Vấn đề từ rác thải nhựa
Nhựa và các sản phẩm nhựa là vật dụng hữu ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ, thói quen sử dụng chưa hợp lý đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.
Ngoài ra, vấn đề tái chế rác thải nhựa cũng chưa có phương án xử lý hiệu quả. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mới chỉ tái chế khoảng 33% các loại nhựa chính. Ý thức của đa số người dân còn chưa cao; hệ thống phân loại, thu gom và xử lý còn hạn chế.
Hiện nay, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là sử dụng tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và quản lý chất thải hiệu quả được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để vừa tối ưu hóa quy trình vừa tạo ra các sản phẩm nhựa bền vững trở nên vô cùng quan trọng.
Giải pháp bao bì bền vững với môi trường
Tái chế & sử dụng nhựa tái chế
Hiện nay, nhiều sản phẩm nhựa được sản xuất phụ thuộc vào dầu mỏ và các nguồn tài nguyên hữu hạn khác làmnh nguyên liệu thô. Chính vì nguồn tài nguyên này là hữu hạn nên khả năng tái sử dụng, tái chế vật liệu sẽ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm chất thải.
Một số doanh nghiệp đã tập trung vào nghiên cứu hướng đến những vật liệu có khả năng tái chế. Từ những vật liệu này, sẽ cho ra đời những sản phẩm nhựa mà sau khi kết thúc vòng đời sử dụng thì hoàn toàn có thể tái chế lại.
Để hạn chế sử dụng nhựa nguyên sinh, một số công ty đã sử dụng nhựa tái chế sau tiêu dùng hay còn gọi là nhựa tái sinh - PCR. Đây là loại nhựa được tái chế từ các sản phẩm có chất liệu là HDPE nguyên sinh với quy trình tái chế cơ học được kiểm soát nghiêm ngặt. Các sản phẩm đạt được khả năng tái chế cao - RRC (có thể tái chế, tái sử dụng hoặc có thể phân hủy).

Trên thế giới, một số sản phẩm như dầu gội và sữa tắm tại Châu Âu và Bắc Mỹ đã sử dụng 100% nhựa tái chế PCR (Post-Consumer Recycled Plastic). Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã sản xuất chai PCR cho các sản phẩm dầu nhờn, dầu nhớt, hóa chất và các sản phẩm tái chế rPP, rPET như bình nước, thùng rác, giỏ đựng, hũ mỹ phẩm… Đây là nỗ lực đáng kể của nhà sản xuất và đối tác trong việc tạo ra bao bì bền vững, nhằm tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất và giảm thiểu lượng rác nhựa thải ra môi trường.
Giảm trọng lượng chai
Một công nghệ nổi bật của thế giới trong việc giảm trọng lượng chai đó là công nghệ MuCell®. Đây là giải pháp tạo bọt đặc biệt giúp chai có thể giảm đến 20% trọng lượng mà vẫn giữ nguyên các đặc tính quan trọng như chống va đập, độ bền và khả năng chịu nén. Đặc biệt, loại chai này có thể kết hợp với nhựa tái chế sau tiêu dùng (PCR), giúp giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh, mang lại giải pháp thân thiện với môi trường so với chai nhựa truyền thống.

Ngoài ra, nhiều nhãn hàng đã ứng dụng vật liệu đơn (Mono-material) tức là chuyển đổi toàn bộ bao bì sang sử dụng một loại nhựa duy nhất (như PP, PET hoặc HDPE). Công nghệ này giúp dễ dàng tái chế sản phẩm mà không cần phân loại. Sản phẩm đơn vật liệu sử dụng ít năng lượng hơn trong quá trình tái chế (vì không cần phải phân chia vật liệu) và tạo ra các sản phẩm tái chế chất lượng cao hơn.
Cải tiến này để có thể ứng dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững mà vẫn tối ưu hóa quy trình. Đặc biệt là phù hợp với quy định bao bì mới của EU về việc giảm thiểu đáng kể trọng lượng và kích thước bao bì, hạn chế sản xuất bao bì không cần thiết, chiến lược thúc đẩy các công ty tham gia các mô hình kinh tế tuần hoàn và đảm bảo rằng tất cả bao bì nhựa phải có thể tái chế vào năm 2030.
Cải tiến nắp chai
Một vấn đề lớn của rác thải nhựa là sự phân tán rộng rãi của nắp và vỏ chai sau khi sử dụng. Hầu hết thiết kế nắp hiện nay đều tách rời với chai, khiến người tiêu dùng có thói quen bỏ nắp chung với rác thải. Từ đó, một lượng lớn nắp không được tái chế, đã trôi ra bãi rác, đại dương.
Để giải quyết vấn đề này, loại nắp dính liền chai với thiết kế gọn nhẹ đã ra đời giúp giữ cho việc bảo quản sản phẩm bên trong an toàn hơn, đồng thời giúp phân loại và xử lý tái chế thuận lợi hơn, giảm thiểu rủi ro ô nhiễm và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc dùng khóa cơ mới thay thế Guarantee (vòng bảo vệ) truyền thống cũng giảm trọng lượng nắp khoảng từ 24% đến 48%, giúp giảm tổng lượng CO2 đáng kể trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Nguyên liệu sinh học
Nhựa sinh học đang trở thành nhân tố quan trọng trong việc tối ưu phát triển bền vững với nhiều ưu điểm so với nhựa thông thường: khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường. Việc ứng dụng nhựa sinh học sẽ giúp bảo tồn nguồn nhiên liệu hóa thạch, hạn chế và góp phần trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu thử nghiệm các nguyên liệu thay thế đáp ứng các điều kiện giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế; các sản phẩm nhựa có nguồn gốc sinh học (BIO), với nguyên liệu từ bã mía, bã cà phê, hạt trấu... Việc sử dụng các loại nguyên liệu này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành nhựa trong xu thế phát triển bền vững và tuần hoàn.