắn với các giai đoạn thách thức và phát triển của Tân Phước Thịnh. Thực lòng, là người giữ lái con thuyền, không giấu gì bạn đã có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được những cơn sóng “ba đào”. Nhưng, có một điều tôi tin luôn đúng và hy vọng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đồng tình với tôi – sự thành công khi ta biết chọn lựa và đầu tư vào con người, lấy nguồn nhân lực làm yếu tố trọng tâm, động lực cho sự phát triển. Tất nhiên bên cạnh đó còn nhiều yếu tốt quan trọng khác cũng cần được tích hợp và vận dụng hiệu quả trong nghệ thuật tổ chức – quản trị doanh nghiệp. Phương châm hoạt động kinh doanh của chúng tôi “Uy tín – Chất lượng – Hiệu quả. Là bạn của các nhà đầu tư”.

2019-khu-du-lich-bien-sang-ho-tram.jpg
Villas - Hồ Tràm Biển Sáng

30 năm với “bộn bề tất bật”, thường người ta quên nhiều lắm…, liệu anh Triêm còn nhớ những dấu ấn hay câu chuyện dự án nào mà Tân Phước Thịnh đã thực hiện?

Phạm Văn Triêm: (Hi…) Riêng khoản này thì tôi nhớ, nhớ rõ. Những công trình đầu tiên mà chúng tôi tham gia thực hiện đó là Cảng Baria Serece - khu nhà điều hành; nhà máy phân bón Ba Con Cò. Những năm 1995-1998 của thế kỷ trước, với những dự án vốn FDI mà chúng tôi thực hiện là những công trình mà chủ đầu tư là người nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… Và cũng nói thật rằng, ngay từ đầu chúng tôi cũng không có khái niệm hay phân biệt là mình đang làm cho nước ngoài hay trong nước gì cả. Cứ bằng nỗ lực, bằng quyết tâm của một tập thể (lúc đó còn non yếu) nhưng bù lại bằng cái tâm, nhiệt huyết và sự cố gắng luôn muốn vượt lên chính mình - chúng tôi đã thực hiện thành công những dự án mang tính “khởi nghiệp” quan trọng ấy. Và sau đó là nhiều dự án như Trung tâm Hành chính - Chính trị; Trụ sở Tỉnh ủy; Bảo tàng… của tỉnh BRVT. Mỗi công trình, dự án đều có câu chuyện và những dấu ấn rất đáng nhớ của riêng nó, góp phần làm nên thương hiệu của Tân Phước Thịnh.

Và nhân đây tôi cũng muốn kể về một công trình đã góp phần nâng Tân Phước Thịnh lên tầm cao mới là Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam - Việt Nam gói thầu BOC-1 H&I-1 và gói thầu H&I-8 Warehouse 2 mà chúng tôi là một trong những tổng thầu EPC đầu tiên của VN ký kết trực tiếp với chủ đầu tư. Có thể nói đây là một dự án phức tạp nhất về kỹ thuật thi công mà Tân Phước Thịnh từng tham gia với các điều kiện và tiêu chí vô cùng khắt khe, lại triển khai thi công trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid- 19. Tôi còn nhớ như in khoảng thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, rồi 16 của Chính phủ, đây là dự án trọng điểm Quốc gia, áp lực về tiến độ thi công vô cùng lớn, Ban chỉ huy công trường phải thực hiện 3 tại chỗ, mỗi tuần phải xét nghiệm đến 2 lần. Tôi cùng ban lãnh đạo công ty thường xuyên thăm hỏi, động viên để anh em yên tâm làm việc. Và cũng chính nhờ những nỗ lực, đồng lòng đó mà anh em chúng tôi đã hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Dịp này Tân Phước Thịnh đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3, anh cảm nhận về điều này như thế nào?

Phạm Văn Triêm: Đây quả là một vinh dự lớn đối với cá nhân tôi và tập thể người lao động của Công ty Tân Phước Thịnh. Một sự nhìn nhận mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho những nỗ lực lao động và đóng góp của chúng tôi. Nhưng để có được sự nhìn nhận từ trung ương tôi cho rằng nó được bắt đầu từ những ghi nhận của lãnh đạo của chính quyền địa phương các cấp. 30 năm ấy chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ, không mệt mỏi để tạo lập cho mình những dấu ấn, những sản phẩm có giá trị phục vụ cho con người và xã hội.

Bí quyết để duy trì và phát triển một doanh nghiệp trong ngành xây dựng là gì?

Phạm Văn Triêm: Ông bà xưa có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, và tôi cũng quan niệm làm ngành nào thì mình phải sống chết với nó. Doanh nghiệp chúng tôi gắn với giá trị cốt lõi của ngành xây dựng. Chúng tôi đã dành hết chú tâm cho hoạt động xây dựng. Và để duy trì, để phát triển một doanh nghiệp xây dựng thì rõ ràng chúng ta phải làm việc bằng lương tâm, trách nhiệm của một người ngành xây dựng. Bản thân tôi là một kỹ sư xây dựng thì tôi cũng làm hết sức mình với vai trò của một kỹ sư ngành. Đối với người lao động trong công ty, tôi cũng khuyên họ “Chúng ta phải làm điều tốt nhất, không để cho đối tác than phiền. Đối tác khen chúng ta, đó là chuyện đương nhiên. Chúng ta làm là để duy trì và phát triển doanh nghiệp”.

Với kinh nghiệm của mình, anh có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp xây dựng mới thành lập?

Phạm Văn Triêm: Khuyên thì tôi không dám, nhưng tôi nghĩ thế này - không chỉ ngành xây dựng mà ngành nào cũng vậy, phải bắt đầu bằng ý tưởng, và tiếp sau đó là cả quá trình tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng. Một loạt câu hỏi được đặt ra từ tên doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, thị trường, thị phần, tầm nhìn, sứ mệnh, điểm mạnh, điểm yếu, cạnh tranh, giá trị cốt lõi… và quan trọng hơn là hiểu rõ nguồn lực của mình và định vị được bản thân trong vai trò người lãnh đạo, dẫn dắt doanh nghiệp.

Việc ra đời một doanh nghiệp giống như sinh một đứa con, phải dành hết yêu thương, nuôi dưỡng, trí tuệ với nguồn năng lượng tích cực nhất và cả khao khát phát triển. Cũng giống như gia đình, doanh nghiệp cũng là một tế bào của xã hội. Khi bạn nhận chân được mối quan hệ đó, bạn sẽ thấy đường hướng và tương lai của doanh nghiệp rõ ràng hơn. Vẫn biết mục tiêu của doanh nghiệp là hoạt động vì lợi nhuận sau khi đã làm tròn các nghĩa vụ đối với nhà nước và người lao động.

Vấn đề cạnh tranh hiện nay là khá khốc liệt, Tân Phước Thịnh sẽ làm gì để duy trì vị thế của mình?

Phạm Văn Triêm: Tân Phước Thịnh đã ra đời và phát triển qua 30 năm - “Tam thập nhi lập” rồi. Tôi cho rằng giai đoạn lịch sử nào cũng đều xuất hiện những cơ hội và thách thức của riêng nó. “Một đời người lính chiến chinh thương trường/… Lòng không bền sao làm doanh nhân” (ca từ trong bài hát Đời doanh nhân của Nhạc sĩ Trần Tiến mà tôi rất thích), nếu xem mình như một người lính – một chiến binh trong thương trường thì bạn sẽ không thấy sợ khó khăn, cạnh tranh. Biết đâu trong cạnh tranh và thách thức sẽ tìm thấy cơ hội, rèn cho ta lớn thêm và trưởng thành.

Về phần mình, Tân Phước Thịnh vẫn sẽ mãi trung thành với slogant và phương châm hoạt động của mình, lấy uy tín và chất lượng công trình làm giá trị cốt lõi.

Kinh nghiệm quản lý và phát triển nguồn lực lao động trong môi trường công nghiệp năng động của anh hiện nay?

Phạm Văn Triêm: Như đã trao đổi, và cũng xin khẳng định lại rằng, Tân Phước Thịnh thành công như hôm nay có vai trò rất lớn của yếu tố con người, nếu không muốn nói là nguồn lực chính yếu. Với tôi, cuộc sống của người lao động, quyền lợi của cộng sự luôn là động lực để tôi và doanh nghiệp cải thiện, phấn đấu và cống hiến. Đồng thời ở một điểm nhìn khác, sự lắng nghe, thấu cảm và niềm tin cũng là những yếu tố, giá trị quan trọng trong thuật lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp.

Quan niệm của tôi, quản trị về thời gian không quan trọng, quản trị năng lực cá nhân không quan trọng,… mà cái chúng tôi nhắm đến là văn hóa chia sẻ, sự tương trợ và truyền cảm hứng trong hệ sinh thái của mình. “Đội bóng” Tân Phước Thịnh không có những cá nhân ngôi sao (kể cả tôi), mà ngôi ở Tân Phước Thịnh là toàn đội bóng.

Tôi thấy Tân Phước Thịnh hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, đầu tư bất động sản, logistics, v.v.., anh có nghĩ việc đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động sẽ mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp?

Phạm Văn Triêm: Suy cho cùng, tất cả những mảng kinh doanh đó đều liên quan mật thiết đến hoạt động lõi của Tân Phước Thịnh. Vì là doanh nghiệp xây dựng nên chúng tôi đã có sẵn lực lượng kỹ sư, kiến trúc sư, công nhân kỹ thuật để có thể tham gia đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, hạ tầng công nghiệp, logistics với các hoạt động kho bãi và giao nhận, vận tải… Đây có thể xem là lợi thế cạnh tranh trong việc tối ưu hóa nguồn lực của chúng tôi.

Tân Phước Thịnh đã từng gặp những thách thức nào không và làm thế nào để anh vượt qua?

Phạm Văn Triêm: Đó là giai đoạn 2005 – 2007 với suy thoái kinh tế toàn cầu; giai đoạn 2019 – 2021 với đại dịch Covid- 19; 2021 - đến nay với bất ổn địa chính trị, chiến tranh thương mại làm cho kinh tế thế giới đang khó khăn. Ở Việt Nam thị trường bất động sản đóng bang, kéo theo nhiều lĩnh vực khác, trong đó có ngành xây dựng.

Trong những giai đoạn “đặc biệt” đó, may mắn của chúng tôi là luôn nhận được sự cảm thông, đồng tâm hợp lực từ người lao động trong “đại gia đình” Tân Phước Thịnh, cùng nhau quyết vượt qua khó khăn. Tôi nhớ, những năm 2005 – 2007 trong lúc quá khó khăn, dòng tiền không có, nhưng tôi lại được những người thân trong công ty “sát vai chia sẻ”, có người còn cầm cả chủ quyền nhà, sổ đỏ đất đai đến cho công ty mượn để thế chấp. Nói những điều này, tôi muốn đề cập đến khía cạnh vượt thắng khó khăn khi ta có cả một tập thể đồng lòng, cảm thông và chia sẻ ở bên mình. Vượt qua khó khăn là để tồn tại và tìm cơ hội cùng nhau vươn lên phát triển doanh nghiệp.

Để duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng, đối tác cách thức của anh là gì?

Phạm Văn Triêm: Khách hàng, đối tác chính là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Nói ngược lại, không có khách hàng thì không có doanh nghiệp. Tôi hay chia sẻ với các cộng sự rằng, tôi không trả lương cho các bạn… mà chính khách hàng đã trả lương và đưa chúng ta phát triển.

Đối với công tác an toàn lao động và quản lý rủi ro, theo anh điều gì là quan trọng nhất?

Phạm Văn Triêm: Câu hỏi cũng chính là câu trả lời rồi. Công tác an toàn trong lao động là quan trọng nhất. Với chúng tôi mỗi dự án, mỗi công trình đều có một Ban an toàn, cùng với Ban chỉ huy công trường để phối hợp thực hiện tốt nhất công việc này. Đó cũng là cách chúng tôi quản lý rủi ro.

Trong tương lai anh có kế hoạch mở rộng hoạt động của Tân Phước Thịnh ra ngoài vùng Đông Nam Bộ?

Phạm Văn Triêm: Chúng tôi cũng đã thực hiện các dự án ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Với tân Phước Thịnh, nếu có dự án khả thi thì ở địa phương nào chúng tôi cũng thực hiện.

2020-du-an-hoa-dau-long-son-warehouse-2.jpg
Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam - gói thầu H&I 8 - Nhà kho 2 của dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam

Nếu được nhấn mạnh điều gì đó với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam anh sẽ nói điều gì?

Phạm Văn Triêm: Trả lời câu hỏi này, tôi xin được nhắc lại phương châm hoạt động kinh doanh của Tân Phước Thịnh “Uy tín – Chất lượng – Hiệu quả. Là bạn của các nhà đầu tư”. Là doanh nhân – doanh nghiệp ở mỗi một ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những đặc thù riêng, nhưng tựu trung lại nếu doanh nghiệp các bạn làm tốt những điều nêu trên tôi tin rằng sự thành công sẽ đến hơn một nửa rồi. 30 năm qua tôi và doanh nghiệp Tân Phước Thịnh đã theo đuổi, trung thành với những ý niệm và mục tiêu trên.

Bài liên quan
  • Xuất khẩu xây dựng sang nước ngoài sẽ đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế
    Tại “Diễn đàn kinh doanh: Tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam-Canada trong khuôn khổ Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội SACA, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chia sẻ về cơ hội xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam ra nước ngoài nói chung và sang Canada nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nhìn từ phía biển… Cơm trưa Gành Hào với Phạm Văn Triêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO