Nơi mở lối cho tài năng âm nhạc tỏa sáng

Khánh Trang|14/06/2023 07:00

Song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, nền giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây được ghi nhận là có chuyển biến tích cực theo hướng ứng dụng thực tiễn và hội nhập quốc tế, trong đó có giáo dục âm nhạc và sinh hoạt âm nhạc ngày càng đi vào chiều sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Piano từ lâu được biết đến là một loại nhạc cụ, một bộ môn thuộc khoa học âm nhạc được nhiều người quan tâm và chọn học nhiều nhất. Tính quốc tế và phổ cập của bộ môn âm nhạc này ngày càng trở nên quan trọng trong tiến trình giao lưu văn hóa và hội nhập toàn cầu. Từ điểm nhìn này, sẽ không lấy làm lạ tại sao ngày nay có rất nhiều các cuộc thi piano được tổ chức ở rất nhiều nơi, quy mô cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Từ hình thức tổ chức (offline, online) cho đến chủ đề, lứa tuổi, đối tượng tham gia cũng rất đa dạng, phong phú và thường được tổ chức bởi các cơ sở giáo dục đào tạo âm nhạc, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Cuộc thi Piano do Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh tổ chức thường niên là một sinh hoạt nghệ thuật nhiều ý nghĩa, uy tín và thu hút đông đảo thí sinh ở các cấp độ tham gia. Đây là cuộc thi piano cổ điển đã gắn với thương hiệu của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, có tính chuyên môn cao và có sức hút lớn với công chúng – người quan tâm.

Theo đơn vị tổ chức cho biết, cuộc thi với mục đích thúc đẩy phát triển phong trào học tập và biểu diễn piano chuyên nghiệp, mở rộng môi trường sinh hoạt âm nhạc lành mạnh, hữu ích cho giới trẻ, đồng thời thông qua đó tìm kiếm, phát hiện những tài năng âm nhạc trẻ tuổi để có những hỗ trợ cần thiết, bồi dưỡng phát triển tài năng âm nhạc góp phần phục vụ cho cộng đồng và xã hội.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thể lệ cuộc thi piano năm nay dành cho hai nhóm đối tượng chuyên nghiệp (professional) và không chuyên (amateur) với mọi quốc tịch, mọi lứa tuổi, với những quy định cụ thể về tác phẩm dự thi, độ tuổi dành cho mỗi nhóm, được diễn ra từ ngày 06/07/2023 đến ngày 09/07/2023.

ts.-hoang-ngoc-long-1.jpg
TS. Hoàng Ngọc Long - Q. Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Piano TP.HCM 2023

Trao đổi với TS. Hoàng Ngọc Long – Q. Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh – Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Việc tổ chức Cuộc thi Piano năm nay có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Thuận lợi vì Ban tổ chức đã mời được các thành viên Ban giám khảo có trình độ chuyên môn cao đến từ Nhạc viện các nước có nền âm nhạc cổ điển phát triển như: Pháp, Hàn quốc, Malaysia… tạo được uy tín và nâng tầm vóc cho cuộc thi nhìn ở khía cạnh chuyên môn. Ba nhà tài trợ chính vẫn luôn đồng hành cùng cuộc thi trong nhiều năm qua đó là: Việt Thương Music; Emmaus group với công ty thành viên đại diện là MIBS; Vietjet Air. Chính sự gắn bó và đồng hành qua nhiều năm đã cho thấy sức sống và sự thành công của cuộc thi, cùng với sự tin tưởng của các nhà tài trợ dành cho đơn vị tổ chức. Đây chính là những thuận lợi cho sự tiếp nối của cuộc thi năm nay tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Và ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 kéo dài, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đang có những khó khăn nhất định. Do vậy, việc kêu gọi thêm các đơn vị tài trợ mới cho cuộc thi cũng ít nhiều bị hạn chế và ảnh hưởng đến số lượng thí sinh tham gia đến từ các nước cũng giảm đi phần nào do phải tự túc các khoản chi phí như đi lại, ăn ở...

Từ góc độ quản lý, nhà tổ chức, TS. Hoàng Ngọc Long cho biết thêm: “Cuộc thi thu hút sự quan tâm của phụ huynh và các em có ước mơ, dự định được học tập tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, và thông qua cuộc thi này các em sẽ được thẩm định, đánh giá trình độ, kỹ năng xử lý âm nhạc, từ đó giúp các em xác định đúng con đường phát triển năng khiếu âm nhạc của mình. Đặc biệt, các thí sinh đạt giải thưởng sẽ được tuyển thẳng vào Nhạc viện xét theo độ tuổi và trình độ của bậc Trung cấp và Đại học theo qui định của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh”.

Theo TS. Lê Hồ Hải – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Piano Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi Piano 2023 (Nhóm chuyên nghiệp) thì cho rằng, bất kỳ thí sinh nào khi tham gia cuộc thi cũng sẽ cảm nhận về những giá trị lao động nghệ thuật, các thí sinh sẽ khắc phục những thiếu sót, xác định rõ hơn về mục tiêu học tập âm nhạc và trưởng thành hơn. Cuộc thi là một cơ hội để các thí sinh trau dồi những kỹ năng hiện có đồng thời học những kinh nghiệm biểu diễn, kỹ năng mới. Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh luôn được biết đến là một trong những cơ sở đào tạo âm nhạc hàng đầu của Việt Nam nên khi tham gia cuộc thi, các thí sinh có cơ hội biểu diễn trong phòng hòa nhạc đủ chuẩn về âm thanh học, được đàn trên cây đại dương cầm Steinway&Sons D – 274 tiêu chuẩn thế giới trước những khán giả am hiểu và các thành viên giám khảo chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các thí sinh còn được giao lưu, học hỏi từ các thí sinh khác cũng như nhận những phản hồi, góp ý từ các chuyên gia. Những trải nghiệm toàn diện này không thể tìm thấy được trong những buổi lên lớp bình thường hay luyện tập cá nhân.

ts.-le-ho-hai-2.jpg
TS. Lê Hồ Hải – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Piano Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh/ Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi Piano TP.HCM 2023 (Nhóm chuyên nghiệp)

Bên cạnh những quy định về chương trình thi mang tính nền tảng học thuật của vòng 1 thuộc nhóm chuyên nghiệm ở các Bảng A, B, C, điểm mới của mùa thi năm nay ở Bảng B vòng 2 (vòng Chung kết) quy định chương trình thi được mở rộng từ các tác phẩm của các tác giả thuộc thời kỳ Lãng mạn sang thế kỷ XX. Chương trình của Bảng C vòng 2 quy định thoáng hơn, mang tính tự chọn. Điều này cho phép các thí sinh thể hiện tất cả những sở trường của mình trong lựa chọn chương trình thi. Ở góc độ này, TS. Lê Hồ Hải là người đã gắn bó với cuộc thi xuyên suốt nhiều năm với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo. Chia sẻ về tiêu chuẩn để chọn ra những thí sinh đạt giải thưởng, hướng đi cho các thí sinh đoạt giải ở nhóm thi chuyên nghiệp, ông cho biết: “Các tiêu chí chấm thi tùy thuộc vào mục đích tổ chức của mỗi cuộc thi khác nhau. Riêng tại Cuộc thi Piano TP. Hồ Chí Minh năm 2023 này ở nhóm chuyên nghiệp, các tiêu chuẩn đánh giá các thí sinh không chỉ được quan tâm qua việc thí sinh thể hiện kỹ thuật biểu diễn một cách đơn thuần mà còn dựa trên sự hiểu biết về bối cảnh lịch sử, phong cách âm nhạc của tác giả, cấu trúc của tác phẩm, nội dung tính chất của tác phẩm. Nói cách khác, đó là những đòi hỏi về tư duy xử lý tác phẩm trong tất cả các khía cạnh kỹ thuật và nghệ thuật. Bên cạnh đó là khả năng truyền tải của thí sinh đến với Ban Giám khảo và khán giả thông qua tư duy và cảm xúc, tính thẩm mỹ, độ nhạy cảm âm nhạc và phong cách biểu diễn của mỗi thí sinh”.

Theo TS. Lê Hồ Hải: thành công của các thí sinh đoạt giải là có được sự công nhận bước đầu trên con đường nghệ thuật, mặt khác đó là một kinh nghiệm rất quý khi vượt qua những thử thách trên sân khấu. Những thành quả này mở ra nhiều cơ hội học tập trong và ngoài nước, được sự chú ý của giới chuyên môn cũng như những nhà tổ chức biểu diễn. Các bạn trẻ cần thử sức ở những cuộc thi lớn hơn, trải nghiệm trong những môi trường nghệ thuật rộng mở hơn, bởi piano là một nghệ thuật âm nhạc vô cùng rộng lớn…"

Bên cạnh các Bảng thi A, B, C ở nhóm chuyên nghiệp còn có các Bảng thi A,B,C,D dành cho nhóm không chuyên (Amateur). Điều này tạo điều kiện cho mọi người yêu bộ môn piano cổ điển có thể tham gia cuộc thi để thử sức bản thân mình. ThS. Nguyễn Thùy Yên – Phó trưởng khoa Piano Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo (Nhóm không chuyên) cho rằng: “Đối với việc học nghệ thuật nói chung và học đàn nói riêng, việc biểu diễn rất quan trọng. Từ việc biểu diễn ở phạm vi một nhóm nhỏ cho đến những dịp biểu diễn ở quy mô lớn hơn… tất cả đều mang lại cho người học những kinh nghiệm quý giá, từ đó các bạn trẻ sẽ dần trưởng thành hơn trong việc học tập, luyện tập piano. Ở vai trò là một giám khảo, tôi nhận thấy một thí sinh có thể đứng trên sân khấu và biểu diễn trọn vẹn phần dự thi của mình đã là một thành công đáng trân trọng”.

ths-nguyen-thuy-yen-1.jpg
ThS. Nguyễn Thùy Yên – Phó trưởng khoa Piano Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Piano TP.HCM 2023 (Nhóm không chuyên)

ThS. Nguyễn Thùy Yên cho rằng những quy định và thể lệ cũng như tiêu chí chấm thi, sự lựa chọn thí sinh đạt giải ở Bảng không chuyên cũng không khác nhiều so với Bảng chuyên nghiệp. Cuộc thi năm nay ở nhóm tuổi lớn hơn sẽ có chương trình dự thi tự chọn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh có thể thể hiện đa dạng phong cách biểu diễn của mình".

Như vậy khán giả cũng sẽ được thưởng thức những phần biểu diễn đa dạng về tác phẩm, về màu sắc âm nhạc. Cuộc thi đánh giá cao những thí sinh có phần trình bày thể hiện được sự hiểu biết về phong cách tác giả, tác phẩm, có kỹ thuật tốt cũng như sự cảm nhận âm nhạc sâu sắc. Bởi, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi là thúc đẩy phong trào học tập và biểu diễn piano ngày càng lớn mạnh, phát hiện ra những tài năng trẻ và từ đây sẽ tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo để các em được học tập nâng cao, phát huy hết khả năng của mình, nuôi dưỡng những tâm hồn âm nhạc góp phần phục vụ cộng đồng và xã hội.

Giám khảo khách mời:

1. GS. Jérome Granjon - Giảng dạy tại Nhạc viện Vùng Paris & Nhạc viện quốc gia Lyon – Pháp;

2. GS. Chong Lim (Malaysia) - Nguyên Giám khảo cuộc thi Chopin ASEAN, từng giảng dạy tại ĐH Malaya (Malaysia), NAFA (Singapore);

3. GS. Park Jee Won (Hàn Quốc) - Chủ nhiệm chương trình Sau Đại học tại Đại học Sang Myung;

4. TS. Eva Joo - Giảng dạy chương trình Sau Đại học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh;

5. PGS. TS. Nguyễn Huy Phương - Nguyên Phó trưởng khoa Piano, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam;

6. ThS. Phạm Trọng Chương - Nguyên Trưởng khoa Piano Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Các nhà tài trợ chính:

1. Tài trợ Kim cương - Việt Thương Music. Tài trợ tiền mặt.

2. Tài trợ Vàng - Emmaus group, công ty thành viên đại diện là MIBS, tài trợ tiền mặt.

3. Tài trợ Bạc - Vietjet Air. Tài trợ toàn bộ chi phí đi lại cho giám khảo, khách mời trong nước và quốc tế.

Bài liên quan
  • Opera Việt Nam tiếp thu các giá trị nghệ thuật thế giới
    Khi viết những tác phẩm opera Việt Nam, các nhạc sĩ người Việt đã tiếp thu những nguyên tắc chủ yếu của opera cổ điển châu Âu. Từ cấu trúc vở diễn đến cách xây dựng các hình thức âm nhạc, thanh nhạc, đều hướng theo những qui định, yêu cầu, kỹ thuật của opera cổ điển phương Tây như là những chuẩn mực, giá trị trong cấu trúc nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nơi mở lối cho tài năng âm nhạc tỏa sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO