Ôi, màu cờ ấy là màu tình yêu

Tùy bút của Ngô Đức Hành|02/09/2022 10:31

Lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam có một con tàu Việt Nam, do thuyền trưởng và thuyền bộ Việt Nam quản lý, vận hành, đi vòng quanh trái đất. Những chuyến đi có ý nghĩa phá thế bao vây cấm vận, mở đường hội nhập sau này của Việt Nam.

co-to-quoc1.jpg
Cờ Tổ quốc ở Lũng Cú - niềm tư hào thiên liêng. Ảnh: Internet

Chắc chắn đời người ai cũng từng một lần đứng dưới lá cờ Tổ quốc và rưng rưng. Nghĩ suy gì lúc đó? Chắc chắn ai cũng nghĩ đến lịch sử hào hùng và khát vọng của đất nước. “Trông lá cờ phấp phới đẹp tươi / Giữa nền đỏ có ngôi sao vàng / Sao lấp lánh huy hoàng biết bao/ Đẹp vô cùng lá cờ Việt Nam”, thuở thiếu thời đi nhà trẻ đã được cô giáo cho hát bài “Lá cờ Việt Nam” của Đỗ Mạnh Thường. Chỉ bốn câu, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ ngân nga.

Cuộc khởi nghĩa Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 2/9/945 lá cờ đỏ sao vàng tung bay từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, đến tận cùng các hải đảo xa xôi. Lá cờ đỏ sao vàng reo vui trong những ngày chiến thắng Điện Biên, ngày giải phóng Thủ đô, ngày thống nhất đất nước....

Cờ đỏ sao vàng là niềm kêu hãnh của dân tộc ở vĩ tuyến 17 khi cuộc chiến đang diễn ra hết sức khốc liệt. Lá cờ Tổ quốc không một ngày vắng bóng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Lá cờ đỏ sao vàng trong thời điểm ấy là điểm hội tụ tình cảm thiêng liêng của đồng bào miền Nam hướng về Bác Hồ kính yêu, mãi mãi trở thành linh hồn của dân tộc.

Khó nói hết những thời khắc lịch sử. Những người được sống ở những thời khắc ấy, nhớ lại chắc đều trào nước mắt mừng tủi. Lá cờ lúc ấy không chỉ là kích thước, màu sắc... mà là hồn thiêng sông núi. Trong mỗi trái tim người Việt có một lá cờ, nơi treo lá cờ thiêng liêng nhất có lẽ trong trái tim người.

Tuy nhiên trên dải đất hình chữ S này, có những cột cờ khi ta có mặt, được ngước nhìn lên ngắm lá cờ bay trong gió, cảm xúc luôn khác biệt. Đó là những cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Bắc; Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Tây; Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa), cực Đông; cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau), cực Nam. Và nữa. những cột cờ giữa biển khơi, nơi đầu sóng Trường Sa.

Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”, (thơ Xuân Diệu). Đến với Cà Mau là đến với vùng đất ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, câu chuyện hào hùng về những con người Đất Mũi, đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng và lưu dấu ấn di tích. Đất Mũi hôm nay không chỉ có cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 mà còn có Cột cờ Hà Nội, được khánh thành từ cuối tháng 10/2019.

Vì sao gọi là “Cột cờ Hà Nội”? Vì nó là phiên bản của Cột cờ Hà Nội thiêng liêng ở Thủ đô và là quà tặng của nhân dân Hà Nội dành cho nhân dân Cà Mau. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là một công trình thế kỷ, có giá trị nghệ thuật, kiến trúc đẹp mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc, chủ quyền biển đảo quốc gia, gắn bó Bắc - Nam một nhà, gắn bó tình cảm keo sơn, sâu nặng của người dân Thủ đô đối với quê hương đất Mũi Cà Mau và bạn bè quốc tế.

Có một điều, không phải ai cũng đã biết, biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau nằm trong Khu du lịch Mũi Cà Mau, gần với các công trình quan trọng như: Cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh…Đường Hồ Chí Minh, con đường mang tên Bác có Km0 tại Pắc Bó (Cao Bằng), điểm cuối cùng Km3167 tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Tôi đã từng đến Đất Mũi, miền đất ba mặt giáp biển, nhìn thấy mặt trời lên và mặt trời lặn, có cả cực Đông và cực Tây. Đứng bên cụm di tích, nơi có tượng đài Lạc Long Quân và Âu cơ, ngắm lá cờ phấp phới bay trên “Cột cờ Hà Nội”, cảm xúc thật đặc biệt. “...Những đàn con từ thuở Lạc Hồng / đi mở đất thành giang sơn bờ cõi / bao xương máu nghĩa tình chung thủy / nghe câu hò man mác Cửu Long”, (Bên tượng Mẹ Âu cơ, thơ Ngô Đức Hành).

Tôi có thời gian làm ở ngành Hàng hải Việt Nam khá lâu. Các bạn biết không, những con tàu biển treo cờ Việt Nam xuyên qua các đại dương, tàu biển đi đến đâu “chủ quyền” đất nước đến đó. Điều này theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế và Công ước quốc tế về Luật biển. Trên mỗi con tàu của ngư dân rẽ sóng đánh bắt xa bờ đều có lá cờ Tổ quốc, mang đến cho ngư dân sức mạnh, sự “bảo hộ” về luật pháp quốc tế.

Lịch sử đất nước từng có những con tàu không thể tự không tự hào. Tôi đã từng đến quận 4, TP. Hồ Chí Minh thăm nguyên thuyền trưởng tàu viễn dương Nguyễn Mạnh Hà. Tháng 9/1975, sau giải phóng không lâu, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà cùng sỹ quan thuyền viên tiếp quản tàu chở dầu Cửu Long 01 - 20.000 DWT, mở đường từ Rotterdam-Hà Lan về Địa Trung Hải, ghé cảng Porto Torres-Italy lấy xăng dầu, sau đó qua kênh đào Suez, vượt Hồng Hải, Ấn Độ Dương, ghé Singapore, về Việt Nam.

Gần 90 tuổi nhưng nhớ lại những thời khắc đưa tàu biển, treo cờ Việt Nam vượt biển sang châu Âu, châu Mỹ, người thuyền trưởng già không hết xúc động. Đặc biệt, năm 1982, thuyền trưởng Nguyễn Đình Từ cùng sỹ quan thuyền viên Thái Bình vận chuyển gạo từ Việt Nam, vượt Nam Ấn Độ Dương, qua cực Nam châu Phi và mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) mở đường đến Ivory Coast - Tây Phi. Sau đó con tàu vượt Nam Đại Tây Dương mở đường đến Cuba nhận hàng, rồi từ Cuba đưa tàu qua kênh đào Panama vượt Thái Bình Dương về Nhật Bản trả hàng và quay về Việt Nam, thực hiện chuyến đi một vòng trái đất từ Tây sang Đông.

co-to-quoc-ky-1-1_anop.jpg
Cờ Tổ quốc nơi đầu sóng. Ảnh: Internet

Lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam có một con tàu Việt Nam, do thuyền trưởng và thuyền bộ Việt Nam quản lý, vận hành, đi vòng quanh trái đất. Những chuyến đi có ý nghĩa phá thế bao vây cấm vận, mở đường hội nhập sau này của Việt Nam. Họ mang lá cờ Tổ quốc vượt đại dương gửi thông điệp hòa bình đến thế giới.

Lá cờ đỏ sao vàng, lần đầu tiên tung bay phần phật trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940); tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 (Khóa I) chọn làm Quốc kỳ. Và rồi, từ Hà Nội, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lan nhanh ra cả nước trong rừng cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay. 77 năm đã qua, kể từ mùa thu ấy...

Cờ bay màu của niềm tin / Đỏ như lời hứa của mình em ơi”, “Màu cờ đỏ vẫn thắm màu lòng tôi / Ru em trong ánh mặt trời / Ôi màu cờ ấy là màu tình yêu”, ca từ của bài hát “Màu cờ tôi yêu”, cứ thế ngân trong trái tim mỗi người tình yêu, nhắc nhở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ôi, màu cờ ấy là màu tình yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO